Đại đức Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. (Ảnh: Hà Huy Hoàng/TG&VN) |
Chùa La, dấu ấn thời gian
Tương truyền sau khi đánh tan giặc Nguyên Mông, Vua Trần Nhân Tông giao lại ngai vàng cho con là Trần Anh Tông, rồi bắt đầu đi du ngoạn khắp vùng Kinh Bắc. Sau khi đến vùng Đức La, huyện Phượng Nhãn, lộ Bắc Giang, bỗng nhiên con tuấn mã của nhà Vua nhảy dựng hai chân trước hý vang. Nhà Vua đã dùng hết sức ghìm cương xuống, nhưng không được. Thấy vậy, dân làng gần đó kéo ra quỳ xuống vái lạy, con tuấn mã mới dừng. Biết là đất thiêng, nhà Vua xuống ngựa vào thăm ngôi cổ tự, sau đó cho xây dựng, mở mang thành một ngôi chùa lớn và đặt tên là Vĩnh Nghiêm tự.
Sách Tam tổ thực lục ghi: "Trạng nguyên Lý Đạo Tái một hôm theo Vua Trần Anh Tông đến huyện Phượng Nhãn vào chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa giảng kinh, bèn dâng biểu xin xuất gia tu đạo. Vua ưng cho, bèn thụ giáo với Pháp Loa, lấy Phật hiệu là Huyền Quang". Sau lần giác ngộ Phật đạo ở chùa Vĩnh Nghiêm, Vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã lập nên giáo phái Trúc Lâm - Ba vị trở thành Tam tổ…
Nhớ lại cách đây trên chục năm, lúc đó Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng gặp tôi có nói quê cậu có ngôi chùa tổ thuộc thiền phái Trúc Lâm, gọi là Vĩnh Nghiêm tự, vẫn còn lưu giữ được mấy nghìn bản kinh khắc trên gỗ từ thời nhà Trần quý lắm đấy… Nghe thầy Vượng nói thế, ít ngày sau tôi về quê. Quê tôi cách chùa Vĩnh Nghiêm non 7 km, có thể gọi là xã trên, xã dưới, ấy vậy mà khi hỏi chùa Vĩnh Nghiêm thì nhiều người không biết.
Tìm hỏi một cụ cao tuổi trong làng thì cụ tủm tỉm bảo: Anh hỏi chùa Vĩnh Nghiêm thì ít người biết là phải. Nếu anh nói chùa La thì cả tổng, cả huyện ai cũng biết… Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng La, nên từ bao đời nay nhân dân quen gọi là chùa La, sau là xã Đức La, tổng Trí Yên, Phủ Lạng Giang, nay là xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Buổi sáng, không gian ở chùa La im ắng đến lạ, nắng cuối thu vàng nhẹ trải dài trên những mái ngói rêu phong. Rót cho tôi bát nước vối nóng, bác Bình bán vàng hương ở ngay cổng chùa đon đả: Lá vối tẻ tôi vừa pha đấy, cậu uống nước đi. Hôm nay cậu về thì vắng rồi, gớm mấy hôm trước khách thập phương về xe lớn, xe nhỏ, đỗ kín cả bãi trước cổng chùa. Đúng là làng tôi có phúc, những năm chiến tranh chùa không bị phá phách, nên vẫn còn giữ được nhiều hiện vật. Năm nay, tôi đã 76 tuổi rồi, ngày bé vào chùa chơi, tôi đã nhìn thấy rất nhiều những tấm gỗ khắc chữ nho xếp trên kệ đặt trong gian Tổ. Cứ tưởng không có giá trị, ai ngờ đến bây giờ lại được thế giới biết đến công nhận là di sản, thật vinh dự quá…
Kho mộc bản "Bảo vật quốc gia"
Vừa dẫn tôi đi thăm chùa, Đại đức Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, vừa kể: Tấm bia đá được dựng vào năm Hoàng Định thứ 7 (1606) hiện lưu giữ tại chùa đã mô tả khá chi tiết cảnh vật nơi đây. Chùa nằm trên một gò đồi thấp, nhìn ra Lục đầu giang. Năm 1313, chùa Vĩnh Nghiêm chính thức được Tổ Pháp Loa đặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Đại Việt. Chùa từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và là nơi đào tạo, định chức danh các tăng sĩ thời Trần. Từ đó, chùa Vĩnh Nghiêm đã đóng vai trò tiền trạm cho khách hành hương vượt sông, trèo núi lên Yên Tử, Quảng Ninh. Vì thế có câu ca:
Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm…
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành.
Có thể nói, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là căn cứ quan trọng để các nhà nghiên cứu khẳng định sự khác biệt, độc đáo của dòng Thiền Trúc Lâm so với những dòng Thiền khác trên thế giới. Nó nhập thế phù hợp với tư tưởng, tín ngưỡng của người Việt, thể hiện tư tưởng của Vua Trần Nhân Tông, mang giá trị bản sắc rất cao cũng như giá trị mỹ thuật của người Việt xưa.
Bên cạnh đó, chùa còn được ví như một bảo tàng Phật giáo ở miền Bắc. Đây là nơi lưu giữ nhiều tài liệu và di sản văn hóa Phật giáo quý giá, trong đó đáng chú ý nhất là bộ 3.050 mộc bản khắc in các bản kinh Phật bằng chữ Hán và chữ Nôm, hầu hết được khắc trong khoảng thời gian từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19. Trong đo, chủ yếu là kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số trước tác về thơ, phú, nhật kí, y thuật chữa bệnh… của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Với những giá trị to lớn như vậy, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được đánh giá là "Bảo vật quốc gia".
Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm với kĩ thuật khắc ngược, đây là một kĩ thuật rất khó và tinh vi để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Ngoài những giá trị về mặt hiện vật, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn được các nhà nghiên cứu đánh giá là có giá trị rất lớn về mặt học thuật. Dựa vào nội dung các mộc bản này, người ta có thể giải mã được rất nhiều vấn đề thuộc về quá khứ như: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật, triết học, xã hội học, ngôn ngữ học...
Ông Phạm Cao Phong - Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, cho biết: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có tính độc đáo, ngoài kinh, sách, luật giới còn có mộc bản để in ấn sớ, điệp, tiêu biểu là cuốn Thiền tông bản hạnh.
Đặc biệt, mộc bản này được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnammese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Như vậy, sau mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản thứ ba của Việt Nam được công nhận là di sản tư liệu trong chương trình "Ký ức thế giới".
Hơn 800 năm đã trôi qua, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn tồn tại với vai trò là một trung tâm Phật giáo, một Thiền viện đào tạo các tăng, ni nổi tiếng trong cả nước. Kho mộc bản tưởng đã ngủ quên trong lớp bụi thời gian, nay đã được thế giới biết đến tôn vinh. Để xứng tầm một đại danh lam cổ tự, chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm thì chùa Vĩnh Nghiêm cần được các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội quan tâm trùng tu tôn tạo. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Hà Huy Hoàng