Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, để giảm tình trạng bạo lực học đường cần xây dựng các kỹ năng cho trẻ. (Ảnh: NVCC) |
Số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau.
Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ, độ tuổi này giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30.
Trong đó, hơn 75% các trường hợp bạo lực có đối tượng là học sinh và sinh viên. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Do sự phát triển của mạng xã hội nên mọi người dễ dàng cập nhật các vụ việc nhiều hơn. Ở các nước, đặc biệt là ở Mỹ, bạo lực học đường được xem xét bao gồm các hành vi như ngược đãi học sinh và giáo viên; đánh nhau, sử dụng vũ khí và các chất bất hợp pháp; thực hành kỷ luật, an toàn và an ninh, trấn lột, cướp, quấy rối và hãm hiếp.
Một hành vi khác cũng có thể được xem là biểu hiện của bạo lực học đường đó là bắt nạt hoặc quấy rối trên môi trường Internet mà nạn nhân là học sinh hoặc giáo viên. Như vậy, với cụm từ “bạo lực học đường”, quan điểm chung toàn cầu sẽ là những hành vi bạo lực giữa nhiều mối quan hệ: trò - trò, thầy- thầy, giữa thầy - trò, phụ huynh - thầy...
Những hành vi bắt nạt thời gian dài dẫn đến tử vong hoặc tự tử cũng là một khía cạnh khác của bạo lực học đường mà chúng ta cũng cần lưu ý. Lứa tuổi học sinh trung học được xem là lứa tuổi “nổi loạn”, việc hình thành, phát triển nhân cách gắn liền với những thay đổi lớn trong tâm sinh lý của các em.
Những năm gần đây, trẻ phát triển về thể chất và tâm sinh lý sớm hơn nên tuổi nổi loạn của trẻ đã ngày càng nhỏ hơn. Từ đó, những bất ổn trong các mối quan hệ gia tăng, tạo ra mầm mống cho những hành vi thiếu kiểm soát của trẻ.
Vì thế, việc giúp trẻ có khả năng kiểm soát hành vi chính là ngăn chặn sớm những hậu quả đáng tiếc không xảy ra. Nói cho dễ hiểu, cần giáo dục để trẻ tự kiểm soát được cảm xúc và hành vi hơn là tìm cách để xử lý giải quyết hệ lụy của bạo lực học đường.
Có nhiều nguyên nhân về tâm sinh lý lứa tuổi, môi trường giáo dục, xã hội… nhưng theo tôi, cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố xã hội. Khi thường xuyên được nhìn thấy hành vi tốt, trẻ sẽ dễ dàng ảnh hưởng tích cực để tái lập những hành vi ấy trong môi trường của mình và ngược lại.
Những video clip kiểu Khá Bảnh đốt xe cũng sẽ tác động đến giới trẻ, khiến các em nghĩ rằng cần phải làm gì đó rất “sốc”, rất bạo lực thì mới “ngầu” và mọi người sẽ ngưỡng mộ, để trở thành người nổi tiếng. Mạng xã hội là môi trường dễ nhất để phát tán những hình ảnh tích cực lẫn tiêu cực như vậy.
Thậm chí, mạng xã hội còn được “đo ni đóng giày” bằng trí tuệ nhân tạo để người xem thấy những hình ảnh mà họ quan tâm. Nói đúng hơn, mạng xã hội cũng đang đóng vai trò là một cầu nối nhạy cảm cho việc thúc đẩy thanh thiếu niên toàn cầu bị lệch lạc trong suy nghĩ và hành vi, trong đó bạo lực học đường cũng là một vấn nạn.
Điều quan trọng phải làm sao để kiểm soát được thông tin, hạn chế tối đa những hình ảnh bạo lực khiến giới trẻ ngộ nhận về hành vi của một “anh hùng". Ngoài ra, sử dụng điện thoại quá nhiều cũng dẫn đến hội chứng mất kiểm soát tinh thần và hung hăng với mọi người hơn.
Mặc dù đã có đường dây nóng chống bạo lực nhưng có vẻ chưa hoạt động hiệu quả lắm. Quy trình an toàn cho trẻ còn phụ thuộc địa phương và độ tuổi của trẻ. Muốn xây dựng quy trình an toàn cũng phải tìm hiểu kỹ năng tự bảo vệ của trẻ đã đạt được những tiêu chí gì?
Tôi nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới của chúng ta có môn “Hoạt động trải nghiệm”. Môn học này hoàn toàn có thể dạy cho trẻ những trải nghiệm thực tế về cách nhận diện bạo lực, ứng xử với bạo lực trước khi trẻ cần đến sự giúp đỡ từ người lớn.
Trẻ cũng cần được học cách cư xử với mọi người mà không cần sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Nghĩa là, những đứa trẻ hay đánh bạn cũng cần được giáo dục để thay đổi cách ứng xử chứ không chỉ dạy những đứa trẻ bị bạo lực cách tự bảo vệ mình.
Dưới đây là gợi ý quy trình an toàn cho trẻ chống lại tình trạng bạo lực học đường: Thúc đẩy môi trường gia đình phát triển lành mạnh. Phụ huynh liên lạc với nhà trường nhiều hơn; tăng cường gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh để dễ dàng phối hợp trong việc nắm bắt tình hình, tâm tư và vấn đề của trẻ.
Hỗ trợ phụ huynh có thêm kỹ năng làm cha mẹ. Phụ huynh chú ý mối quan hệ trong gia đình, không bộc lộ sự thiếu kiểm soát trong việc tương tác tại gia đình. Đây chính là mầm mống sớm nhất của bạo lực.
Cung cấp giáo dục chất lượng sớm. Chú trọng việc giáo dục từ khi trẻ còn rất nhỏ, không đợi đến khi trưởng thành mới giáo dục và uốn nắn. Cùng với đó, cần tăng cường kỹ năng cho trẻ từ các chương trình kỹ năng sống, giải trí, sách báo, các cuộc nói chuyện, hội thảo…
Kết nối trẻ với các hoạt động tích cực và lành mạnh. Hình thành các nhóm tư vấn học đường do phụ huynh, thầy cô hoặc học sinh thực hiện. Tổ chức các hoạt động sau giờ học để hình thành tính cách linh hoạt và thích ứng cũng như tăng cường những mối quan hệ lành mạnh cho trẻ.
Tạo môi trường cộng đồng bảo vệ, tức là, trường học phải an toàn về cơ sở vật chất. Ví dụ, không có những nhà kho bỏ hoang, góc khuất khó kiểm soát hoặc những vật dụng có thể trở thành hung khí. Lớp học quá nóng cũng là một tác nhân gây ra hành vi nóng nảy mất kiểm soát.
Giảm thiểu những hoạt động có thể gây rủi ro, ví dụ, các hoạt động vui chơi với số lượng người tham gia quá lớn hoặc quá nhiều thành phần bên ngoài khó kiểm soát. Xây dựng những chuẩn mực cộng đồng và phát triển những hoạt động hỗ trợ cộng đồng.
Để giảm tình trạng bạo lực học đường không chỉ là vấn đề tâm lý mà là kỹ năng. Không chỉ kỹ năng tự phòng vệ mà còn liên quan nhiều kỹ năng khác như tư duy phản biện, kỹ năng chịu được áp lực, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng trình bày...
Thậm chí, khuyến khích trẻ em học võ để tự bảo vệ mình, bảo vệ những người yếu thế hoặc khống chế kẻ xấu, chứ học võ không phải để tấn công người khác.
*Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên là nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu, một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn. Bà làm việc trong lĩnh vực giáo dục 30 năm ở cả ba vai trò giáo viên, chuyên viên đào tạo và chủ doanh nghiệp giáo dục InnEdu, chuyên về STEAM. Chuyên gia Diễm Quyên đồng thời là giảng viên của các chương trình về đổi mới sáng tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám khảo các cuộc thi giáo viên sáng tạo cấp địa phương và quốc gia. Bà từng đào tạo và tập huấn cho hơn 60 nghìn lượt lãnh đạo giáo dục và giáo viên tại hơn 40 tỉnh, thành về các kỹ năng liên quan đến STEAM, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, các phương pháp dạy học sáng tạo và tạo động lực tích cực cho học sinh. Năm 2014, bà tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha, cũng là người Việt Nam đầu tiên được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo (Microsoft Innovative Educator Expert Fellow). Tháng 10/2020, InnEdu do bà sáng lập trở thành đối tác đào tạo toàn cầu đầu tiên của Microsoft tại Việt Nam. |