📞
Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2023:

Chuyên gia Đức: Việt Nam nỗ lực ghi danh thương hiệu trên trường quốc tế

Linh Chi 15:17 | 12/09/2023
GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam cho rằng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngày càng được khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường trong nước và thị trường toàn cầu.
Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022. Đây là dịp ghi nhận và vinh danh các sản phẩm có chất lượng hàng đầu, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có uy tín trên thị trường. (Nguồn: Vietnamplus)

Theo Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới - Brand Finance (có trụ sở tại London, Anh), hàng năm tiến hành định giá 70.000 thương hiệu trên thế giới, năm 2022, Việt Nam được định giá thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ USD. Điều đặc biệt là quốc gia này tiếp tục được đánh giá là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, ở mức 74% trong giai đoạn 2019-2022.

Doanh nghiệp Việt trưởng thành vượt bậc

Về tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 74% trong giai đoạn 2019-2022.

Cụ thể, nếu như năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 274 tỷ USD; thì năm 2020 là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm trước; năm 2021 là 388 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020; năm 2022 đạt 431 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước.

Về thứ hạng, bất chấp những hậu quả của đại dịch Covid-19 và những xung đột, bất ổn về địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của thương hiệu quốc gia, nhưng theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42, thì năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.

Về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá trong Top 100 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, mức tăng trưởng về giá trị cũng rất cao là 36%, so với mức tăng trưởng ở Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, ở Ấn Độ là 16%, ở Malaysia là 10%, ở Trung Quốc là 6%, ở Nhật Bản là 5% và ở Thái Lan là 4%.

Trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu, có rất nhiều doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam, như: Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines…

Nhận định về đánh giá của Brand Finance trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam, GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam khẳng định: "Việt Nam đã nỗ lực ghi danh thương hiệu của mình trên trường quốc tế".

Theo ông, kết quả trên đã khẳng định sự tích cực của các thành phần liên quan trong công cuộc phát triển thương hiệu này. Cụ thể như:

Thứ nhất đó là các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Thứ hai đó là sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, luôn vươn mình ra thế giới trong những nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

GS. TS. Andreas Stoffers nhận thấy, số lượng các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia của Việt Nam còn ít nhưng cũng tăng qua các năm (năm 2022 có 172 doanh nghiệp).

Về chất lượng, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đã khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt, nâng đỡ các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Không chỉ thế, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngày càng được khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường trong nước và thị trường toàn cầu qua những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực và sự coi trọng của các đối tác quốc tế.

"Đây cũng chính là lời khẳng định đầy sức thuyết phục về chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trên trường quốc tế", Giám đốc Quốc gia Viện FNF tại Việt Nam nhấn mạnh.

Hai mẫu xe SUV điện VinFast VF8 và VF9 tại Paris, Pháp. (Nguồn: VinFast)

Nhìn từ sự kiện cổ phiếu mã VFS của hãng xe hơi thương hiệu Việt - VinFast Auto Ltd. - chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market (Mỹ), PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tự hào về sự trưởng thành vượt bậc của doanh nghiệp Việt.

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn nêu quan điểm: "Những doanh nghiệp như VinFast đã thể hiện được tầm nhìn, những bước đi bài bản, chuyên nghiệp, dám tiên phong vươn ra thị trường toàn cầu, dám cạnh tranh ở thị trường khốc liệt nhất thế giới. Đây sẽ là khởi đầu lịch sử mang tính đột phá cho doanh nghiệp Việt.

Việc các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường vốn quốc tế sẽ là xu hướng khách quan khi quy mô kinh tế Việt Nam đã nằm trong top 5 ASEAN (năm 2022). Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023, Việt Nam sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á về quy mô kinh tế. Như vậy, đất nước đã đủ trưởng thành để tham gia vào cuộc chơi tầm cỡ thế giới".

Để nâng tầm giá trị doanh nghiệp

Theo GS. TS. Andreas Stoffers, Việt Nam đã xây dựng Chương trình Thương hiệu quốc gia gần hai thập kỷ, với mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các thương hiệu mạnh trên thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế thương hiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Vị chuyên gia này nói: "Mọi quốc gia hoặc doanh nghiệp của quốc gia đó đều hướng tới mục tiêu gia tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của họ thông qua hình ảnh thương hiệu.

Vì vậy, thời gian tới, để tiếp tục nâng tầm giá trị doanh nghiệp, cần xuất phát từ giá trị cốt lõi của chính doanh nghiệp đó. Đó là giá trị sản phẩm, văn hóa-đạo đức kinh doanh, sức khỏe tài chính doanh nghiệp ổn định, giá trị tạo ra cho cộng đồng và đóng góp cho nguồn thu của đất nước".

Song song với đó, bản thân mỗi doanh nghiệp luôn phải không ngừng đổi mới và phát triển, tiên phong ứng dụng các công nghệ, các yếu tố mới để hoàn thiện sản phẩm và quan tâm đến trải nghiệm của người sử dụng.

Hiện tại, yếu tố bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đang là nội dung được quan tâm ở mọi khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội. Yếu tố xanh phải gắn liền với yếu tố tăng trưởng. "Đây cũng là một gợi ý để nâng tầm thương hiệu thông qua giá trị tạo dựng được cho xã hội: phát triển doanh nghiệp hướng tới yếu tố xanh, bền vững", Giám đốc Quốc gia Viện FNF tại Việt Nam nhận định.

(ghi)