📞

Chuyên gia đánh giá về việc Trung Quốc gia tăng tiềm lực quân sự hậu Covid-19

Lê Ngọc 08:40 | 25/04/2020
TGVN. Theo nhà phê bình quốc tế Igor Subbotin - tác giả bài viết đăng tải trên trang NG của Nga, đại dịch Covid-19 sẽ không làm suy yếu các dự án quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc trong tương lai gần, nhưng việc hồi sinh trong lĩnh vực này được dự kiến chỉ sau năm 2030.
Tàu Liêu Ninh của Trung Quốc. (Nguồn: NG)

Theo bài viết trên, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đầu tư rất lớn vào các hoạt động quân sự ở Biển Đông - điều này được đánh giá là đã khiến các nước có chủ quyền tại khu vực này phải gánh các “chi phí không thể chấp nhận được” để thực thi các hoạt động phòng ngừa và ngăn chặn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tham gia vào các chiến dịch cứu trợ thiên tai và các hoạt động quốc tế như cuộc chiến chống cướp biển ở Trung Đông.

Trong thập kỷ này, Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng các nguồn lực quân sự và kinh tế ở nước ngoài, bao gồm cả mục đích theo dõi hoạt động của Mỹ ở Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, việc mở rộng các dự án nước ngoài khó có thể được mong đợi trong thời kỳ này.

Vùng ảnh hưởng cố định của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể vẫn giữ nguyên cho đến năm 2030, bởi vì nền tảng của nó là cơ sở hạ tầng và nền tảng dân sự để hỗ trợ các hoạt động viễn chinh.

Bài báo dự đoán, sau năm 2030, PLA có thể sẽ dựa vào các cơ sở quân sự chuyên biệt, ngoài căn cứ hậu cần hiện có ở Djibouti. Và đến năm 2035, về lý thuyết, các khả năng của PLA sẽ cho phép thực hiện các hoạt động chiến đấu ở cấp độ cao hơn ở nước ngoài.

Trong các khu vực tranh chấp, hoạt động tương tự của họ cần các cơ sở quân sự, hoặc ít nhất là quyền sử dụng các cảng và sân bay của các nước bạn bè.

Theo bài viết trên, PLA vẫn sẽ bị hạn chế khả năng thực hiện các chiến dịch trên không tại các quốc gia thù địch có hệ thống phòng không tích hợp nếu không được các hàng không mẫu hạm hỗ trợ.

Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo Mỹ được khuyến nghị theo dõi cẩn trọng dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào các cơ sở và thiết bị có thể đảm bảo cho các hoạt động viễn chinh.

"Mỹ công nhận rằng Trung Quốc biết sử dụng các trung tâm hậu cần tại các quốc gia mà không có sự hiện diện của người Mỹ", một nghiên cứu kết luận.

Đặc biệt, sau năm 2030, Trung Quốc có thể sẽ tìm kiếm thêm các căn cứ quân sự bổ trợ ở nước ngoài.

Hiện tại, Trung Quốc đã chứng minh rằng tình hình lây lan của virus SARS-CoV-2 không ảnh hưởng đến chính sách an ninh của họ.

Ngày 14/4 vừa qua, một đại diện chính thức của Hải quân PLA cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu nhóm tàu sân bay tấn công, đang thực hiện các cuộc diễn tập ở Biển Đông.

Việc phái Liêu Ninh đến Biển Đông cho thấy ý định của Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của họ ở vùng biển mà Hải quân Mỹ thường xuất hiện để bảo đảm an ninh hàng hải.

Theo tờ Military Times (Mỹ), tàu Liêu Ninh và 5 tàu hộ tống đi qua eo biển Miyako, ngăn cách hòn đảo cùng tên của Nhật Bản với Okinawa, và quay về phía Nam để vượt qua phía Đông Đài Loan - điều đã gây ra mối quan tâm cả của Đài Bắc và Tokyo.

Cuộc diễn tập diễn ra trước ngày 2/4, khi lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã làm chìm một tàu Việt Nam đang đánh bắt cá ở Biển Đông. Sau đó, lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã bắt giữ 8 ngư dân từ tàu cá bị chìm và hai tàu Việt Nam đang cố gắng cứu họ.

Những người bị bắt đã được trao trả cho phía Việt Nam, nhưng tình hình đã thu hút sự chú ý của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bà Morgan Ortagus - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - cho biết, đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các hành động của Trung Quốc nhằm đưa ra các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và xâm phạm lợi ích của các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.

Trong cộng đồng chuyên gia, sự suy giảm chung về mức độ quan hệ Mỹ - Trung được ghi nhận trong bối cảnh những khủng hoảng do virus corona gây ra.

“Đại dịch Covid-19 rõ ràng dẫn đến việc mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, mà trong thời gian gần đây đã rất tồi tệ”, chuyên gia quân sự báo Độc lập Yuri Lyamin nói.

Ông cũng đưa ra nhận định rằng trong điều kiện mâu thuẫn Mỹ - Trung trở nên căng thẳng và bất ổn trên thế giới là gần như không thể tránh khỏi, Bắc Kinh có thể bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự ở bên ngoài biên giới trước năm 2030.

(theo báo NG của Nga)