Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, du lịch Việt Nam cần thay đổi cách quảng bá cũng như tận dụng cơ hội để phát triển. (Ảnh: NVCC) |
Ngành du lịch đối mặt với nhiều thách thức
Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Tuy nhiên, tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra ngày 15/11 vừa qua, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019. Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, hiện thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch. Đồng thời, công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của du lịch Việt Nam còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia. Công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải cũng làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam. Việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch Covid-19; các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đội chính trị, hầu bao cho du lịch của du khách sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua.
Chia sẻ quan điểm của mình, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, trong 10 tháng, ngành du lịch đã cố gắng nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy khách du lịch quốc tế tăng nhanh, thị trường nội địa cũng tăng nhanh nhưng tốc độ đã suy giảm. Đặc biệt, ông Vũ Thế Bình cho rằng, các tỉnh, thành phố tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các hoạt động bề nổi ở trong nước như lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế gắn với du lịch nhưng không đạt được mục tiêu.
Trong khi đó, ông Bình nhấn mạnh, khách du lịch chỉ quan tâm bản sắc văn hóa truyền thống. Nếu như những kinh phí đó chuyển sang cho hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế sẽ phát huy nhiều hơn.
Ngoài ra, còn một thách thức nữa, đó là nhân lực của thị trường du lịch thiếu trầm trọng. Hiện nay, ngành du lịch mới chỉ thu hút được khoảng 60% lao động. Trong khi đó, nhiều lao động có nghiệp vụ cao đã chuyển sang ngành khác, không ít doanh nghiệp du lịch phải sử dụng cả lao động chưa qua đào tạo để phục vụ khách. Đặc biệt, việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới còn quá ít.
Du lịch Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. (Nguồn: TTXVN) |
Chiến dịch truyền thông phải có trọng tâm
Đưa ra giải pháp, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Le Invest Corporation cho hay, chúng ta không nên quảng bá du lịch qua hình ảnh đất nước, con người một cách chung chung nữa. Thay vào đó, phải tập trung vào giá trị nổi bật trong một chiến lược xây dựng thương hiệu lâu dài. Đồng thời, lựa chọn những đặc trưng riêng biệt cho từng chiến dịch ngắn hạn, đánh vào từng phân khúc khách hàng tiềm năng.
“Chiến dịch truyền thông phải có trọng tâm, với một thông điệp đơn giản, quảng bá cho một giá trị đơn nhất và khác biệt, để tạo hiệu ứng thu hút lớn", ông Vinh nói.
Ông Lê Quốc Vinh cũng cho rằng, với các vùng du lịch, mỗi nơi sẽ có một thế mạnh riêng. Do vậy, cần tìm hiểu xem thế mạnh đó giải quyết vấn đề của ai, ở đâu, như thế nào và thiết kế những sản phẩm du lịch cụ thể, phục vụ cho mục đích đó. Tất nhiên, các sản phẩm mới đó phải là một phần trong hệ sinh thái du lịch hiện hữu, làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch đã là thế mạnh.
Đề cập vấn đề cạnh tranh về du lịch của các nước trong khu vực ASEAN, chuyên gia Lê Quốc Vinh khẳng định, ASEAN vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh trong ngành du lịch.
"Hợp tác, liên kết với các nước ASEAN để tạo ra những giải pháp, dịch vụ du lịch mang tính khu vực là một cách để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. Lượng du khách đến Siam Reap (Campuchia) tăng khá cao, sẽ là một giải pháp khả thi nếu kéo được một phần du khách sang Đồng bằng sông Cửu Long trong một cơ hội kéo dài kỳ nghỉ", ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông Vinh cũng nhận định, Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Do vậy, chúng ta phải tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn. Đồng thời, hoạt động quảng bá du lịch phải linh hoạt hơn, hướng vào từng phân khúc nhỏ, thay vì tiếp cận chung chung, đại trà như lâu nay chúng ta vẫn làm.
"Tôi nhận thấy, phần lớn các nước ASEAN có một hệ thống xúc tiến du lịch bài bản, hiện đại và liên tục đổi mới, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia... Họ linh hoạt đưa ra quyết định nhanh chóng và triển khai trực tiếp đến các thị trường mục tiêu. Vậy nên, ngành du lịch Việt Nam cần phải nhanh chóng đổi mới, tận dụng cơ hội để bứt phá", chuyên gia Lê Quốc Vinh nói.