📞

Chuyên gia: Đa cực sẽ tốt cho Mỹ-Trung Quốc, thế song trục đã hình thành và còn kéo dài

Vy Vy 13:20 | 20/12/2022
Mỹ không quen với ý tưởng về một thế giới đa cực, nhưng điều đó không hẳn là không tốt với nước này.
Cựu Ngoại trưởng Singapore cho rằng một thế giới đa cực có thể tốt cho cả Trung Quốc và Mỹ. (Nguồn: Globaltimes)

Đa cực - tốt cho cả hai

Tờ Strait Times vừa qua đã trích đăng lại bài phát biểu về chủ đề “Trung Quốc trong một thế giới đa cực” tại Đại học Quốc gia Singapore của cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo.

Theo đó, cựu Ngoại trưởng Singapore cho rằng, một thế giới đa cực có thể tốt cho cả Trung Quốc và Mỹ, nhưng cả hai bên sẽ phải nỗ lực để đạt được một quá trình chuyển đổi hòa bình sang một thế giới như vậy.

Cựu Ngoại trưởng Singapore phân tích: “Mỹ không quen với ý tưởng về một thế giới đa cực, nhưng điều đó không hẳn là không tốt với nước này. Trên thực tế, tôi cho rằng, nó sẽ giúp kéo dài thời kỳ Mỹ có uy thế trên thế giới, và theo một cách tốt”.

Ông Yeo nhấn mạnh, vì một thế giới đa cực mang lại lợi ích cho Trung Quốc, nước này nên hành động theo cách mà theo thời gian họ sẽ thuyết phục được Washington rằng kiểu đa cực mà Bắc Kinh mong muốn cũng tốt cho Mỹ.

Trong bài diễn thuyết kéo dài một giờ, ông Yeo nhận định, Mỹ nhiều khả năng sẽ tự làm mới mình và trở thành một “ngọn hải đăng” cho thế giới bằng cách hướng tới đa cực thay vì ngăn chặn điều đó.

Lý do là những nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì sự thống trị của nước này, như được thể hiện trong chính sách hiện tại xác định Nga là "kẻ thù" và Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược", có khả năng sẽ không bền vững.

Theo ông Yeo, mặt khác, Bắc Kinh chưa bao giờ có tham vọng biến mình thành một cực. Điều này sẽ rất khó khăn và cũng sẽ ảnh hưởng đến tính đồng nhất của Trung Quốc.

Nhà ngoại giao cho rằng, ưu tiên mạnh mẽ của quốc gia châu Á là sử dụng đòn bẩy kinh tế để tạo sự ảnh hưởng quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần hành động theo cách cho thấy thế giới đa cực mà họ tin tưởng cũng có lợi cho Washington.

Trong ngắn hạn, xung đột Nga-Ukraine có thể đã làm giảm bớt sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc. Phát biểu trước khoảng 300 khán giả, ông Yeo nói Trung Quốc cũng đang phân tích cẩn thận cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, không chắc quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ được cải thiện vào thời điểm này, cựu Ngoại trưởng Yeo nói: “Mỹ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức đối với sự thống trị của họ trên thế giới và muốn làm chậm lại hoặc dập tắt điều đó nếu có thể.

Washington quyết tâm ngăn chặn các công nghệ tiên tiến của Bắc Kinh, đặc biệt là những công nghệ có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử”.

Nhà ngoại giao Singapore cho rằng, bằng cách lường trước về một trật tự đa cực mà cuối cùng sẽ được hình thành trên thế giới, Mỹ có thể đạt được một vị thế lâu dài bền vững hơn.

Ông nhận định: “Thay vì tìm kiếm sự thống trị ở mọi nơi, Mỹ nên tập trung vào những lĩnh vực mà sức mạnh chính trị và quân sự của họ có thể làm nghiêng cán cân… Điều này có nghĩa là Washington phải chấp nhận nhiều nơi trên thế giới như đúng bản chất vốn có của chúng mà không cố gắng biến đổi chúng theo hình ảnh Mỹ mong muốn”.

Lấy ví dụ về Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc, ông Yeo nói rằng, nếu Mỹ có thái độ thoải mái hơn, mọi quốc gia liên quan sẽ tự nhiên muốn có sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Washington để họ có được “đòn bẩy” đàm phán lớn hơn với Trung Quốc.

Dù phải chọn lựa cũng không "chọn bên"

Tờ SCMP gần đây cũng đã đăng một bài phân tích về cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc trong đó đề cập vấn đề khi cạnh tranh này gia tăng, liệu bên thứ ba có phải chọn bên hay không?

Trên thực tế, chọn bên giống như bỏ trứng vào một giỏ, hơn nữa, những nước chọn bên cũng không nhiều. Trong số các đồng minh "chí cốt" của Mỹ, ngoại trừ Nhật Bản, phần lớn đều không xem Washington là ưu tiên số một, cũng như không hoàn toàn đi theo Mỹ để chống lại Trung Quốc.

Đối với hầu hết các nước, cuốn vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc không mang lại bất cứ lợi ích nào, nên tốt nhất là không chọn bên.

Thế giới hiện nay đã không còn là thế giới đơn cực, mặc dù Mỹ vẫn không quen hoặc không muốn đối diện với thực tế này, nhưng phần lớn các nước bao gồm đồng minh của Mỹ đều hiểu rõ điều này.

Gần đây, Đức và Hà Lan đều hoài nghi chính sách đối với Trung Quốc do Mỹ đưa ra. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo phương Tây không nên cô lập Trung Quốc để chia cắt thế giới thành các khối đối địch.

Quả thực, phần lớn các nước đều muốn duy trì quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc, bởi điều này phù hợp với lợi ích quốc gia của họ. Trong rất nhiều tình huống, những nước này tích cực phát triển quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc, đồng thời duy trì quan hệ đối tác an ninh với Mỹ, từ đó hình thành cục diện kinh tế chính trị quốc tế song trục mới hiện nay. Cục diện này sẽ tiếp tục kéo dài.

Trong thế giới đa cực hiện nay, rất nhiều nước hy vọng có nhiều cơ hội hơn trong quan hệ đối ngoại. Hầu hết các nước thể hiện rõ không muốn chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời hy vọng hai quốc gia này có thể chung sống hòa bình, mang lại lợi ích cho thế giới.

Đương nhiên, nếu bên thứ ba có thể phát huy vai trò tích cực, thực hiện một số công tác trung gian hòa giải giữa Mỹ và Trung Quốc, thúc đẩy hai nước cạnh tranh lành mạnh, khoan dung và hợp tác nhiều hơn, cùng duy trì trật tự quốc tế, tránh xung đột và chiến tranh lạnh mới, thì thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

(theo Strait Times)