📞

Chuyên gia hàng đầu kêu gọi Trung Quốc bơm mạnh tay hơn nữa để 'thổi lửa' nền kinh tế

Như Trung 17:42 | 16/10/2024
Theo chuyên gia kinh tế hàng đầu Trung Quốc Yu Yongding, các gói kích thích kinh tế cần càng lớn càng tốt – và thông tin chi tiết cũng nên được tiết lộ càng sớm càng tốt
Ông Yu Yongding, cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). (Nguồn: Bund Summit)

Cũng theo chuyên gia này, để tối đa hóa tác động của gói kích thích kinh tế mới, Bắc Kinh nên sẵn sàng mạnh tay “mở hầu bao” nhiều hơn nữa so với con số 4 nghìn tỷ NDT (khoảng 564,7 tỷ USD) – từng được tung ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền mới đây, cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho rằng, chính phủ trung ương nên định lượng kế hoạch kích thích kinh tế càng sớm càng tốt - lý tưởng nhất là có mốc thời gian cụ thể, chi tiết.

“Chỉ còn ba tháng nữa là hết năm, việc vội vã lao vào cuộc chiến giành lại tăng trưởng có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu quá muộn trong năm nay, chúng ta có thể tiếp tục vào năm sau. Không thể vội vàng hành động, nhưng không thể trì hoãn việc đưa ra các tín hiệu chính sách”, ông nói.

Những biện pháp kích thích từ nền kinh tế số hai thế giới đang tiếp tục là một trong các động thái được quan tâm trên thị trường toàn cầu.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc đã công bố thông tin gói kích thích tài chính tăng cường quy mô lớn của nước này với quy mô hơn 300 tỷ USD. Những gói kích thích liên tục vào thị trường vốn, bất động sản, tiêu dùng từ cuối tháng 9 đến nay cho thấy, Trung Quốc đang nỗ lực cao nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 5%.

Những biện pháp kích thích tung ra từ cuối năm 2008 lại mang lại một loạt các vấn đề dai dẳng mới, bao gồm tình trạng dư thừa công suất công nghiệp, gánh nặng nợ nần lớn đối với chính quyền địa phương, sự phụ thuộc quá mức vào thị trường bất động sản và rủi ro tràn lan trong hệ thống tài chính.

Là người ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp kích thích tài khóa, ông Yu Yonding cho biết, các động thái thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng sẽ vượt quá con số của năm 2008, vì quy mô hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua quy mô trước đó.

Liên quan đến đề xuất của một cố vấn cấp cao khác – cần ít nhất 10 nghìn tỷ NDT (1,42 nghìn tỷ USD) để kích thích trong một hoặc hai năm tới thông qua việc phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt – theo ông Yu Yongding, là điều "đáng cân nhắc".

“Miễn là tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia cao hơn lãi suất, thì nợ của quốc gia đó vẫn có thể được duy trì. Trung Quốc chưa đến lúc phải lo lắng về tính bền vững của tài chính. Điều chúng ta nên lo lắng là tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục suy giảm”, ông phân tích.

Ông cho rằng, Trung Quốc không cần phải lo lắng về sự gia tăng đòn bẩy của chính phủ hay cuộc khủng hoảng tài khóa kết hợp với lạm phát, bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có chính sách tài khóa mở rộng. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có vị thế tài khóa tốt nhất trên toàn cầu với tỷ lệ tiết kiệm cao, tài sản nước ngoài ròng gần 3 nghìn tỷ USD và dự trữ ngoại hối hơn 3 nghìn tỷ USD.

Dù chính quyền vẫn giữ im lặng về quy mô cụ thể của kế hoạch kích thích nhưng Bộ Tài chính Trung Quốc đã nêu rõ một số ưu tiên trong tương lai gần vào cuộc họp hôm thứ Bảy, bao gồm xóa nợ cho chính quyền địa phương, bổ sung vốn cho các ngân hàng nhà nước lớn và hỗ trợ tài chính cho thị trường bất động sản.

Ông Yu Yonding nhận định, thông điệp tích cực nhất được truyền tải tại cuộc họp lần này là việc tăng trần nợ một lần cho các chính quyền địa phương để hoán đổi các khoản nợ ẩn.

Tại hội nghị ngày 8/10, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia - cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - đã nêu rõ nền kinh tế sẽ được thúc đẩy thông qua việc chính phủ chi tiêu tích cực hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó đổi mới đô thị là ưu tiên hàng đầu.

Về nguồn cung, chuyên gia Yu Yonding dự báo, đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc còn rất lâu mới bão hòa vì quốc gia này vẫn đang cần nhiều cơ sở dịch vụ công như hệ thống thoát nước đô thị, trung tâm dưỡng lão chăm sóc người già… Ngay cả trong lĩnh vực giao thông, nơi Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng ngoạn mục, ông cho biết vẫn có nhu cầu về cảng biển và sân bay nhỏ.

(theo SCMP)