TIN LIÊN QUAN | |
"Nhà báo đã cố gắng đến gần nhất sự thật chưa?" | |
TS. Đặng Hoàng Giang: "Lăng nhục không làm xã hội tốt đẹp lên" |
Đầu năm 2016, Louis Richardson - chàng sinh viên 21 tuổi trường ĐH Durham (Anh quốc) được bác bỏ tội danh tấn công và xâm hại tình dục 2 phụ nữ. Trong suốt quá trình xét xử vụ án, không giống như những nạn nhân, Louis không hề được bảo vệ danh tính, đồng nghĩa với việc chỉ bằng một thao tác tìm kiếm trên mạng, toàn bộ thông tin về vụ án và tội danh của cậu (dù đã được bác bỏ) đều được phơi bày trước toàn thể công chúng và hình ảnh cậu hiện ra dưới mác "kẻ hiếp dâm".
Từ đó, gần như mọi nhà tuyển dụng đều nắm được "quá khứ" của Louis trước khi làm việc với cậu. Việc cậu từng bị cáo buộc tấn công tình dục sẽ luôn được người ta biết đến và gây bất lợi cho những phát ngôn hay cống hiến của cậu sau này. Liệu điều này có được coi là công bằng?
Gần đây, chúng ta liên tiếp bắt gặp hình ảnh và thông tin cá nhân của nghi phạm các vụ ấu dâm hay "người thứ ba" phá hoại hạnh phúc gia đình bị công khai và chia sẻ với mật độ phủ sóng dày đặc trên mạng xã hội.
Ngay lập tức, họ trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của các cư dân mạng. Người thì cho rằng phải công khai danh tính, hình ảnh của họ để xã hội ý thức được vấn đề nóng, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, số khác lại quan niệm việc công khai danh tính là để họ mãi luôn sống trong sự lên án, dèm pha từ cộng đồng. Thậm chí, có những người dù chưa biết đúng sai nhưng vẫn tích cực chia sẻ với tâm lý "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót"...
Chúng ta đang tự phong mình là người hùng?
Tại Tọa đàm, Luật sư Lê Thị Nam Hương đặt vấn đề, chúng ta đang chia sẻ thông tin như thế nào? Những hệ quả nào để lại trong việc chia sẻ thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội?
Theo luật sư Hương, tại các nước, ở độ tuổi từ 20-30 được xem là nhóm dân số sử dụng mạng xã hội nhiều nhất và rủi ro cũng khá cao nếu không nghĩ đến hậu quả. Đưa ra một câu rất kinh điển mà báo chí nước ngoài hay nói, “chỉ cần một cú share thôi cũng có thể dẫn bạn đến nhà tù”, luật sư Hương nhận định, khi bạn không ý thức được việc chia sẻ thông tin một cách "vô tội vạ", sẽ vô tình đem lại hậu quả khôn lường cho người khác.
Từ đó, luật sư Hương cảnh báo về sự nguy hiểm rình rập khi "like" và chia sẻ trên mạng mà không chọn lọc thông tin, đồng thời nhắn nhủ các bạn trẻ nên có ý thức hơn khi sử dụng mạng xã hội.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
“Người ta thường nói ở đâu đó trong tâm hồn mỗi con người đều có một góc tối. Vậy những góc tối ấy đã được kiểm soát như thế nào? Trên thực tế, những góc tối đó lại luôn đòi hỏi và chạy theo sức hút của những thông tin xấu, những thông tin có tính bạo lực", luật sư Hương nhấn mạnh.
Luật sư Hương nhận định, đây là một nguy cơ rất đáng lo ngại. Vì thế, đôi khi mỗi người nên tỉnh táo hơn, chia sẻ phải đi kèm với trách nhiệm, hiểu về quyền riêng tư trong thời đại Internet. "Tất cả mọi người đều có quyền như nhau, vấn đề là chúng ta sử dụng trong bối cảnh như thế nào và hiệu quả ra sao?", luật sư Hương cho hay.
Cũng theo luật sư Hương, không có thước đo chung, chỉ có điều ranh giới rõ ràng nhất là phạm luật hay không phạm luật. Vì thế, mỗi người nên tự trang bị cho mình kiến thức một cách đầy đủ nhất để tự bảo vệ mình, phải nhận thức rõ đâu là giới hạn và nên tỉnh táo trước các vấn đề, sự việc.
“Có vẻ như chúng ta đang tự cho rằng mình chia sẻ thông tin là để thức tỉnh xã hội, bảo vệ nạn nhân, đi tìm thủ phạm. Chúng ta đang tự phong mình là người hùng và nghĩ rằng việc chia sẻ thông tin ấy sẽ giúp tìm được thủ phạm hoặc đơn giản là giúp cho sự việc nhanh được đưa ra ánh sáng. Tôi nghĩ đó là việc làm bồng bột, đơn giản. Vì bản thân nghi can khi chưa bị tòa án kết tội thì họ cũng bình đẳng như chúng ta, họ cũng có đời sống riêng. Phải chăng chúng ta đang tự mình tạo ra một hệ thống giống như cảnh sát mạng. Chúng ta đang tự biến mình thành quan tòa?".
Bản thân mỗi người cũng là nạn nhân
Phân tích ở khía cạnh đạo đức của câu chuyện, TS. Đặng Hoàng Giang (chuyên gia về phát triển, nhà hoạt động xã hội, tác giả cuốn sách "Thiện, Ác và Smartphone”) cho rằng, một gia đình không cho các thành viên sự riêng tư là một gia đình bóp nghẹt con người. Đánh mất sự riêng tư còn có nghĩa là đánh mất khả năng có được một cuộc sống bình thường.
Cách chúng ta chia sẻ thông tin mà không bảo vệ nạn nhân vô cùng nguy hiểm. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Đồng thời, TS. Giang cũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể câu chuyện về những đứa con của người phụ nữ sát hại chồng được báo chí khai thác, biến chúng trở thành “những con thú trong sở thú” hay clip quay cận cảnh người bị tai nạn giao thông được lan truyền trên mạng, khiến gia đình nạn nhân không bao giờ ngừng đau xót…
Những ngôi sao, người nổi tiếng chỉ vì mang danh "người của công chúng" mà luôn có nguy cơ bị cộng đồng soi mói, theo dõi nhất cử nhất động. Chỉ trong vòng 24 tiếng sau khi hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đăng quang (8/2016), người ta đã lục ảnh cũ ra để cáo buộc cô "sửa răng" và đào lên một trạng thái trên Facebook của cô cách đây 4 năm, khi cô mới 16 tuổi, để đánh giá tư cách đạo đức.
“Nói khác đi, khi đám đông soi xét từng dáng ngủ trên máy bay, từng động thái like trên Facebook của một cá nhân, người ta đang cướp đi bản thể con người đó, và biến họ thành một con rối của mình, một dạng đồ vật”- TS. Giang nói.
Cũng vì lý do đó mà sự riêng tư gắn liền với nhân phẩm. Khi riêng tư bị tấn công thì nhân phẩm bị tổn thương và nhân tính bị đe dọa. Khi người ta lục lọi trong quá khứ của một hoa hậu như chốn không người, họ không đếm xỉa tới cảm xúc và suy nghĩ của cô và không coi cô như là một con người nữa.
Khi người ta quay lén một ai đó, họ đã lấy đi chủ thể của người đó, tước đi khỏi người đó tự do được quyết định và lựa chọn ai được chứng kiến hành vi nào của mình. Người bị đánh mất sự riêng tư là người bị trói chân trói tay rồi lột trần trước ánh mắt của người khác.
Từ những tình huống khác nhau, TS. Giang nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng mỗi người nên lựa chọn nội dung để lên tiếng. Chúng ta có thể chia sẻ thông tin về người nghèo, về thiên tai… Tuy nhiên, chuyện chúng ta chia sẻ thông tin về nghi phạm ấu dâm trên thực tế có tác dụng ngược, vi phạm đến nhân quyền của người khác. Nếu người dân quay ra xử theo luật rừng, tự xử, gây ra bạo lực cũng không thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Lấy một ví dụ khác, TS. Giang cho rằng, chúng ta bức xúc vì tên trộm chó và coi mình như Lục Vân Tiên, quay ra thực hành công lý, giết hại những người trộm chó thì vô hình trung chúng ta đang biến xã hội thành xã hội "kẻ mạnh thắng kẻ yếu".
"Có rất nhiều người đồng ý với việc đánh chết kẻ trộm chó. Tôi nghĩ đây là tư duy rất nguy hiểm. Chúng ta muốn sống nhân văn, dân chủ nhưng vẫn muốn đánh chết tên trộm chó vì nghĩ rằng họ không xứng đáng sống với mình. Tôi nghĩ rằng, một con đường đúng đắn phải dài hơn, khó khăn hơn"- TS. Giang phân tích.
Trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để mỗi người biết tự bảo vệ mình?”, luật sư Hương cho rằng, đâu đó chúng ta cũng là nạn nhân. Chúng ta cứ nghĩ mình phải làm gì đấy. Việc chúng ta tạo ra một làn sóng như like, share vô tình lại khiến cho các vụ việc thêm phức tạp, gây sức ép với chính quyền...
“Tôi sợ là chúng ta đang đi quá xa. Cách chúng ta chia sẻ thông tin mà không bảo vệ nạn nhân vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được rõ rằng mình đang chia sẻ cái gì? Những thông tin ấy có tác động thế nào đến cộng đồng?" - luật sư Hương đặt vấn đề.
Hate speech trên mạng xã hội - đâu là giới hạn? Vài năm gần đây, với sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Twitter, chúng ta cũng chứng kiến sự bùng nổ của những ... |
"Nhà báo đã cố gắng đến gần nhất sự thật chưa?" Đó là nỗi trăn trở của bà Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập - Báo Nhà báo & Công luận tại diễn đàn “Đạo đức ... |
TS. Đặng Hoàng Giang: "Lăng nhục không làm xã hội tốt đẹp lên" Trải lòng trong buổi giới thiệu về tựa sách mới “Thiện, Ác và Smartphone” tại Hà Nội, TS. Đặng Hoàng Giang cho rằng, lăng nhục ... |