Đến năm 2005, tình hình chiến sự tại Iraq vẫn hết sức bất ổn. Nhiều hợp đồng thương mại giữa Việt Nam và Iraq đã bị gián đoạn bởi diễn biến này. |
Trong lịch sử Bộ Ngoại giao, có lẽ Đại sứ Nguyễn Quang Khai là nhà ngoại giao duy nhất có tới bốn nhiệm kỳ công tác tại một địa bàn: Iraq. Cũng tại đây, một câu chuyện mà Đại sứ Khai luôn nhớ mãi, như tất cả mới chỉ vừa diễn ra ngày hôm qua. Đó là sự hy sinh của hai cán bộ ngoại giao trong chuyến đi định mệnh tới quốc gia Trung Đông này năm 2003.
Trở lại Baghdad để cứu chè
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình Iraq vô cùng khó khăn. Lệnh cấm vận khắt khe của Liên hợp quốc đã khiến các mặt hàng tiêu dùng tại nước này vô cùng khan hiếm. Các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Iraq thường phải sang Jordan mua thực phẩm về Baghdad để dùng dần.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Quang Khai, sau khi tới Baghdad tháng 5/1995 với vai trò Đại sứ Việt Nam tại đây, đã kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước để tham gia cung cấp các mặt hàng lương thực - thực phẩm cho Iraq như gạo, sữa, chè, dầu ăn... nhằm đáp ứng nhu cầu nhân đạo rất lớn của nước này theo chương trình " Đổi dầu lấy lương thực ".
Nhờ nỗ lực đó, trong bốn năm nhiệm kỳ của Đại sứ Nguyễn Quang Khai tại Iraq, xuất khẩu của Việt Nam sang Iraq đã tăng từ 17 triệu USD năm 1995 lên 550 triệu USD năm 1999. Khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Iraq rất nhiều mặt hàng, trong đó gạo, chè và sữa chiếm giá trị lớn nhất. Sau khi Đại sứ Khai hoàn thành nhiệm kỳ trở về nước, những hợp đồng ký kết trước đó giữa hai nước vẫn được triển khai khá suôn sẻ, cho đến khi Chiến tranh Iraq nổ ra tháng 3/2003. Hầu hết các cơ quan ngoại giao đoàn đều đóng cửa và rút khỏi Baghdad, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam.
Trước chiến tranh, Việt Nam ký một hợp đồng cung cấp 35.000 tấn chè đen cho Iraq theo chương trình đổi dầu lấy lương thực. Tuy nhiên, khi phía Việt Nam chưa kịp giao hàng thì chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này nổ ra. 35.000 tấn chè đen thành phẩm, trị giá khoảng 17 triệu USD nằm dồn ứ trong các nhà máy sản xuất.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhớ lại: "Chè đó được sản xuất riêng cho Iraq, theo khẩu vị của bạn. Nếu không giao được hàng thì chỉ có cách là thiêu huỷ đi vì người Việt uống chè xanh, rất ít khi dùng chè đen. Số tiền 17 triệu USD tuy không lớn, nhưng ý nghĩa về kinh tế lại rất lớn. Hàng không giao được thì dân khổ, người trồng chè khổ, vì thời điểm đó không tìm được thị trường tiêu thụ".
Mặt khác, trước chiến tranh, quan hệ thương mại - kinh tế với Iraq đang trên đà phát triển. Vì thế, nếu không tranh thủ nối lại mối quan hệ này với Chính phủ quân sự mới thành lập tại Iraq thì những công sức gây dựng trước kia sẽ trở về vạch xuất phát. Vì thế, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan đã quyết định tổ chức một đoàn quay lại Iraq do Đại sứ Nguyễn Quang Khai làm Trưởng đoàn.
Đại sứ chia sẻ: "Lúc đó, tình hình chiến sự căng thẳng tại Iraq đã tạm lắng do có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây. Vì thế, tôi trở lại Baghdad với tinh thần khá thoải mái, vì tôi có nhiều bạn tại đây, chỉ có điều, lúc này Iraq đã có chính quyền mới, khi tiếp xúc sẽ có chút bỡ ngỡ".
Chuyến đi không trọn vẹn
Đoàn do Đại sứ Nguyễn Quang Khai dẫn đầu lên đường vào ngày 16/9, gồm 13 người, trong đó có Tổng Giám đốc và Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty chè Việt Nam (Vinatea), một đại diện cho PetroVietnam, một Tham tán và một Tuỳ viên thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq cùng một số thành viên khác.
Do diễn biến bất ổn tại Iraq nên Đoàn tới Thủ đô Amman của Jordan, sau đó mới tới Baghdad bằng đường bộ. Tại Amman, trước khi lên đường, Trưởng đoàn Nguyễn Quang Khai đã họp tất cả các thành viên để phổ biến các quy tắc trong chuyến đi, nhằm đảm bảo an toàn cho các thành viên trong Đoàn. Ông đặc biệt nhấn mạnh với các anh em đảm nhận nhiệm vụ thuê xe ôtô là phải thuê xe mới, chất lượng tốt và phải chọn lái xe có kinh nghiệm đường trường. Đoàn thuê hai xe ở Jordan, còn một xe là của Đại sứ quán ta.
Khoảng cách từ Amman tới Baghdad là hơn 1.000km. Đại sứ Khai nhớ lại: "Theo kinh nghiệm của các bạn bè Iraq, chúng tôi cần xuất phát vào ban đêm, làm sao để đến được Baghdad trước 12 giờ trưa nhằm tránh đụng độ với lực lượng khủng bố. Chúng tôi cần khoảng mười tiếng để đến Baghdad đúng thời hạn. Khoảng 2 giờ sáng, Đoàn khởi hành với ba xe: Xe Trưởng đoàn đi giữa, hai xe đi trước và sau giữ khoảng cách cố định với xe Trưởng đoàn là 50m".
Khoảng cách từ Thủ đô Amman tới biên giới với Iraq khoảng 400km. Dù đường sá Jordan không tốt lắm nhưng các lái đã quen đường nên ba tiếng sau, Đoàn đã tới biên giới. Ông Nguyễn Quang Khai cho biết: "Tất cả mọi thứ đã thay đổi so với lúc tôi rời Iraq năm 1999. Lúc này, quân đội Mỹ đã đóng quân ở cửa khẩu với rất nhiều vũ khí tối tân, còn các cán bộ cửa khẩu người Iraq thì vẫn làm việc tại đây. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, họ cho Đoàn vượt qua biên giới. Tại đây có một trạm xăng nên tôi bảo anh em dừng lại nghỉ ngơi, vệ sinh và bơm đầy xăng cho các xe trước khi tiếp tục lên đường".
Sang tới Iraq, đường sá tốt hơn rất nhiều. Đó là con đường cao tốc xuyên qua sa mạc. Đường không giới hạn tốc độ, nhưng ba xe vẫn giữ cự li đã quy định từ trước. Ngồi trong xe đi giữa, Trưởng đoàn Nguyễn Quang Khai liên tục theo dõi hai xe còn lại để kịp thời ứng phó nếu có tình huống xấu xảy ra. Tuy nhiên, đi được khoảng 50km thì ông không thấy xe đi sau nữa. Trời lúc này cũng gần sáng rõ.
"Lập tức, tôi bảo lái xe bấm còi hiệu cho xe đi trước dừng lại. Chúng tôi đỗ xe vào lề đường và đứng chờ vì nghĩ có thể anh em dừng lại đi vệ sinh hay có ai đau bụng... Năm phút trôi qua, xe thứ ba vẫn không tới. Linh tính báo có chuyện chẳng lành, chúng tôi quyết định quay ngược trở lại để tìm", ông kể.
Vì đang trên đường cao tốc, muốn quay đầu xe phải đi vài chục cây số nữa mới tới điểm quay xe. Vì thế, Đoàn quyết định đi ngược chiều vì con đường này gần như không có người qua lại. Đi được khoảng 5km thì cả đoàn nhìn thấy có một người Iraq đứng vẫy rối rít bên cạnh đường. Khi xe tới thì ông ta bảo: "Có tai nạn khủng khiếp lắm các ông ạ!"
Nhìn theo hướng tay ông ta chỉ, mọi người bàng hoàng thấy chiếc xe thứ ba đang bị lật ngửa trên bãi cát sa mạc, va li và đồ đạc văng khắp nơi. Tham tán và Tuỳ viên thương mại của Đại sứ quán đã tắt thở. Tổng Giám đốc Vinatea và lái xe người Jordan bị thương nặng nhưng vẫn còn thở. Riêng Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Vinatea thì không bị xây xát gì, đang bàng hoàng ngồi trên cát sau khi tự đập cửa kính để chui ra khỏi xe...
Lỡ hẹn với quê nhà
Do tai nạn xảy ra giữa sa mạc, không có nhà cửa hay trạm cấp cứu, Đoàn quyết định đưa hai người bị thương quay trở lại biên giới để nhờ trợ giúp. Tuy nhiên, trạm y tế tại đây rất thô sơ, không có máy thở, chỉ có bông băng và thuốc sát trùng. Trong tình huống cấp bách, ông Nguyễn Quang Khai nghĩ ra việc đề xuất sự hỗ trợ của quân y Mỹ đang đóng tại biên giới vì họ có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu.
"Sau khi tôi trình bày, họ sốt sắng nhận lời và lập tức đem bình ô-xy, thuốc trợ tim tới trạm y tế để cấp cứu cho hai nạn nhân. Khoảng mười phút sau, có hai chiếc trực thăng của quân đội Mỹ cũng đáp xuống. Tuy nhiên, khi được đưa ra máy bay thì Tổng Giám đốc Vinatea đã tắt thở. Quân y Mỹ đã cấp cứu tích cực nhưng không thể cứu được".
Tai nạn bất ngờ cướp mất ba người, nhưng nhiệm vụ thì vẫn phải tiến hành, vì không dễ để có được cuộc hẹn với Bộ Thương mại mới của Iraq, là một người Mỹ làm đại diện. Mục đích của chuyến đi là bàn giao được số chè đã sản xuất. Vì vậy, ông Nguyễn Quang Khai đành cử hai người ở lại đưa ba người tử nạn vào một bệnh viện địa phương. Còn ông và các thành viên khác tiếp tục lên đường tới Baghdad nhưng kết quả không được như mong muốn...
Ngày 26/9/2003, muộn ba ngày so với dự kiến, Đoàn gồm mười người về đến Việt Nam, mang theo ba thi hài được bảo quản lạnh. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và đại diện các Bộ ra tận sân bay đón Đoàn. Cả ba người tử nạn sau đó đều được phong liệt sĩ vì đã hy sinh trên đường thực thi một nhiệm vụ cao cả đối với đất nước khi đó.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai trầm ngâm: "Nhiều người nghĩ rằng, làm ngoại giao là mũ cao, áo dài, là lên xe, xuống ngựa... Nhưng, những mất mát, hy sinh của người lính trên mặt trận ngoại giao là không thể đong đếm được, trong đó có cả máu và tính mạng".
Khánh Nguyễn (ghi)