Bìa cuốn tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu. |
Tuổi 20 là quãng thời gian đẹp nhất của mỗi người bởi khi đó, ta có trong tay tất cả mọi thứ: sức khỏe, thời gian và sự nhiệt huyết. Nhưng trái lại, đây là thời điểm ai cũng gặp phải những vấn đề khó khăn, vấp ngã lại chưa đủ kinh nghiệm để giải quyết.
Tuổi của những ngộ nhận
Nhớ về tuổi trẻ của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng có tuổi thơ nhiều kỷ niệm ở nông thôn. Ông sống trong thời kỳ đất nước ta đang phải đối mặt với chiến tranh, cơm không đủ ăn, nghèo đói quanh năm. Ngày ấy, ước muốn duy nhất của ông là được làm việc để kiếm tiền tu sửa lại ngôi nhà cho đỡ dột.
Khi trưởng thành, ông nhận ra, tuổi trẻ mỗi người đều mắc phải những ngộ nhận. “Trước đây, khi đi dạy học, tôi cứ ngỡ mình là nhà giáo. Khi tham gia vẽ tranh cho Nhà xuất bản giáo dục, có lúc tôi nhận ra mình cũng chẳng phải họa sỹ. Đến khi viết văn, tôi cứ tưởng mình là nhà văn, nhưng rồi tôi ngộ ra không phải vậy”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tâm sự.
Ông còn cho rằng, ngộ nhận đầu tiên của con người là về tình yêu. Trong hành trình sống, ai cũng sẽ bước qua cánh cửa tình. Từ những ngộ nhận ấy, người trẻ rất dễ mắc phải sai lầm. Đôi khi, những sai lầm đó không chỉ về tình mà có thể đến từ những vấn đề xã hội khác.
Ông viết Tuổi 20 yêu dấu chỉ trong vòng một tháng và nguyên mẫu nhân vật Khuê trong tiểu thuyết chính là con trai mình. Nhưng tác giả đã đặt ra một cái nhìn khác về tuổi trẻ. Không giống như những cuốn sách dạy về kỹ năng sống thường xây dựng những bạn trẻ thành công hoặc sẽ đứng lên sau thất bại.
Trong Tuổi 20 yêu dấu là một người trẻ thất bại và đầy lỗi lầm. Tác giả đã gửi gắm nhiều ý tưởng, những cái nhìn đầy bao dung đối với tuổi trẻ, cụ thể là tuổi trẻ thất bại. “Có lẽ, càng nhìn vào lỗi lầm, vào sự thất bại ấy, chúng ta mới xây dựng được một cuộc sống hài hòa và tốt đẹp hơn”, nhà phê bình Mai Anh Tuấn bày tỏ.
Sau một chặng đường dài chấp nhận sự thật, thay vì trách móc, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thấy rằng, sai lầm của tuổi trẻ là điều dễ hiểu. Không thể phủ nhận rằng, tuổi trẻ thời đại ngày nay được sống đầy đủ, có nhiều điều kiện tốt nhưng cũng chịu nhiều tác động khác về xã hội. Không sai khi nói, thời đại công nghệ ngày một phát triển, hòa nhập vào nền công nghiệp 4.0, những tệ nạn xã hội cũng ngày một phức tạp hơn. Và tuổi trẻ có lúc lại chính là “mồi lửa” cho những tệ nạn đó bùng cháy.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (giữa) tại buổi tọa đàm. |
Điều đáng nói, Nguyễn Huy Thiệp viết tiểu thuyết này không phải là để đổ lỗi cho những tác nhân của xã hội khiến cho những người trẻ tuổi lầm lỗi và thất bại. Với ông, lý do đơn giản là qua đó để hiểu hơn những người trẻ khi vấp ngã có lý do và tiếng nói của họ. Như nhân vật Khuê là chuỗi sai lầm tất yếu xảy ra trong tuổi trẻ - một người cô đơn và cô độc. Từ đó, khi ý thức được những sai lầm và bắt đầu thức tỉnh, đó là lúc người ta tìm lại được “bản lai diện mục” của mình.
… Và tuổi 20 thời hiện đại
Đứng trước câu hỏi: Tuổi trẻ thời 4.0 cần phải làm gì để không “tuột xích” như nhân vật Khuê? Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, tuổi trẻ thời nay khó sống hơn thời tuổi trẻ của mình rất nhiều. Tuy nhiên, khi còn trẻ, bạn hãy cứ sống thật vui, hãy lắng nghe tiếng nói của trái tim và dùng tâm tưởng để hành động.
“Trong xã hội cũng vậy, cái thiện và cái ác luôn lẫn lộn và được hệ thống hóa. Nếu không đi theo hệ thống ấy rất có thể chính chúng ta sẽ bị tuột xích, mắc sai lầm, hoặc thất bại. Bởi vậy, nếu muốn vượt qua buộc chúng ta phải mạnh mẽ, phải có học vấn, sức khỏe, tiền bạc lẫn sự ảnh hưởng xã hội”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ.
Với nhà văn, một trong những dấu hiệu của người có đạo đức là vui vẻ và cái gì đã qua hãy để qua đi. Tuổi trẻ đừng sợ khó khăn, đừng sợ sai lầm, hãy mạnh mẽ và nuôi dưỡng những khát vọng.
Được tiếp xúc với giới trẻ mỗi ngày, Tiến sỹ văn học Mai Anh Tuấn phần nào hiểu được cuộc sống cũng như những nguy cơ dẫn đến sự sa ngã của những người đang tuổi 20.
“Tuổi 20 là thời điểm ta đang có trong tay mọi thứ. Nhưng tuổi trẻ ấy không bao giờ là sự hoàn hảo tuyệt đối. Những lầm lỡ, thất bại trong bước đi đầu đời cần phải xem như sự tất yếu và đón nhận nó một cách trung thực”, Tiến sỹ Mai Anh Tuấn bày tỏ.
Khi ta thẳng thắn đối mặt với mọi vấn đề và tìm ra cách ứng xử, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuổi 20 cũng giống như một sợi dây và sai lầm lại là những nút thắt. Để tháo gỡ nút thắt đó, không có cách nào khác bản thân những người trẻ phải tự mình giải quyết, vừa “sống chung với lũ” vừa tìm cách thoát ra.
Có lẽ, tuổi 20 của mỗi người đều mang một sắc màu riêng và cần có sự tự chủ khi sống giữa xã hội nhiều vấn đề bất cập. Xét về khía cạnh tích cực, việc đối mặt và tự giải quyết vấn đề sẽ giúp tuổi trẻ như được truyền thêm cảm hứng sống. Từ đó, họ sẽ cứng cáp và hoàn thiện hơn.
Nguyễn Huy Thiệp là “hiện tượng hiếm” của văn đàn Việt Nam với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như: Tướng về Hưu, Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi, Sang sông, Con gái thủy thần, Giăng lưới bắt chim, Tuổi 20 yêu dấu…Trong đó, Tuổi 20 yêu dấu được viết từ tháng 1/2003, đã được dịch và xuất bản từ năm 2005 ở Mỹ, sau đó là ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada. |