Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, công chúng phải tìm cách tự miễn dịch với tin giả. |
Ông có thể đưa ra nguyên tắc chống dịch Covid-19 và những bài học kinh nghiệm từ các nước?
Tôi không phải là một chuyên gia y tế, nên tôi xin phép không nói về các nguyên tắc y tế và dịch tễ trong phòng chống dịch Covid-19.
Nhưng dưới góc độ của truyền thông và vận động xã hội, tôi cho rằng cần phải có những nguyên tắc chung, ràng buộc về nguyên lý thông tin, tránh gây hiểu nhầm, nhất là đối với các thông tin chính thức từ cơ quan phòng chống dịch, từ chính quyền.
Truyền thông thời nay không thể và không được phép đơn tuyến, nghĩa là chỉ có một phía đưa tin, còn phía kia thụ động tiếp nhận. Truyền thông là đa chiều, là tương tác và đối thoại. Truyền thông cũng phải nhắm đến từng loại đối tượng khác nhau, phải được tuỳ chỉnh theo vấn đề và mức độ quan tâm của từng đối tượng.
Một vấn đề nữa, đó là phương thức truyền thông vận động xã hội tuân thủ theo các nguyên tắc, điều tiết chống dịch, phải quan tâm, thấu hiểu từng nhóm, từng cá thể trong xã hội, để cân bằng chính sách cho mọi đối tượng.
Sự thành công của công cuộc phòng và chống Covid-19 là ngăn chặn sự lây lan, biến chứng thành bệnh nặng của virus, nhưng cũng phải đảm bảo sự đồng thuận xã hội, ủng hộ các quyết sách của cơ quan điều hành chống dịch.
Những ngày vừa qua, câu chuyện về xuất xứ, chất lượng, hiệu quả của một số loại vaccine Covid-19 được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Quan điểm của ông vấn đề này ra sao?
Điều nguy hiểm là phần lớn cảm xúc của người dân đều dựa trên những thông tin không đầy đủ, hoặc bị bóp méo do tâm lý “bài” một nước nào đó, tâm lý nghi ngờ vào chất lượng sản phẩm của nước họ, vốn không có độ tin cậy cao theo quan điểm chung của người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, nó được kích hoạt lên và thổi phồng bằng những thủ đoạn cố tình gây bất ổn xã hội, chia rẽ vùng miền và nghi ngờ chính quyền.
Bất chấp những quan điểm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO trong việc cho phép sử dụng các loại vaccine, trong đó có vaccine Sinopharm/BIBP, ngay cả sự chấp thuận của Bộ Y tế Việt Nam, người ta có xu hướng đồn thổi những tác dụng tiêu cực chưa được kiểm chứng, không chỉ từ chối tiêm mà còn kích động sự chống đối cộng đồng.
Nên nhớ, tất cả các loại vaccine đang được WHO đưa vào danh mục sử dụng khẩn cấp đều là những loại vaccine đạt yêu cầu về hiệu lực bảo vệ theo kiểm nghiệm lâm sàng, đã được sử dụng đại trà trên phạm vi rộng lớn, với những tỷ lệ tác dụng ngoài mong muốn rất thấp.
Mặc dù, có thể mức độ hiệu lực bảo vệ của vaccine Sinopharm/BIBP không cao bằng một số loại vaccine Anh, Mỹ (AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Mordena) đang được sử dụng tại Việt Nam, nhưng nó vẫn có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm virus và quan trọng nhất là nó vẫn ngăn chặn biến chứng nặng hoặc nguy cơ tử vong. Đó là điều đặc biệt quan trọng trong giai đoạn chúng ta đang ở thời kỳ bùng phát dịch ở quy mô lớn.
Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng, truyền thông nhà nước và báo chí trong thời gian qua đã không hoạt động hiệu quả, thậm chí có vẻ không đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và dễ hiểu - những tiêu chí cực kỳ quan trọng trong truyền thông thời chiến, thời khủng hoảng.
Điều này vô tình khiến cho công chúng dễ hiểu sai, nghi ngờ hoặc dễ ngả theo các nguồn thông tin không chính thống trên mạng xã hội.
Vaccine được đánh giá là chiến lược quan trọng để thanh toán dịch bệnh Covid-19. Việc hoài nghi về hiệu quả của vaccine nào đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến chiến lược phòng chống Covid-19 ở nước ta thế nào, theo ông?
Hậu quả thì chúng ta thấy rồi đấy. Lô vaccine Sinopharm sẽ chưa được dùng tới, ít nhất cho đến khi dư luận đảo chiều. Điều này có nghĩa là tốc độ tiêm chủng sẽ bị ảnh hưởng.
Bạn có thể lý luận rằng việc tiêm chủng chậm không phải vì thiếu vaccine. Cái đó đúng, nhưng chỉ là ở thời điểm hiện tại. TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác đều đang có ý thức và đang triển khai các giải pháp tiêm chủng nhanh hơn. Chỉ trong thời gian ngắn nữa, lượng cung vaccine sẽ không nhanh bằng tốc độ tiêm.
Hiện nay, số lượng người nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng lên, tỷ lệ người tử vong trên số ca nhiễm của chúng ta, rất tiếc đang bị đẩy dần lên.
Đây là điều rất đáng quan ngại, vì hệ thống y tế và dịch tễ của chúng ta còn yếu, sẽ khó trụ được trong tình huống lượng ca nhiễm tăng hơn, số lượng người phải phong toả và cách ly sẽ vượt quá khả năng của hệ thống. Và nói như đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, số ca tử vong tăng sẽ khiến tâm lý các y bác sỹ rất nặng nề.
Sự hoài nghi về một loại vaccine nào đó không những làm tiến độ tiêm chủng chậm lại, nguy hiểm hơn nó chia rẽ dân tộc, chia rẽ vùng miền, sự xung đột giữa những nhóm người được/bị tiêm vaccine ấy và nhóm được tiêm các loại vaccine khác.
Nói cách khác, nó sẽ gây ra một tâm lý bất ổn, hoang mang, phản ứng, làm chậm tiến trình vaccine – điều quan trọng nhất đối với chúng ta lúc này.
Vậy theo ông, xử lý khủng hoảng truyền thông trong đại dịch này phải bắt đầu từ đâu?
Như tôi cũng đã có lần nói, khủng hoảng truyền thông là vì có những khoảng xám không rõ ràng về thông tin. Có quá nhiều thông tin không rõ ràng, không phải vì không có thông tin, mà vì người làm truyền thông không nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải đưa thông tin đầy đủ, minh bạch và quan trọng nhất là đưa đúng tâm lý của mỗi đối tượng công chúng. Nếu giải quyết được vấn đề này thì khủng hoảng có thể được kiểm soát.
Ví dụ, khi thông cáo về lô vaccine Sinopharm, phía cung cấp thông tin đã không lường hết phản ứng của công chúng, nên đã không đưa ra đầy đủ thông tin về xuất xứ, các chỉ số khoa học liên quan, cũng như bản chất của mối quan hệ giữa các đối tác khác nhau trong thương vụ mua vaccine.
Ngay cả bản chất việc Bộ Y tế đang kiểm tra lô vaccine cũng không nói rõ ràng, khiến nhiều người lầm tưởng, hoặc cố tình lợi dụng, rằng có sự nghi ngờ về chất lượng vaccine.
Truyền thông thời chiến phải khác, quyết liệt, rõ ràng và minh bạch hơn. Một mô hình thông tin cần tuân thủ là nội dung bắt buộc phải bao gồm: Hiện tượng xảy ra, lý do của hiện tượng đó, tác động của hiện tượng đó là gì.
Nếu mỗi bài báo đều tuân thủ mô hình đó, người cung cấp thông tin cũng tuân thủ mô hình đó, hẳn là thông tin sẽ thông suốt, xoá bỏ vùng xám, ngăn chặn nguy cơ hiểu sai thông tin, dẫn đến khủng hoảng.
“Tin giả” làm ngăn cách giữa người với người ra sao? Làm sao để sàng lọc, ngăn chặn nạn thông tin giả, theo ông?
Tin giả sinh ra là để thao túng tâm lý, suy nghĩ và hành vi của công chúng. Nó "bóp méo" sự thật, để làm tổn thương các mối quan hệ xã hội, với các quy mô khác nhau.
Tin giả đánh vào một cá nhân thì cá nhân đó sẽ bị bạn bè, cộng đồng của mình quay lưng lại. Tin giả đánh vào một tổ chức, một doanh nghiệp, một đơn vị, thì nó làm sụp đổ niềm tin của khách hàng, công chúng, đối tác xung quanh các tổ chức đó. Tin giả đánh vào một quốc gia, nó làm gia tăng bất hoà, thổi phồng các mâu thuẫn, thậm chí kích động bạo loạn như đã từng xảy ra vài năm trước đây.
Một lời khuyên kinh điển là công chúng phải tìm cách tự miễn dịch với tin giả, bằng cách tỉnh táo kiểm chứng các thông tin mình đọc được từ các nguồn tin không chính thống.
Tuy nhiên, điều đó không hề đơn giản, đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội, người ta thậm chí còn hay tin vào các nguồn đối ngược với các kênh chính thống.
Về phía người đọc, công chúng, nếu thực sự muốn đề phòng “con virus” tin giả, chỉ có cách mở rộng đón nhận các nguồn tin đa dạng, thậm chí đối chọi, để tự biện luận và tìm ra sự thật chân thành.
Khi chúng ta tự xoá bỏ định kiến, để thử tìm hiểu, phản biện lại chính mình, chúng ta sẽ có xu hướng tiếp nhận thông tin từ nhiều phía, để rồi mình sẽ có thời gian để tìm đến sự thật toàn vẹn.
Về phía người làm truyền thông, thấu hiểu con người công chúng, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch và tương tác, đối thoại với công chúng của mình. Đó là những cách ngăn chặn tin giả, hoặc nếu có tin giả thì cũng có thể có cơ hội hạn chế sự lây lan.
Trong thời đại nhiễu loạn thông tin như hiện nay, ông có lời khuyên nào trong việc cảnh giác với virus “Fake news”?
Nếu gọi là một lời khuyên, thì tôi muốn đề nghị người dân chỉ đọc từ những kênh thông tin xác tín, kiểm tra xem tin tức mình nghe thấy có được đăng tải ở trên các kênh uy tín khác hay không.
Nếu không thấy thì xem đó có phải là nguồn tin độc quyền hay không, có bằng chứng rõ ràng chứng minh các vấn đề được nêu ra hay không. Đọc chậm lại, nghĩ thật kỹ trước khi chia sẻ hoặc bình luận.
Xin cảm ơn ông!