Nepal nằm giữa hai quốc gia khổng lồ là Ấn Độ và Trung Quốc. (Nguồn: Kathmandu Tribune) |
Mặc dù cuộc gặp Thượng đỉnh không chính thức giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối tuần qua chưa đạt được kết quả cụ thể, song các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm kéo dài ba ngày (10-12/10) tới Ấn Độ và Nepal là một chiến thắng rất cần thiết cho Bắc Kinh.
Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington đang ngày càng gay gắt và tình hình chính trị nội bộ của Trung Quốc đang rối ren, chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy tiến triển trong quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và New Delhi, bất chấp thực tế "bằng mặt không bằng lòng” trong quan hệ hai nước.
Không có nhiều chi tiết về nội dung thảo luận trong các cuộc gặp tại Mamallapuram song căn cứ theo tuyên bố chính thức của mỗi nước, giới phân tích cho rằng chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ mang tính biểu tượng, khi cả hai nhà lãnh đạo đều né tránh các vấn đề song phương, từ tình hình Kashmir đến kế hoạch BRI hay tập đoàn viễn thông Huawei.
Trong khi đó, chuyến đi ngắn ngủi tới Nepal của ông Tập Cận Bình được báo chí Trung Quốc ca ngợi là “mùa bội thu” với 20 thỏa thuận được ký kết, bao gồm các dự án đường sắt, cảng biển và năng lượng, cùng cam kết ủng hộ "chắc nịch" của Kathmandu đối với dự án BRI đầy tham vọng của Trung Quốc.
Tính biểu tượng nhiều hơn thực chất
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mamallapuram, bang Tamil Nadu ngày 12/10. (Nguồn: DPA) |
Nhận định về kết quả chuyến thăm, Giáo sư Brahma Chellaney, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi khẳng định: “Hội nghị Thượng đỉnh lần này tràn ngập sự hào hoa, trang trọng với nhiều mỹ từ nhưng ít kết quả hữu hình”.
Tuyên bố của Chính phủ Ấn Độ cho hay, Bắc Kinh tái khẳng định cam kết tại cuộc gặp Thượng đỉnh hồi tháng 4/2018 tại Vũ Hán là “hai bên sẽ thận trọng quản lý sự khác biệt và không cho phép sự khác biệt trong bất kỳ vấn đề nào trở thành tranh chấp giữa hai nước”.
Tuy nhiên, theo Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vijay Gokhale, hai nhà lãnh đạo đã không thảo luận đến mạng lưới 5G của Huawei và quyết định của Ấn Độ trong việc loại bỏ quy chế tự trị của Jammu và Kashmir.
Không tiếc lời vàng ý ngọc để ca ngợi cuộc gặp không chính thức vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông và Thủ tướng Modi đã tổ chức “các cuộc thảo luận thẳng thắn với tư cách là bạn bè”, trong khi nhà lãnh đạo Ấn Độ ca ngợi cuộc gặp tại Chennai đã “đánh dấu kỷ nguyên hợp tác mới” giữa hai nước.
Vậy nhưng, hai bên chỉ đạt được kết quả cụ thể trong việc thiết lập cơ chế mới nhằm thảo luận và giải quyết thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc hiện đang ở mức 53 tỷ USD vào năm 2018.
Thượng đỉnh không chính thức tạo điều kiện cho hai nhà lãnh đạo trao đổi cởi mở hơn. (Nguồn: Reuters) |
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc “đã sẵn sàng thực hiện các bước đi chân thành” về thương mại và “sẵn sàng thảo luận một cách thực chất nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại”.
Bất chấp cam kết tương tự nhằm cải thiện quan hệ song phương, theo Giáo sư Chellaney, quan hệ thương mại giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới dường như không có cải thiện kể từ Thượng đỉnh Vũ Hán cách đây 18 tháng.
“Cam kết của Ấn Độ trong việc tham gia đàm phán thương mại là một chiến thắng ngoại giao cho Trung Quốc. Trên thực tế, cam kết này đang câu giờ ở thời điểm quan trọng đối với Trung Quốc, khi sự cạnh tranh kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh đang diễn ra”, vị học giả trên nhấn mạnh.
Theo lý giải của ông Sun Shihai, chuyên gia về Ấn Độ tại Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc), không có gì đáng ngạc nhiên khi Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua không tạo ra giải pháp nhanh chóng nhằm giải quyết các vấn đề cản trở quan hệ song phương trong nhiều năm.
“Mặc dù là Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo nhưng hai nước vẫn nghi ngờ lẫn nhau và mâu thuẫn sâu sắc. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo cấp cao cần xây dựng mối quan hệ cá nhân để tăng cường lòng tin và đưa ra kế hoạch chi tiết cho sự phát triển lâu dài và chiến lược của quan hệ song phương”, chuyên gia Sun khẳng định.
Thế đối đầu và cạnh tranh
Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Kathmandu ngày 11/10. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Nếu như các nhà phân tích có quan điểm trái chiều về chuyến thăm Ấn Độ thì chuyến công du Nepal của nhà lãnh đạo 66 tuổi thu hút sự quan tâm không kém, khi lần đầu tiên Nepal trải thảm đỏ đón một vị Chủ tịch Trung Quốc đến thăm kể từ năm 1996, và chuyến thăm kết thúc bằng một “cơn mưa” thỏa thuận, nổi bật là tuyến đường sắt xuyên Himalaya.
Đối với New Delhi, quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Nepal ngay sau Hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Modi hay chào đón Thủ tướng Pakistan Imran Khan chỉ vài ngày trước chuyến công du Ấn Độ đã cho thấy tín hiệu rằng, thế đối đầu và cạnh tranh trong quan hệ Bắc Kinh – New Delhi nhiều khả năng được đẩy lên một tầng nấc mới.
Học giả Chellaney phân tích: “Chuyến thăm Nepal cho thấy mức độ theo đuổi tham vọng chiến lược của ông Tập Cận Bình ở khu vực sân sau của Ấn Độ. Bằng chứng điều đó là việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược với quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ".
Ở góc nhìn khác, ông Mohan Guruswamy, Chủ tịch Trung tâm Chính sách thay thế ở New Delhi cho biết, tuyến đường sắt xuyên biên giới giữa Lhasa và Kathmandu trong khuôn khổ BRI có ý nghĩa an ninh đối với Ấn Độ, do đó và Ấn Độ "sẽ sớm đề nghị xây dựng tuyến đường sắt kết nối thủ đô Kathmandu với hệ thống đường sắt của New Delhi".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli tại Kathmandu ngày 12/10. (Nguồn: Tân Hoa Xã) |
Theo học giả Sun, Nepal có đường biên giới dài với Tây Tạng, đồng thời là địa điểm sinh sống của khoảng 20.000 người Tây Tạng lưu vong, cho nên có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh quốc gia và tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.
“Trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh chiến lược từ quan điểm địa chính trị, cùng với đó là mối ngờ vực của New Delhi về sự ‘xoay trục’ của Bắc Kinh ở Nam Á – khu vực sân sâu của Ấn Độ, Bắc Kinh đã cố gắng hết sức để điều tiết các quan ngại từ New Delhi", ông Sun nói.
"Một điều rõ ràng là Trung Quốc sẽ không theo đuổi quan hệ tốt hơn (với Ấn Độ) bằng cách đánh đổi bạn bè và đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Pakistan".