Chuyên gia Lê Quốc Vinh cho rằng, định danh mạng xã hội làm sao để giúp người dùng an toàn hơn, có kỹ năng thích ứng với cuộc sống số. (Ảnh: NVCC) |
Không thể phủ nhận lợi ích to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến, khi làm cuộc sống của con người hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn. Đồng thời, đây là kho cung cấp tri thức của nhân loại, giúp con người kết nối dễ dàng hơn. Mạng xã hội mang lại rất nhiều thông tin, nội dung tư vấn, hướng dẫn để mọi người dễ dàng thực hành các hoạt động cần thiết trong cuộc sống…
Nhưng bên cạnh ích lợi, người dùng mạng xã hội cũng phải chịu những tác động tiêu cực bởi các nội dung độc hại, chiêu trò lừa đảo, tấn công… Chính vì vậy, việc quản lý thông tin trên mạng trong đó quản lý người dùng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Báo Thế giới & Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh về vấn đề này.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Ông đánh giá thế nào về những lợi ích lẫn nguy cơ mà Internet mang lại?
Internet có hai mặt là lợi ích lẫn nguy cơ. Lợi ích mà Internet mang lại là kết nối, cập nhật thông tin, kiến thức và nhiều tính năng khác trong hoạt động kinh tế, xã hội.
Về nguy cơ, theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ văn hóa trong môi trường mạng như thế nào? Có thực trạng người dùng truy cập vào những nội dung không lành mạnh, không phù hợp, thậm chí nội dung độc hại, đó là nguy cơ mà Internet mang lại. Ở một khía cạnh khác, khi sống và phụ thuộc quá nhiều vào Internet sẽ có những vấn đề, hệ lụy xảy ra. Những hiện tượng lừa đảo, bắt nạt trên mạng, đánh cắp thông tin, tài khoản để trục lợi diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Việc kết nối cũng tạo cơ hội cho kẻ trục lợi, kết nối càng nhiều thì nguy cơ càng lớn.
Trong bối cảnh nguy cơ ngày càng lớn như bị thu thập dữ liệu, tổng hợp thông tin truy cập, bị lộ thông tin cá nhân rõ hơn nhưng dường như con người không thể sống thiếu sự kết nối trên Internet được nữa.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều hoạt động của người dân chuyển dịch sang môi trường số, tầm quan trọng của việc quản lý và định danh tài khoản số thế nào dưới góc nhìn của ông?
Thực ra, bất cứ chính sách nào đặt ra với mục đích tạo thuận lợi và tạo điều kiện cho người dùng sẽ là đúng hướng và được ủng hộ. Còn nếu đặt ra các chính sách với mục tiêu hạn chế người dùng lại thành ra bất cập.
Ngay cả việc định danh tài khoản mạng xã hội cũng vậy. Nếu định danh giúp ích cho người dùng thuận lợi hơn, được bảo đảm an toàn trên không gian mạng, bảo mật thông tin cá nhân, để không bị lợi dụng, chống bị giả mạo, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.
Tức là, định danh theo hướng hỗ trợ và tạo điều kiện tốt hơn cho người dùng thì sẽ mang lại lợi ích. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng, chính sách là để kiểm soát, để biết người dân đang sử dụng Internet như thế nào, truy cập vào những loại nội dung gì thì đó sẽ trở thành rào cản. Mà đã là rào cản chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi áp dụng.
Định danh các tài khoản trên mạng xã hội được xem là một trong những giải pháp quan trọng được các cơ quan quản lý đưa ra nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo trên không gian mạng. Tuy nhiên, theo ông, khâu triển khai gặp thách thức gì?
Như trên đã nói, nếu các cơ quan chức năng coi việc định danh các tài khoản trên Internet là công cụ để quản lý sẽ có thể gặp phải những phản ứng ngược. Đa số thuộc về những người đàng hoàng và sử dụng mạng xã hội theo chiều hướng tích cực.
Nếu vì thiểu số lợi dụng mạng xã hội mà đưa ra chính sách định danh chung để quản lý tất cả các tài khoản thì khó có thể thực hiện được hiệu quả. Nếu như không làm cho người dân yên tâm, người dân không tự nguyện để định danh sẽ rất khó khăn.
Làm sao để người ta nhận thấy định danh giúp giao tiếp tốt hơn, an toàn hơn trên không gian mạng, tạo ra những kỹ năng để thích ứng với cuộc sống số, thì người ta sẽ tham gia một cách tự nguyện.
Còn biện pháp định danh chỉ để chống lừa đảo thì người ta sẽ sợ bị ảnh hưởng tới tự do cá nhân. Bởi vì, phần lớn các nền tảng số hiện nay không cần phải có định danh, mà giờ định danh thì phải hợp nhất thông tin truy cập trên tất cả các nền tảng số. Đó là điều rất khó.
Quan trọng là người sử dụng phải thấy được lợi ích mới tự nguyện. Trong khi phải thống nhất tất cả các tiện ích số như ngân hàng, bảo hiểm… và nhiều tính năng khác đều phải cùng một tài khoản.
Liệu rằng, khi tất cả những dữ liệu cá nhân đó được bộc lộ công khai trên tất cả các nền tảng số, người dùng sẽ đối diện với nguy cơ gì? Trong khi, nguy cơ nằm trên các nền tảng công cộng rất nhiều.
Nếu như đăng ký trên một nền tảng, tôi nghĩ vấn đề này rất khó, sẽ có kẽ hở cho những kẻ tấn công trên mạng. Giải pháp bảo vệ người dùng thế nào?
Nếu người dân thấy đăng ký trên nền tảng số mà được bảo vệ chắc chắn họ sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, khi mọi thông tin được định danh rõ ràng thì việc phát hiện ai có quan hệ với ai rất dễ dàng. Chúng ta có bảo vệ được họ hay không còn là ẩn số.
Bản thân tôi cũng chưa hình dung ra được việc bảo vệ người dùng như thế nào. Thực tế, nhiều người e ngại công bố thông tin cá nhân lên không gian mạng vì vấn đề bảo mật cũng là điều dễ hiểu.
Sẽ có nghị định yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh, áp dụng cho cả Facebook, YouTube, TikTok... (Nguồn: VNEXPRESS) |
Để không gian mạng thực sự an toàn, bên cạnh quy định “định danh”, cần làm gì để bảo vệ công dân trên không gian số, theo ông?
Thực ra, theo tôi, có hai hướng để bảo vệ công dân trên không gian số. Một là, kiểm soát chặt chẽ, ngặt nghèo, tức là mỗi người chỉ được đăng ký một tài khoản số duy nhất.
Hai là, hướng đến giải pháp mang tính chủ động, không cần biết người dùng đang hoạt động trên không gian số như thế nào. Nhưng nếu người dùng gặp phải vấn đề, ví dụ như bị tấn công trên mạng xã hội, thì có hệ thống báo cáo và có lực lượng chức năng hành động ngay lập tức.
Thường thì, hiện nay, khi bị tấn công trên không gian mạng, chúng ta chỉ có thể gỡ bỏ hoặc chặn tài khoản đó. Do vậy, nếu như có hệ thống để người ta báo cáo cho cơ quan chức năng kiểm soát để cơ quan đó hành động ngay, truy cập ngay nguồn gốc của kẻ tấn công, quấy rối, nhằm có hành động ngăn chặn cũng giống như trong cuộc sống thật thì sẽ được ủng hộ.
Đó là những điều cần thiết và hệ thống đó phải được quản lý và xử lý chủ động các vấn đề công dân mạng báo cáo. Nếu như những điều đó có thể thực hiện được thì sẽ làm cho công dân trên mạng yên tâm, rằng họ vẫn được bảo vệ chứ không phải cứ máy móc đăng ký các tài khoản định danh là xong.
Theo ông, làm sao để nâng cao trách nhiệm xã hội, sử dụng mạng xã hội văn minh từ chính người dân?
Người dân sẽ cảm thấy cần thiết hơn, xem việc công khai danh tính trên không gian số là an toàn, mang lại lợi ích. Còn khi cảm thấy không an toàn, có nguy cơ thì người ta sẽ có ứng xử một cách dè dặt, giấu thông tin. Như vậy, hoạt động trên môi trường số không minh bạch sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.
Cho nên, câu chuyện ở đây là hành động. Tức là, cần những hành động thực sự của Nhà nước, cơ quan chức năng khi có vấn đề mà công dân số phát hiện, báo cáo như bị ăn cắp dữ liệu, bị tấn công mạng thì cần có hành động cụ thể để bảo vệ người dân.
Tất nhiên, phải bảo vệ một cách quyết liệt bằng chính sách cụ thể làm sao để những kẻ tấn công phải thấy chính quyền rất quyết liệt, nghiêm khắc. Lúc đó, người dân mới tin tưởng, hợp tác với chính quyền để minh bạch hóa tài khoản cá nhân của họ.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 8/5/2023, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, chậm nhất đến cuối năm nay, sẽ có nghị định mới nhằm yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện định danh. Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức sẽ phải thực hiện định danh. Việc này sẽ áp dụng cho cả mạng xã hội là Facebook, Youtube, Tiktok... Các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với mức độ khác nhau. Việc yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội được xem là hành động cần thiết nhằm tạo sự trong sạch, minh bạch cho không gian mạng; quy định cả với mạng xã hội xuyên biên giới cũng như ứng dụng OTT nước ngoài. Nếu các ứng dụng, nền tảng này không đáp ứng yêu cầu định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý. |
Những năm qua, nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh ở nước ta. Theo We Are Social, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đến nay là 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Thậm chí, kết quả một số điều tra cũng cho thấy, một bộ phận người trẻ hiện nay đang bị phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội. Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP có nêu, quy định mạng xã hội (nội địa lẫn xuyên biên giới) phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Dữ liệu cần khai báo cho yêu cầu này gồm tên thật và số điện thoại. Ngoài ra, các mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam chỉ cho người dùng đã định danh được viết bài đăng, bình luận, sử dụng tính năng phát trực tiếp video (livestream). Các tài khoản chưa định danh chỉ được xem nội dung đơn thuần. Việc định danh người dùng sẽ do mạng xã hội chịu trách nhiệm, đồng thời phải quản lý nội dung livestream và gỡ khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng. |
| Học nghề hay học đại học cũng hãy biến mình thành người lao động trình độ cao Có nhiều sinh viên học đại học kiểu “học đại”, nhiều chương trình đào tạo không thực sự có chất lượng cao, không đáp ứng ... |
| 'Lỗ hổng' ứng xử văn minh nơi công cộng nhìn từ việc xả rác sau show BlackPink ThS. Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty giáo dục kỹ năng Angel cho rằng, nhìn từ việc xả rác sau đêm diễn của nhóm ... |
| TS. Cù Văn Trung: Không ít người trẻ chưa thấu hiểu, 'định vị' được bản thân khi chọn nghề Chia sẻ với Báo TG&VN, TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo ... |
| Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, đổi mới chương trình - sách giáo khoa quan trọng là tạo ra con người ... |
| Truyền thông 'bẩn' và sự cần thiết định danh các tài khoản mạng xã hội Trong bối cảnh nhiều người đang cảm thấy bị bủa vây, ngột ngạt trong "biển cả" thông tin, việc định danh tài khoản mạng xã ... |