📞

Chuyển đổi số trong giáo dục: Thầy cô phải là người sáng tạo nội dung

Trần Xuân Tiến 08:00 | 23/04/2021
Để tạo ra không gian mạng lành mạnh cho trẻ em thời chuyển đối số, không chỉ nằm ở những bản kế hoạch của các nhà quản lý, ở những giải pháp của các cơ quan chức năng ban ngành, mà còn nằm trong tay chính các thầy cô...

Cách nào nhằm giúp trẻ em không bị rơi vào tầm ngắm của các sản phẩm giải trí xấu, độc trên mạng xã hội được thực hiện bởi những người sáng tạo nội dung thiếu chuyên nghiệp, thiếu đạo đức?

Một trong những giải pháp hữu hiệu, căn cơ, chính là xuất phát từ người trong cuộc. Cần lắm một đội ngũ sáng tạo nội dung (content creator) là các thầy cô - những người trực tiếp, thường xuyên giảng dạy cho trẻ.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, rõ ràng, không gian lớp học truyền thống gắn liền với phấn trắng bảng đen, với bục giảng quen thuộc đã không còn là thánh đường duy nhất để diễn ra quá trình giảng dạy và học tập.

Ngoài những bài giảng trên lớp, những sản phẩm sáng tạo của quý thầy cô trên không gian mạng sẽ là những “bài giảng” đầy tính ứng dụng và thiết thực. (Nguồn: Thanh niên)

Sự tương tác truyền thụ và trao nhận kiến thức của thầy và trò có biên độ mở rộng hơn bao giờ hết, trong đó có không gian mạng xã hội với hàng loạt các ứng dụng thu hút, các nền tảng hấp dẫn.

Tham gia hoạt động sáng tạo trên không gian mạng xã hội, người thầy dễ dàng truyền tải kiến thức bài học tương tự như việc các cơ quan đơn vị hay nhãn hàng phát đi những thông điệp truyền thông quảng cáo.

Việc có phong phú các hiệu ứng hỗ trợ, các hình thức trình bày (từ hình ảnh đến clip ngắn) sẽ giúp những sản phẩm bài học thực hiện sáng tạo trên không gian mạng thu hút sự quan tâm của trẻ.

Thêm vào đó, là người trực tiếp và thường xuyên giảng dạy trẻ, bên cạnh bố mẹ, thầy cô là người hiểu rõ trẻ cần gì, thiếu gì trong nhu cầu học tập cũng như giải trí; từ đó có cơ sở để thiết kế, xây dựng các sản phẩm sáng tạo phù hợp, chất lượng.

Ngoài những bài giảng trên lớp, những sản phẩm sáng tạo của thầy cô trên không gian mạng sẽ là những “bài giảng” đầy tính ứng dụng và thiết thực.

Thực tế ở nước ta những năm gần đây cho thấy, đã có một số thầy cô trở thành những facebooker, youtuber, tiktoker nổi tiếng, có được lượng xem nhất định nhờ những sản phẩm mang tính gần gũi với trẻ, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thầy-trò.

Tuy vậy, các tài khoản này thường chủ yếu mang tính tự phát cảm tính, các thầy cô làm cho vui trong những thời gian rảnh rỗi, hoặc những khi có chung hoạt động phong trào vui chơi với trẻ. Ít thầy cô đặt nặng tiêu chí mục đích xa hơn, xem đây là một mặt trận nối dài của quá trình học tập đi kèm với hoạt động giải trí.

Tin rằng, nếu nhận thức đúng tầm quan trọng, sự tác động của các sản phẩm sáng tạo trên không gian mạng đối với trẻ, các thầy cô sẽ có những chiến lược dài hơi, đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức cho các sản phẩm của mình. Từ đây, các thầy cô có thể kết hợp hài hòa giữa mục đích giải trí và học tập, giúp các em có thêm những sân chơi, những diễn đàn mang tính tích hợp công nghệ mạng xã hội.

Vậy nên, bên cạnh việc có những hành động, biện pháp mạnh tay xóa sổ các sản phẩm giải trí rác, đầu độc trẻ trên không gian mạng, thì vấn đề tạo ra những sản phẩm chất lượng cũng cần được quan tâm đúng mức.

Vì nếu không có các sản phẩm sạch thì tất yếu trẻ lại sẽ sa chân vào những sản phẩm thiếu lành mạnh, tạo cơ hội mảnh đất màu mỡ cho những người sáng tạo nội dung thiếu chuyên nghiệp, thiếu đạo đức.

Cơ hội tạo ra một môi trường không gian mạng lành mạnh cho trẻ thời chuyển đổi số, không chỉ nằm ở những bản kế hoạch của các nhà quản lý, ở những giải pháp của các cơ quan chức năng ban ngành, mà còn nằm trong tay chính các thầy cô - những tấm lòng nhiệt huyết với con trẻ hơn ai hết.