Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. |
Tối 12/9, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Chương trình có giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Chương trình Sóng và máy tính cho em do Thủ tướng Chính phủ phát động gồm ba cấu phần: Có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; có giá cước phù hợp cho các máy tính. Đây là chương trình lớn của mọi ngành, mọi cấp và mọi người, mọi doanh nghiệp dành cho ngành Giáo dục, dành cho học sinh - tương lai của chúng ta. Giá trị của nó lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, và lại đúng trong lúc tất cả đang rất khó khăn vì đại dịch bùng phát".
Bộ trưởng chia sẻ, cách đây 5 ngày, vào 0 giờ 15 phút, ngày 7/9, Thủ tướng nói về ý tưởng sóng và máy tính cho em. Vừa là học trực tuyến, vừa là xây dựng xã hội số. Khi Covid-19 ập đến, các em là những người đầu tiên phải ở nhà, và học trực tuyến. Nhưng hàng triệu em không có máy tính để học.
Vào lúc 9h sáng cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ TT&TT thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Một chương trình lớn liên quan đến toàn quốc, với hàng triệu học sinh với sự hỗ trợ, giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Với chủ trương đúng và tính nhân văn của nó nên chưa đến 5 ngày, bằng sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của rất nhiều bên, chúng ta đã có mặt ở đây để chứng kiến sự ra mắt của Chương trình "Sóng và máy tính cho em" và chứng kiến những đóng góp đầu tiên lên đến 1 triệu máy tính cho em.
"Những gì đúng và chạm đến trái tim thì luôn đi xa và nhanh. Một lời hiệu triệu là cả triệu người theo", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, "Sóng và máy tính cho em" cũng là để chuyển đổi số cho tất cả các hộ gia đình, xây dựng xã hội số. Ở vùng quê, vùng sâu vùng xa, chính các em sẽ giúp cha mẹ mình lên môi trường số, mua bán trên các sàn thương mại điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận tiền, chuyển tiền qua chiếc điện thoại.
Có sóng, có Internet cho em không chỉ là nỗ lực của nhà mạng, mà còn là sự chung tay của chính quyền các cấp, của người dân trong việc tạo điều kiện cho nhà mạng phát triển hạ tầng, xây dựng các trạm phát sóng. Đất nước chúng ta còn đến 2.000 điểm lõm sóng, đều là những chỗ rất khó khăn tồn tại nhiều năm nay.
Trong tháng 9 này, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các em phải học trực tuyến sẽ không còn điểm lõm sóng Internet. Đến hết năm 2021, trên toàn quốc sẽ không còn điểm lõm sóng.
Học trực tuyến tiêu tốn rất nhiều băng thông và sẽ là chi phí không nhỏ cho các hộ gia đình nghèo. Giá cước viễn thông phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng.
Trước mắt, từ nay đến hết năm 2021, các nhà mạng đã thống nhất miễn phí cước viễn thông di động học trực tuyến cho các máy tính thuộc chương trình này.
Phần còn lại, nhiều em thuộc các hộ nghèo chưa có máy tính. Một chiếc máy tính bảng để phục vụ học trực tuyến, mức tối thiểu cũng có giá từ 2-3 triệu đồng - vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ nghèo. Giai đoạn 1 của chương trình này sẽ kêu gọi 1 triệu máy tính cho em.
"Một chiếc máy tính bảng cũ có thể bị chúng ta bỏ quên ở đâu đó, nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một học sinh, giúp em đi học những ngày giãn cách, giúp em tiếp cận kho tri thức nhân loại, giúp các em lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến lại cho cuộc đời", Bộ trưởng Hùng bày tỏ.
Cũng theo Bộ trưởng, chương trình này kêu gọi mọi người dân Việt Nam, ai có máy tính cũ, ai có máy tính mới hãy giúp các em. Không gì hơn là từng cá nhân chúng ta có thể giúp một em học sinh, có tên có tuổi, có địa chỉ và có tương tác. Em học sinh ấy sẽ trở thành một thành viên mới trong gia đình bạn.
Chương trình kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc hỗ trợ: người nhiều, người ít, nhưng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng, với con cháu và với tương lai đất nước mình.
Doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển lâu dài, vẫn phải dựa vào đất nước phát triển. Đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam chính là cái nôi, là mảnh đất nuôi dưỡng các doanh nghiệp. Chăm lo cho mảnh đất ấy cũng chính là chăm lo cho chính mình trong dài hạn.
Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nói đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Chương trình Sóng và máy tính cho em là chương trình lớn, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, vừa tham gia nguồn lực của mình vừa động viên các nguồn lực hỗ trợ khác. Một bài toán lớn mà chia nhỏ ra cho 63 tỉnh/thành, trên 700 quận/huyện/thị xã, cho hàng chục nghìn xã/phường/thị trấn thì sẽ khả thi hơn rất nhiều.
"Với con cháu chúng ta, không chỉ là Internet, mà phải là Internet an toàn. Mỗi chiếc máy tính bảng cho các em sẽ được cài sẵn phần mềm kiểm soát truy nhập. Nhà trường và cha mẹ sẽ là người đảm bảo Internet an toàn cho các em với sự hỗ trợ của phần mềm", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: "Sóng và máy tính cho em" mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho học sinh
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó, có trên dưới 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh thành trong cả nước đang triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh tế, do tác động khó lường của dịch bệnh, rất nhiều gia đình ở các địa phương trên cả nước, từ miền Nam cho tới miền Bắc, cả thành thị lẫn nông thôn, đã không thể và không đủ điều kiện mua sắm phương tiện và thiết bị học tập trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn |
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, sự bất bình đẳng trong giáo dục có nguy cơ bùng phát thành một vấn đề lớn và không chỉ còn là việc của riêng ngành giáo dục. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tập trung toàn lực cho chống dịch, đã hỗ trợ cho nhiều đối tượng xã hội, đã quan tâm lo lắng cho ngành giáo dục, các địa phương và tự ngành Giáo dục đã hết sức cố gắng, tuy nhiên những khó khăn mà dịch bệnh gây ra là quá lớn, công cuộc ứng phó với dịch bệnh cần thêm nhiều nữa sự tham gia của toàn thể xã hội, các tầng lớp nhân dân.
Để hạn chế bớt sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới ngành giáo dục, hạn chế khó khăn cho các em học sinh, thể hiện tinh thần nhân ái, chia sẻ tương trợ của toàn xã hội đối với lứa học sinh bị thiệt thòi lớn trong thời dịch bệnh, chăm lo cho thế hệ tương lai, thể hiện một thái độ của cả nước quan tâm tới giáo dục, hôm nay chúng ta cùng nhau tổ chức sự kiện " Sóng và Máy tính cho em" quan trọng và thật nhiều ý nghĩa này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hoạt động hỗ trợ, quyên góp, huy động "Sóng và máy tính cho em" là hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam, nhưng đây cũng chính là một hành động mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho học sinh.
Ngành giáo dục xin tiếp thu đầy đủ và sẽ triển khai có hiệu quả. Ngành giáo dục sẽ phối hợp thật tốt với các bộ ngành, các địa phương để tiếp nhận sự ủng hộ, điều phối, sử dụng hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng và công khai minh bạch, sử dụng hiệu quả những món quà mà toàn xã hội trao tặng và hỗ trợ cho học sinh.
Bộ GD&ĐT, đang và sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy và học trực tuyến, dạy và học trên truyền hình sao cho phù hợp với tình hình và thực tiễn chuyển đổi trạng thái nền giáo dục thích ứng với tình hình có dịch.
Ngành giáo dục sẽ chú ý các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ an toàn và giữ gìn sức khỏe cho học sinh trong thời gian học trực tuyến; phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine cho học sinh sớm nhất khi điều kiện cho phép, đảm bảo mở cửa trường học an toàn.