Quảng Ninh đã và đang thực hiện thành công mô hình tăng trưởng xanh. (Nguồn: Kinh tế Đô thị) |
Ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã đưa ra định hướng phát triển dựa trên triết lý: Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên - Con người - Văn hoá, phát huy nội lực, tranh thủ thu hút đầu tư trong xu thế hoà bình, hợp tác và hội nhập.
Trong đó, phát huy lợi thế địa lý, hệ thống cảng biển để thu hút vốn đầu tư, phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, công nghiệp phụ trợ và tận dụng xu hướng tích hợp công nghệ để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.
Để thực hiện định hướng này địa phương đi đầu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia bằng các chiến lược, đề án, nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động có tính khả thi cao, với phương thức, cách làm khoa học, sáng tạo, tập trung nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp, tạo bước chuyển mang tính đột phá trong cải thiện môi trường tỉnh, môi trường vịnh Hạ Long, giảm dần tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP từ 35% năm 2010 xuống còn 20,2% năm 2023.
Hình mẫu chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã và đang thực hiện thành công mô hình tăng trưởng xanh. Minh chứng rõ nét là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, tăng 10,7%.
Mới nhất, đầu tháng 5/2024, tại Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh được Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp, người dân vinh danh là tỉnh dẫn đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước. Lần đầu tiên, Quảng Ninh đứng đầu bộ chỉ số danh giá này.
Việc đứng đầu cả nước về PGI là sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực của Quảng Ninh trong công tác bảo vệ môi trường. Chỉ số này là đánh giá khách quan của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp.
Bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh trên cơ sở các chỉ số thành phần gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu, thúc đẩy thực hành xanh, chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, bằng những hành động quyết liệt đã được thực hiện, Quảng Ninh trở thành hình mẫu phát triển quốc gia cho hành trình chuyển đổi kinh tế từ "nâu" sang "xanh".
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công trong quá của Quảng Ninh là kéo doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công cuộc kiến tạo diện mạo tỉnh.
"Có thể thấy, bên cạnh sự thay đổi tư duy là sự can đảm, liều mạng, dám chấp nhận rủi ro. Điển hình như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam hình thành như mở ra một cơ chế mới, đó là tư nhân làm sân bay vẫn đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao và giá trị đẳng cấp. Trong tiến trình đổi mới của Quảng Ninh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn như một 'ngòi nổ', là biểu tượng cho sự trỗi dậy của tỉnh”, ông Thiên khẳng định.
Để thu hút dòng vốn đầu tư xanh, theo vị chuyên gia này, Quảng Ninh đã đầu tư mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Mới đây nhất, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gần 13.000 tỷ đồng đã chính thức được vận hành, tạo ra cú thay đổi ngoạn mục cho hệ thống hạ tầng không - thuỷ - bộ tại Quảng Ninh.
Tuyến cao tốc này đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có chiều dài km cao tốc lớn nhất cả nước và mang lại hiệu ứng đặc biệt cho thu hút đầu tư. Không chỉ thế, phương thức lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao đã giúp Quảng Ninh huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam hình thành như mở ra một cơ chế mới, đó là tư nhân làm sân bay vẫn đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao và giá trị đẳng cấp. (Nguồn: Dân trí) |
Kiên trì theo đuổi mục tiêu
Trong định hướng phát triển của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, Quảng Ninh kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường và an ninh.
Tỉnh xác định phát triển bền vững kinh tế biển gắn chặt với phát triển dịch vụ tổng hợp ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng: Phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế và việc làm, bảo đảm sức khỏe của hệ sinh thái đại dương, không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá.
Song song với đó, phát triển Quảng Ninh - Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á và là động lực phát triển của vùng với trung tâm là khu cảng biển Quảng Ninh - Hải Phòng gắn với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp ven biển và vùng du lịch Cát Bà - Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch di sản thiên nhiên biển đảo có tầm quốc tế.
Đồng thời, ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế biển đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển. Coi trọng hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các bên liên quan...
Với những giải pháp tổng thể, đồng bộ, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng phát triển “xanh” bền vững, tin rằng, Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, du lịch xanh, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.