📞

Chuyên gia Lê Quốc Vinh: Không nên lạm dụng 'thẻ xanh' để nghĩ tới sự di chuyển tự do như chưa hề có Covid-19

Yến Nguyệt 13:50 | 23/09/2021
Một việc rất cần thiết phải làm ngay là chỉnh sửa các văn bản xác lập quy chuẩn mức độ nguy cơ hiện hữu, vì những văn bản này được soạn thảo theo tinh thần 'zero Covid' đã không còn phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, phải tìm cách sớm nhất cấp và kiểm soát 'thẻ xanh' qua các ứng dụng công nghệ thống nhất.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, người có “thẻ xanh” là người đạt được mức độ nhất định về giảm nguy cơ lây nhiễm hoặc tăng nặng, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định về 5K.

Đó là quan điểm của chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch Công ty Le Bros) với báo TG&VN xung quanh câu chuyện sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2.

Thời gian gần đây, nhiều người đề cập đến vấn đề “sống chung với virus”, quan điểm của ông như thế nào về câu chuyện này?

Tới thời điểm này, phần lớn lãnh đạo Chính phủ và các thành phố lớn đều đã thay đổi quan điểm từ “zero Covid”, phấn đấu tuyệt đối không còn một ca dương tính nào, sang quan điểm “sống chung” với thứ virus chắc chắn không thể loại bỏ hoàn toàn. Nghĩa là, chấp nhận nó sẽ còn tồn tại lâu dài, sẽ còn tiếp tục xuất hiện những ca nhiễm với tỷ lệ thổn thất nhất định, nhưng sẽ khởi động lại cuộc sống bình thường kiểu mới, thoát khỏi tình trạng “ngủ đông” làm bào mòn sức chịu đựng của xã hội.

Chúng ta sẽ không thể học theo Trung Quốc và New Zealand, bóc tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng. Đặc thù của New Zealand là đảo quốc có khả năng bế quan, ngăn chặn các nguồn xâm nhập. Trung Quốc đã phủ 2 tỷ liều vaccine, gần 890 triệu người, tức là 76,8% dân số đã tiêm đủ 2 mũi, với nguồn lực y tế hùng hậu, đủ sức để xét nghiệm PCR một thành phố 10 triệu dân trong vòng 72 giờ.

Chúng ta cũng không thể bắt chước các nước Âu - Mỹ, mở cửa cho hoạt động kinh tế tự do, vì tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn quá thấp, hệ thống hạ tầng y tế còn rất yếu, không thể chấp nhận một số lượng lớn bệnh nhân Covid-19.

Có nghĩa, chúng ta phải mở cửa nhưng phải mở từ từ. Nói đúng hơn, nới lỏng dần, vừa kiểm soát sự bùng phát dịch ở các vùng nguy cơ cao, nhưng phải nghiên cứu các giải pháp an toàn, thiết lập các vùng an toàn, các di chuyển an toàn, cho phép các hoạt động kinh tế và xã hội phù hợp được hoạt động. Chúng ta sẽ buộc phải “sống chung” với Covid-19, nhưng phải sống chung một cách an toàn.

Vậy để có thể thích ứng và “sống chung lâu dài” thì cần đảm bảo những điều kiện gì, theo ông?

Trước hết, cần phải hiểu đúng khái niệm “sống chung an toàn với Covid-19”. Đó là thừa nhận sự tồn tại của virus trong cộng đồng trong thời gian còn nhiều phía trước, ứng xử với nó theo quan điểm như vậy, bằng cách thiết kế lại cách chúng ta trở lại cuộc sống bình thường mới, với những điều kiện an toàn ngay cả khi có nó tồn tại bên cạnh. Có 3 nguyên tắc chúng ta phải thực hiện:

Một là, nỗ lực tạo ra các điều kiện an toàn cho mỗi người dân để trở lại cuộc sống bình thường, bằng cách tiêm vaccine đủ cho tối thiểu 100% người trên 18 tuổi và nghiêm chỉnh thực hiện 5K, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, có bị lây nhiễm cũng không trở nặng và ít có nguy cơ tử vong.

"Cần phải có một hệ thống đánh giá các mức độ nguy cơ theo kiểu mới, đúng hơn là các tình huống được thiết lập bởi ma trận gồm nhiều chiều kích. Bên cạnh các chỉ số về dịch tễ, về số lượng lây nhiễm và tử vong, phải tính đến cả mức độ phủ vaccine, mức độ thích ứng của hệ thống y tế, nhất là mức độ thích ứng an toàn của các hoạt động kinh tế và dân sinh".

Đặc biệt, ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm có nguy cơ cao là người trên 50 tuổi, có bệnh nền. Trong điều kiện chưa thực hiện được điều đó thì những người mới tiêm 1 mũi vaccine hoặc người trẻ dưới 20 tuổi, cũng có thể hoạt động với điều kiện tuân thủ các điều kiện 5K nghiêm ngặt hơn. Ngay cả những người chưa tiêm vaccine cũng có thể được tham gia các hoạt động hạn chế, đảm bảo không tiếp xúc.

Hai là, tập trung đầu tư cho hệ thống chữa bệnh, dịch vụ y tế nhằm đối phó với các tình huống có thêm những ca nhiễm nặng, cùng với việc phổ cập kiến thức và trang thiết bị, thuốc men cũng như kiện toàn hệ thống y tế hỗ trợ tại nhà cho các bệnh nhân tự chữa trị trong thời gian chưa có triệu chứng. Bên cạnh đó, có những quy chuẩn cụ thể, hướng dẫn người dân tự xét nghiệm, tự cách ly khi phát hiện dương tính.

Thứ ba, đưa hoạt động kinh tế - xã hội quay sang tình trạng bình thường mới bằng hệ thống các quy chuẩn, quy trình an toàn, phù hợp với từng ngành nghề, từng hoạt động, giao tiếp xã hội, phù hợp với từng tình huống dịch bệnh. Các doanh nghiệp, tổ chức, người dân sẽ phải tự mình chủ động tuân thủ theo các quy trình, quy chuẩn an toàn đó, để tự bảo vệ mình và duy trì hoạt động.

Dựa vào tình hình dịch bệnh hiện tại ở nước ta, cần thay đổi chiến lược phòng, chống Covid-19 ra sao?

Chiến lược phòng chống Covid-19 theo quan điểm “sống chung an toàn” sẽ là chủ động thích ứng với từng tình huống, diễn biến của dịch bệnh. Thay vì cấm đoán, phong toả, ngăn cấm di chuyển và hoạt động của xã hội, thì chủ động xây dựng các di chuyển và hoạt động an toàn – di chuyển xanh, hoạt động xanh.

Thay vì phản ứng cực đoan, phong toả diện rộng với các tình huống phát hiện lây nhiễm mới thì phải thu hẹp vùng phong toả nhỏ nhất có thể. Tôi tin rằng quan điểm chung của lãnh đạo Chính phủ và các địa phương đã đi theo xu hướng này rồi, chỉ có điều chưa mạnh dạn thoát khỏi cái bóng của quan điểm “zero Covid” nên chưa dám thực hiện các biện pháp “sống chung an toàn”.

Bên cạnh đó, một việc rất cần thiết phải làm ngay, là chỉnh sửa các văn bản xác lập quy chuẩn mức độ nguy cơ hiện hữu, vì những văn bản này được soạn thảo theo tinh thần “zero Covid” và đã không còn phù hợp với tình hình mới.

Muốn vậy, chúng ta cần phải có một hệ thống đánh giá các mức độ nguy cơ theo kiểu mới, đúng hơn là các tình huống được thiết lập bởi "ma trận" gồm nhiều chiều kích. Bên cạnh các chỉ số về dịch tễ, về số lượng lây nhiễm và tử vong, phải tính đến cả mức độ phủ vaccine, mức độ thích ứng của hệ thống y tế, nhất là mức độ thích ứng an toàn của các hoạt động kinh tế và dân sinh.

Với những “vùng xanh”, việc nới lỏng cần có lộ trình như thế nào cho phù hợp?

Hà Nội đã quyết định bỏ khái niệm phân vùng, rồi đây chúng ta sẽ thấy quan điểm chung là như vậy. Vùng xanh hay hiểu chính xác là vùng được phép hoạt động trong “bình thường mới” là tất cả những khu vực nằm ngoài các khu phong toả, cách ly hẹp như tôi nói ở trên. Tất nhiên, được làm những gì, tự do đến đâu sẽ phải được quy định rõ, tuỳ theo các tình huống trong ma trận mức độ nguy cơ mà các nhà chuyên môn sẽ phải xây dựng.

Khi các quy trình, quy chuẩn, mức độ hoạt động được quy định rõ ràng thì người dân, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, các tổ chức sẽ chủ động biết được mình phải tuân thủ những gì, trong thời gian bao lâu.

Ông nhận định ra sao về trạng thái bình thường mới ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh?

Tôi hình dung rằng, khi chúng ta thiết lập được trạng thái bình thường mới, thì hoạt động tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay bất cứ tỉnh thành nào cũng sẽ là vừa hoạt động kinh tế bình thường, vừa phải tuân thủ các biện pháp 5K nghiêm ngặt – được linh hoạt điều chỉnh theo từng mức độ nguy cơ trong các giai đoạn nhất định, tuỳ theo tình hình của dịch bệnh.

Thay vì sợ hãi, tự cách ly mình thì chúng ta sẽ phải tiếp tục sống, tiếp tục hoạt động với một ý thức chủ động tránh nguy cơ cho mình và cho cộng đồng. Chúng ta sẽ hiểu biết hơn về cách đối phó với Covid-19 trong từng tình huống, với một sự trợ giúp chủ động và hiệu quả hơn của hệ thống y tế.

Còn việc áp dụng “thẻ xanh" Covid-19?

Chúng ta không nên lạm dụng khái niệm “thẻ xanh” để nghĩ tới sự di chuyển tự do như chưa hề có Covid-19. Người có “thẻ xanh” là người đạt được mức độ nhất định về giảm nguy cơ lây nhiễm hoặc tăng nặng, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định về 5K, thậm chí nghiêm túc hơn nữa, bởi vì họ vẫn có thể bị lây nhiễm. Vì vậy, có “thẻ xanh” chỉ là người đó có nhiều hơn quyền thực hiện các hoạt động, di chuyển mà thôi.

Ai sẽ là người có “thẻ xanh” thì còn phải chờ các nhà chuyên môn thống nhất. Ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nơi đang thực sự chịu áp lực về phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất, thì đang muốn mở rộng khải niệm thẻ xanh cho đến các cá nhân đã tiêm 1 mũi vaccine, người nhiễm Covid-19 đã khỏi trong vòng 6 tháng…

Ở Hà Nội đang có xu hướng chỉ chấp thuận "thẻ xanh" cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine và người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng. Thực ra, mở rộng ở mức độ nào thì phải thiết kế các quy trình, quy chuẩn di chuyển và hoạt động an toàn phù hợp theo mức độ đó thôi. Nhưng tôi mong các khái niệm sẽ phải đồng nhất ở tất cả các địa phương, để tạo điều kiện lưu thông trong toàn quốc.

Một điều nữa, phải tìm cách sớm nhất cấp và kiểm soát “thẻ xanh” qua các ứng dụng công nghệ thống nhất. Ứng dụng này không chỉ là một công cụ hành chính, thay thế cho các công cụ lỗi thời, dễ gây ùn ứ, tập trung đông người, kiểu như giấy đi đường, mà còn phải liên thông tới các thông tin về di chuyển, dịch tễ, điều kiện sức khỏe, hiện trạng tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính…

Hơn nữa, việc giám sát, kiểm soát nên được thực hiện ở các điểm đến, thay vì kiểm soát trên đường, trên lộ trình di chuyển của người dân.

Và đã đến lúc nói câu chuyện “mở cửa kinh tế” hay chưa, thưa ông?

Khi chúng ta từng bước trở về trạng thái bình thường mới chính là đang từng bước mở cửa lại kinh tế. Như trên đã nói, các hoạt động kinh tế, xã hội, dân sinh được nới dần theo từng tình huống mức độ nguy cơ, chính là điều kiện để hoạt động trở lại. Tuy nhiên, cần phải trao quyền chủ động nhiều hơn cho các doanh nghiệp để họ xây dựng quy trình, quy chuẩn thích ứng, chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trong doanh nghiệp, để họ có thể chủ động điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, việc thụ động và đóng băng hoạt động sản xuất kinh doanh là do quan điểm “zero Covid”, gây thiệt hại rất lớn cho các ngành kinh tế. Chỉ có để cho hoạt động kinh tế được phục hồi và linh hoạt thích ứng với các tình huống được tiên liệu trước, thì chúng ta mới thực sự “mở cửa kinh tế”.

“Mở cửa kinh tế” cũng có nghĩa là mở cửa cho đi lại, giao thương, nội địa và xuyên biên giới. Chính sách mở cửa cho đi lại, nhập cảnh, cũng tương tự như chính sách di chuyển an toàn của người có “thẻ xanh” vậy.

Xin cảm ơn ông!