📞

Chuyên gia chỉ ra 'điểm trừ' Mỹ 'vô tình' phạm phải ở Afghanistan

Phạm Hằng 17:11 | 18/08/2021
Chuyên gia chính trị học và quan hệ quốc tế, GS.TS. Phạm Quang Minh (Đại học KHXHNV, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, tương lai của Afghanistan khá bất định và Mỹ dường như đã có những tính toán chưa chắc chắn tại đây.
Người dân Afghanistan chờ đợi ở sân bay Kabul. (Nguồn: AP)

Việc lực lượng Taliban tuyên bố kết thúc chiến tranh ở Afghanistan đang làm thế giới sững sờ. Tiếp theo sẽ là cảm giác gì và tình hình Afghanistan sẽ diễn biến như thế nào, theo dự báo của ông?

Việc lực lượng Taliban chiếm giữ được thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phải rời khỏi đất nước là một sự kiện đã gây bất ngờ cho cả thế giới bởi nó diễn ra quá nhanh so với dự báo. Lo ngại về một tương lai đen tối có lẽ là tâm lý chung, bao trùm thế giới và đất nước này hiện nay.

Chuyên gia chính trị học và quan hệ quốc tế, GS.TS. Phạm Quang Minh. (Ảnh: PH)

Người dân tìm cách tháo chạy khỏi đất nước bởi họ lo lắng Taliban sẽ thiết lập một chế độ Hồi giáo toàn trị.

Taliban đã cầm quyền ở Afghanistan giai đoạn 1995-2001, thực hiện chế độ vô cùng hà khắc đối với phụ nữ, các quyền cơ bản của người dân bị vi phạm. Đặc biệt, điều đáng lo ngại là Taliban đã chứa chấp những thành phần khủng bố, trong đó có Al-Qaeda, vốn là thủ phạm gây ra vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ.

Việc Taliban quay trở lại nắm quyền ở Aghanistan khiến các nước, nhất là các nước khu vực Trung Á vô cùng lo ngại.

Suốt 20 năm qua, mặc dù không nắm quyền thực tế tại Afghanistan nhưng Taliban vẫn len lỏi để tồn tại, duy trì bộ máy của mình - có lá cờ riêng, chính phủ ngầm, tồn tại song song với chính phủ Aghanistan.

Bây giờ, khi trở lại nắm quyền, Taliban có thể sẽ tiếp tục chính sách mà họ theo đuổi trong hai thập niên qua: cực đoan, bảo thủ và hà khắc.

Người phát ngôn của Taliban Mohammad Naeem đã tuyên bố bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ với các quốc gia và không muốn bị cô lập. Thế nhưng, với những gì quốc tế đã biết về lực lượng này, những tuyên bố đó khó có thể đem lại lòng tin trong một sớm một chiều.

Thêm nữa, Afghanistan không có bất kỳ một nền tảng nào để phát triển. Xung đột, can thiệp, bất ổn triền miên trong suốt 20 năm qua đã phá hủy hầu hết hệ thống cơ sở hạ tầng của đất nước, làm cho Afghanistan trở thành một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới.

Taliban dù có cố gắng thì cũng khó có thể khôi phục đất nước trong ngắn hạn. Nguồn tài chính của Taliban trong 2 thập niên qua chủ yếu nhờ vào việc buôn bán ma túy, khai thác và buôn bán khoáng sản…

Như vậy, bức tranh Afghanistan hiện nay bao phủ chủ đạo một gam màu tối. Ngay trong nội bộ Taliban tới đây nhiều khả năng cũng sẽ có sự tranh giành quyền lực, bởi lẽ Taliban là tập hợp các nhóm sắc tộc khác nhau, nếu một nhóm sắc tộc nào đó có mong muốn thâu tóm quyền lực thì chắc chắn nội bộ Taliban sẽ có xung đột.

Từ trước đến nay và bây giờ vẫn vậy, đấu tranh giành, giữ và kiểm soát quyền lực vẫn là vấn đề muôn thủa, cốt lõi và bản chất của chính trị. Nhà khoa học chính trị nổi tiếng của Mỹ là Harold Lasswell (1902-1978) đã định nghĩa, chính trị là “Ai được gì, bao giờ và như thế nào?”. Câu hỏi này đã được trả lời một phần trong câu chuyện Afghanistan.

Mỹ cho rằng so với mục tiêu ban đầu đề ra khi vào Afghanistan thì điều đó đã đạt được. Theo ông, liệu rằng Mỹ đã thực sự vấp phải những sai lầm để Afghanistan đi đến một "cái kết” như hiện nay?

Mục tiêu của Mỹ khi đưa quân vào Afghanistan là để tiêu diệt lực lượng khủng bố Al-Qaeda, nếu xét về mục tiêu này thì có thể nói Washington đã hoàn thành, thế nhưng cuối cùng lại bị sa lầy tại đây đến 20 năm.

Có lẽ Mỹ đã không quan tâm tới những vấn đề mang tính chất cốt yếu, đó là xây dựng một nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa, tạo ra một sự đồng thuận trong xã hội ở Afghanistan. Washington dường như không chú trọng vào việc này, mà chỉ đổ tiền vào trang bị những vũ khí hiện đại nhất cho quân đôi Afghanistan.

Ngay cả khi Mỹ ký một thỏa thuận với Taliban năm ngoái và đưa ra quyết định rút quân khỏi Afghanistan thì đã không có bất cứ một sự ràng buộc pháp lý hay một điều kiện chính trị nào kèm theo.

Hơn nữa, khi thỏa thuận với Taliban, Washington vô hình trung đã thừa nhận sự tồn tại của lực lượng này, ít nhất là về mặt chính trị. Việc đàm phán với Taliban phải chăng là nhiệm vụ của chính phủ Kabul chứ không phải của Washington.

Một chiến thuật gia Mỹ đã nói về việc này: “Việc kết thúc một cuộc chiến đòi hỏi sự khôn khéo và nỗ lực tương tự như cố gắng giành chiến thắng trong cuộc chiến đó”.

Lần này, Mỹ chưa thực sự khôn khéo khi rút quân khỏi Afghanistan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về vấn đề Afghanistan tại Nhà Trắng ngày 16/8. (Nguồn: AP)

Ông đánh giá như thế nào về câu chuyện cạnh tranh nước lớn, can dự nước lớn tới đây sẽ có những khả năng như thế nào?

Khi Taliban giành được chính quyền tại Afghanistan, khu vực Trung Á vốn đã nóng lại càng nóng hơn. Tình hình ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng tới các nước láng giềng Trung Á, trong đó có Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan (không gian hậu Xô Viết).

Dòng người tị nạn từ Afghanistan sẽ chạy qua biên giới tới các quốc gia láng giềng, tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn. Những thành phần khủng bố, như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng có thêm không gian là Afghanistan để mở rộng căn cứ.

Do vậy, Afghanistan có khả năng sẽ trở thành một “lò lửa” gây bất ổn trong khu vực, làm nổi lên một loạt vấn đề như di cư, buôn lậu, ma túy và kể cả vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vấn đề Afghanistan đã trở thành vấn đề quốc tế từ lâu và là nơi diễn ra cạnh tranh nước lớn. Hiện nay, thái độ của các nước lớn sẽ phụ thuộc vào cách ứng xử của chính quyền Taliban, liệu họ có thực sự muốn xây dựng một đất nước Afghanistan hòa bình và ổn định hay không.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nước chưa công nhận chính quyền Taliban cho đến khi cộng đồng quốc tế đạt được một quan điểm thống nhất. Nhìn chung, thế giới vẫn đang theo dõi sát tình hình, trước mắt vẫn là kêu gọi Taliban kiềm chế, tránh các cuộc tàn sát. Phía NATO cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ người dân Afghanistan tìm một giải pháp chính trị.

Ba nước lớn có vai trò quan trọng nhất ở Afghanistan là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Mỗi quốc gia này đều đang có những toan tính, lập trường riêng của mình.

Với tình hình hiện nay, Trung Quốc có cơ hội nhiều nhất. Tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã tiếp đại diện của Taliban ở Thiên Tân. Rõ ràng, mặc dù rất thận trọng nhưng Bắc Kinh cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các bước đi sắp tới của mình tại Afghanistan.

Bắc Kinh có thể là quốc gia đầu tiên công nhận chính quyền Taliban. Điều kiện của Trung Quốc là Taliban không ủng hộ một lực lượng Hồi giáo gây bất ổn, rối loạn ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng muốn đóng vai trò trung gian hòa giải ở Afghanistan. Vốn có mối quan hệ tốt đẹp với Pakistan, Trung Quốc đã nhiều lần đề xuất cùng với Pakistan tổ chức các cuộc đàm phán nội bộ trong Afghanistan.

Về phía Nga, Moscow chắc chắn sẽ quyết tâm giữ vững vùng “sân sau” - các quốc gia Trung Á xung quanh Afghanistan. Vốn có quan hệ bề dày truyền thống ở các nước Trung Á từ thời Liên Xô, Moscow cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh với các nước khác trong "ván bài" Afghanistan.

Tuy nhiên, 10 năm Liên Xô sa lầy tại Afghanistan trước đây đã cho nước Nga ngày nay những bài học lịch sử đắt giá và vì vậy, Nga sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, trước khi có quyết định cuối cùng, nhất là trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với lệnh cấm vận của các nước phương Tây sau khủng hoảng Ukraine và đại dịch Covid-19.

Khả năng cao là Mỹ sẽ không tiếp tục can dự sâu vào Afghanistan bởi cái “giá” Washington phải trả cho 20 năm qua không hề nhỏ. Hơn nữa, hiện nay, ưu tiên của Mỹ là Trung Quốc và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Washington không thể “căng mình” cùng một lúc trên hai mặt trận mà độ căng thẳng khó lường hết.

Còn Mỹ, Washington đang ở tình thế lưỡng nan và đang chịu “búa rìu” của dư luận khi để mất Afghanistan một cách chóng vánh sau khi đã đổ hơn 2 nghìn tỷ USD và sinh mệnh của hàng nghìn binh lính trong hai thập niên qua.

Mỹ từng có căn cứ quân sự tại Kyrgyzstan, Uzbekistan để hỗ trợ chống khủng bố, nhưng đều đã đóng cửa. Trước mối đe dọa an ninh hiện nay, Mỹ có khả năng sẽ khôi phục các căn cứ quân sự này.

Nhưng khả năng cao là Mỹ sẽ không tiếp tục can dự sâu vào Afghanistan bởi cái “giá” Washington phải trả cho 20 năm qua không hề nhỏ.

Hơn nữa, hiện nay, ưu tiên của Mỹ là Trung Quốc và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Washington không thể “căng mình” cùng một lúc trên hai mặt trận mà độ căng thẳng khó lường hết. Trọng tâm chiến lược mới của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở có thể lại bị ảnh hưởng và sao nhãng.

Tựu trung, sự phát triển bền vững của bất kỳ một quốc gia nào phải xuất phát từ những yếu tố nội tại bên trong.

Một quốc gia muốn phát triển thì trước hết và quyết định là các lực lượng bên trong phải tìm được tiếng nói thống nhất, cùng nhau phấn đấu vì sự độc lập, hòa bình, phồn vinh của nhân dân mình, đất nước mình.

Mọi sự hỗ trợ, áp đặt từ bên ngoài chắc chắn không đem lại sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước. Tương lai của Aghanistan trong thời gian tới còn rất mong manh và u ám.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)