📞

Chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng: Biểu tượng của ngoại giao toàn diện

Thu Trang 09:18 | 12/11/2021
Với một lịch trình dày đặc gồm gần 90 hoạt động, chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới châu Âu đã thành công tốt đẹp, đạt kết quả thực chất, thể hiện nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị COP26. (Nguồn: TTXVN)

Lịch trình dày đặc có lẽ là ấn tượng đầu tiên của bất cứ ai quan tâm, theo dõi chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng tới châu Âu với một lịch trình “gây choáng”, gồm gần 90 hoạt động, điều mà một thành viên đoàn chia sẻ rằng, hai cuốn chương trình làm việc của chuyến đi thuộc loại dày nhất mà ông từng cầm trên tay.

Chuyển tải thông điệp mạnh mẽ

Dấu ấn đa phương quan trọng trong chuyến công tác châu Âu lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là việc tham dự Hội nghị COP26. Đây là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu.

“Cam kết của Việt Nam tại COP26 đã khiến thế giới nhìn nhận rõ vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.” (Chuyên gia về an ninh môi trường của Hội đồng Địa chiến lược Anh William Young)

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia hội nghị lần này mang nhiều ý nghĩa quan trọng, là dịp để quốc tế hiểu rõ chủ trương và nỗ lực, cũng như những khó khăn và thách thức của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Có thể thấy rõ tinh thần chủ động, tích cực thông qua những thông điệp sâu sắc, thể hiện trong các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị, đặc biệt là cam kết liên quan việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải Methan toàn cầu và Tuyên bố Glasgow các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Nhân dịp tham dự COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính có hơn 20 cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước như Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Ấn Độ, Thái Lan… và Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Tại các cuộc tiếp xúc ngắn gọn này, các nhà lãnh đạo bày tỏ sự thân tình, cởi mở và chia sẻ những nội dung cụ thể, thực chất trên các lĩnh vực có thể hợp tác trong thời gian tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền tải tại Hội nghị COP26 rất mạnh mẽ và được các đối tác hoan nghênh, đón nhận, đồng thời thể hiện quyết tâm của Việt Nam dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết tâm chung tay cùng với thế giới để giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu”.

Làm sâu sắc hơn quan hệ song phương

Cùng với thành công tại Hội nghị COP26, một phần quan trọng khác trong chuyến công tác châu Âu lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp. Đây đều là nước lớn, là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên Nhóm G7 và là Đối tác chiến lược của Việt Nam.

Dẫu phải tập trung cao độ cho Hội nghị COP26, tiếp đón hàng trăm nhà lãnh đạo các nước, nhưng cả Hoàng gia và chính phủ Anh đều coi trọng sự tham dự của Việt Nam.

Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Charles, Thủ hiến ba vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland đều dành thời gian, kể cả ngày nghỉ để hội kiến và tiếp xúc riêng với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Vương Quốc Anh Boris Johnson và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế tại Hội nghị COP26. (Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, Pháp dành cho đoàn Việt Nam các nghi lễ cao hơn cả thông lệ, trọng thị và thân tình khi cả Tổng thống, Thủ tướng hội đàm và chiêu đãi trọng thể, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện đều hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cái bắt tay tay nồng ấm của Thủ tướng Pháp Jean Castex khi chào đón người đồng cấp Việt Nam, cái vỗ vai thân tình của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đích thân tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính ra xe… đã nói lên vị trí đặc biệt của Việt Nam trong các chiến lược của Pháp tại châu Á - Thái Bình Dương.

Trong các cuộc làm việc, các nhà lãnh đạo đã thống nhất những định hướng lớn, giao cho các bộ, ngành triển khai các biện pháp hợp tác cụ thể, nhằm tăng cường lòng tin chiến lược, quyết tâm đưa các khuôn khổ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa.

Cả Anh và Pháp đều nhất trí cùng Việt Nam nỗ lực tăng cường hợp tác trong phục hồi và phát triển kinh tế, tạo điều kiện để hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau, khai thác lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU (EVFTA) và Anh (UKVFTA), tập trung thúc đẩy các chương trình, dự án năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế số, đổi mới sáng tạo...

Với các vấn đề đa phương, lãnh đạo Anh, Pháp chia sẻ và ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề quốc tế như ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trực tiếp tham dự cùng Thủ tướng trong các cuộc tiếp xúc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong trao đổi, lãnh đạo Anh và Pháp đều thể hiện sự nồng ấm, chân tình, đặc biệt coi trọng vị thế, uy tín của Việt Nam không chỉ ở khu vực mà còn ở tầm quốc tế. Trên cơ sở tin cậy cao, Việt Nam cùng Anh và Pháp đã đề ra những định hướng hợp tác song phương cụ thể.

Kết quả ấn tượng

Nhờ sự quyết tâm trong từng hoạt động, chuyến công tác của Thủ tướng đã thu được nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Với sự chứng kiến của Thủ tướng, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thỏa thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch…. Ngoài ra Thủ tướng Chính phủ đã có gần 40 cuộc tiếp xúc, trao đổi với hơn 60 lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, trường đại học hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu.

Nhân chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã gặp gỡ bạn bè của Việt Nam như Đảng Cộng sản Pháp, Hội hữu nghị Pháp-Việt và các đối tác quốc tế… nhằm đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp lưu niệm với các kiều bào tiêu biểu Pháp và châu Âu. (Nguồn: TTXVN)

Trong hai cuộc gặp với gần 100 kiều bào Anh, Ireland và hơn 200 đại diện kiều bào tiêu biểu Pháp, châu Âu, Thủ tướng đã có những chia sẻ đầy xúc động, khi khẳng định người Việt ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là động lực của sự phát triển của dân tộc; đồng thời thông báo với bà con tình hình mọi mặt của đất nước, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến những kết quả nổi bật về hợp tác y tế và ngoại giao vaccine trong chuyến công tác. Hướng tới sự hợp tác lâu dài trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng đã có hàng loạt cuộc làm việc giúp củng cố quan hệ và thúc đẩy nhanh các dự án hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và các tập đoàn, tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực y tế, dịch tễ học, góp phần giúp Việt Nam phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực y tế, bảo đảm an ninh y tế một cách bài bản, căn cơ.

Nhân dịp này, nhiều đối tác quốc tế đã công bố hỗ trợ thêm, đẩy nhanh tiến độ bàn giao và ký kết các thỏa thuận mới về cung ứng vaccine Covid-19, cũng như trang thiết bị, vật tư y tế cho Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, điểm nhấn của chuyến thăm Pháp chính là lĩnh vực y tế, nâng cao năng lực y tế của Việt Nam. Ngoài ra, các hợp tác về chính trị ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc phòng… cũng được nâng tầm, thể hiện qua sự tin cậy lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo.

Đánh giá tổng thể, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ tin tưởng: “Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh và Việt Nam - Pháp trong thời gian tới sẽ được nâng tầm và đi vào chiều sâu, đem lại những lợi ích thiết thực cho các bên, đồng thời đóng góp chung vào hòa bình, ổn định, ở khu vực và trên thế giới”.

Với kết quả đạt được toàn diện, thiết thực cả về song phương lẫn đa phương, có thể khẳng định, chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thành công ngoài mong đợi, là biểu tượng sống động về nền ngoại giao toàn diện hiện đại của Việt Nam.

“Chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới.” (Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt Jean-Pierre Archambault)