Thành tựu cá nhân, nỗ lực và lòng chính trực
Ông Nguyễn Đỗ Dũng cho biết, Singapore nổi tiếng với cơ chế “chiêu hiền đãi sĩ”, trong đó, đãi ngộ nhân tài không tách rời hệ thống nhà nước.
Những người xuất chúng với tham vọng cao và tài năng bẩm sinh sẽ được trao quyền hạn và quyền lợi (lương, thưởng) lớn để tạo thành giới tinh hoa (trước tiên phải gắn liền với thành tích học tập xuất sắc, sau đó là thành tựu trong công việc).
Tiến cử người tài sẽ xem xét kỹ những thành tựu cá nhân, nỗ lực kiên trì và lòng chính trực.
Ở Singapore, thước đo sự phân phối quyền lực tùy vào tài năng cá nhân xuất chúng và chính sách công thành công. Nói cách khác, đánh giá hiệu quả dựa theo kết quả công việc nhiều hơn là quá trình thực hiện.
Ông Dũng chia sẻ: “Nỗ lực tìm kiếm người tài có thể thấy ở nhiều cấp độ trong chính phủ và áp dụng với cả người nước ngoài.
Bản thân tôi khi mới đến tìm hiểu cơ hội tại Singapore cũng được mời gặp một cán bộ cấp bậc director (tương đương Vụ trưởng nếu so sánh ở cấp quốc gia hoặc Trưởng phòng nếu so sánh ở cấp độ thành phố) trong cơ quan chính phủ”.
Chuyên gia về quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng. (Ảnh: NVCC) |
Ông khẳng định học bổng của chính phủ là công cụ xác định và nuôi dưỡng những con người có tham vọng vươn cao trong tương lai, trong đó có những người hy vọng sẽ trở thành thành viên của giới tinh hoa.
Ông cho biết thêm: “Hệ thống tuyển mộ nhân tài vững chãi của Singapore hoàn toàn chú trọng đến phẩm chất con người mà không quan tâm đến cộng đồng, ngôn ngữ hay tôn giáo. Học bổng của chính phủ thường đưa sinh viên đến những trường đại học tốt nhất trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ và Anh.
Ví dụ tại trường Harvard có 152 sinh viên Singapore vào năm 2021 (Việt Nam có 26 sinh viên), cao hơn hầu hết các nước châu Á trừ Trung Quốc và Ấn Độ. Các sinh viên này không chỉ nhận được sự hỗ trợ tài chính mà cả sự hỗ trợ về thủ tục ứng tuyển, tư vấn từ các cựu sinh viên và quan hệ với giáo sư.
Một trong những cách tổ chức chính quyền cho phép sự linh hoạt trong tuyển dụng người tài là việc tổ chức các Statutory Board (tạm dịch là Tổng Cục hoặc Sở nếu so sánh ở cấp độ thành phố), được vận hành độc lập với hội đồng quản trị và người đứng đầu là tổng giám đốc (CEO).
Singapore có hơn 50 Tổng cục như vậy, như Cơ quan quy hoạch quốc gia URA, Cơ quan phát triển nhà ở HDB, Cơ quan quản lý môi trường NEA, trực thuộc 16 Bộ. Các Tổng Cục này được giao ngân sách, trách nhiệm, kết quả kỳ vọng (KPI) nhưng được linh hoạt về tuyển dụng nhân sự”.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Đỗ Dũng, trong bối cảnh thế giới thay đổi và phát triển ngày càng nhanh, kinh tế sẽ mất phương hướng nếu không có cơ hội cho sáng kiến cá nhân, nền pháp trị và ổn định chính trị xã hội.
Những khuyến nghị cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm trọng dụng người tài của Singapore, chuyên gia Nguyễn Đỗ Dũng đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cho Việt Nam.
Theo đó, trong bối cảnh hiện tại, trên cơ sở năng lực và đặc điểm hiện có của bộ máy quản lý công, kết hợp với các bài học kinh nghiệm thành công của thế giới, Việt Nam có thể điều chỉnh cơ chế trọng dụng người tài bằng các hướng thực hiện.
Cụ thể, Việt Nam cần có một nghiên cứu với quy mô rộng và mức độ hàm lượng khoa học cao để xác định được những tiêu chuẩn tuyển chọn nhân tài dựa trên việc xác định những thách thức, khó khăn phải đối mặt và đặc điểm công việc, nhiệm vụ mà họ đảm nhiệm.
Các tiêu chuẩn này phải cụ thể và có thể tranh luận, ứng viên có thể khiếu nại nếu thấy có sai phạm trong quá trình bổ nhiệm dựa trên những tiêu chí được công bố rộng rãi.
Ngoài ra, lãnh đạo cần cam kết công khai rõ ràng việc thực hiện chính sách trọng dụng người tài để đảm bảo niềm tin và thu hút nhân tài trên cả nước tham gia vào cơ chế. Cơ chế trọng dụng người tài sau khi thiết kế cần được truyền thông và thực thi rộng rãi để các thông tin minh bạch.
Theo ông Dũng, cơ chế trọng dụng người tài nên được xây dựng theo chiều dọc và chiều ngang, được nhìn nhận một cách thấu đáo với chiến lược ngắn, trung và dài hạn.
Người tài có thể đến từ các nơi trên cả nước, thậm chí là quốc tế, đến từ trong và ngoài bộ máy nhà nước. Người tài cũng có thể đến từ kết quả giáo dục, đào tạo có định hướng và tầm nhìn rõ ràng để có thể thu hoạch nguồn nhân lực trong dài han, kết hợp hoạt động truyền thông giúp thay đổi tư duy người dân.
Để huy động người tài tham gia vào các nhiệm vụ cụ thể đặc biệt có tính chất khẩn cấp, tạo tác động lan tỏa và giúp tháo gỡ điểm nghẽn cốt lõi, thì việc thành lập các nhóm cố vấn bàn tròn (think tank) hay các đội chuyên trách (task force) là một cách hay.
Ông Dũng cũng cho rằng, người tài khi tham gia có thể được hưởng các quyền lợi lương thưởng cao và quyền hạn đặc biệt, được thỏa thuận rõ ràng và cam kết thực hiện các nhiệm vụ cần đạt được trong thời hạn rõ ràng. Đây cũng là cách để họ tạo thành tựu chứng minh năng lực làm cơ sở thông tin cho cơ chế trọng dụng.
Ngoài ra, trong một số chương trình, dự án cụ thể, cơ chế trọng dụng người tài có thể thực hiện thông qua hợp tác công tư để huy động nguồn lực về tài chính, công nghệ và nhân lực từ khối doanh nghiệp.