Thủ tướng Abe trong vai trò hòa giải Mỹ - Iran? (Nguồn: Reuters) |
Về vấn đề này, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng, ông sẽ sớm đến Iran với sứ mệnh trung gian. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản tới Iran sau hơn 40 năm.
Nhận định về triển vọng hòa giải của Nhật Bản, Seyyed Hossein Naghavi - Hosseini, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt của Hội đồng Hồi giáo và Đại diện Ủy ban đối ngoại và an ninh của Quốc hội Iran cho rằng, hiện chưa có những điều kiện phù hợp cho đối thoại và đàm phán.
Theo quan chức này, những hành động của Mỹ đã tạo ra sự ngờ vực đến mức cả quốc hội, dân chúng và bất kỳ cơ quan nào tại Cộng hòa Hồi giáo Iran đều không tin vào sự cần thiết của các cuộc đàm phán. Viện dẫn việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vốn được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn và được cộng đồng thế giới hoan nghênh, Seyyed hoài nghi: "Đâu là sự đảm bảo rằng, nếu chúng tôi nối lại đàm phán với Mỹ và đạt được thỏa thuận, thì họ sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình?"
Tại Iran, bầu không khí mất lòng tin đối với Mỹ đang chiếm ưu thế, không có điều kiện để đàm phán, ngay cả khi Trump rút lại tất cả yêu cầu của mình, Seyyed nhấn mạnh.
Tiến sĩ Ali Rezahah, chuyên gia về chính sách quốc tế của Mỹ, bình luận viên và phụ trách chuyên mục cho Trung tâm chuyên gia phân tích của Lãnh tụ tối cao Iran (KHAMENEI.IR), cho rằng, chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản Abe mang hai sắc thái. Trước hết, đây là chuyến thăm đáp lại chuyến thăm Nhật Bản của đại diện Iran. Thứ hai, đại diện của Nhật Bản đến Iran với đề nghị rõ ràng và liên quan trực tiếp đến mong muốn trở thành hòa giải viên trong cuộc xung đột hiện tại giữa Iran và Mỹ. Hiện có khoảng 5-6 quốc gia ở Trung Đông cũng đã nỗ lực giải quyết tình trạng này.
Phân tích những nỗ lực này, Tiến sĩ Ali Rezahah nói thêm rằng, nước Mỹ và đặc biệt là ông Trump đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Vì vậy, Trump cần phải đạt được thành tựu trên trường quốc tế cho chiến dịch bầu cử và các hoạt động chính trị của mình. Thế nên, ông đang gây áp lực tối đa đối với Iran để đạt được những mục tiêu này. Rõ ràng, các quốc gia trung gian tiềm năng cũng sẽ chịu áp lực.
Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng, với mô típ hành xử như vậy của Mỹ, Tehran chưa sẵn sàng đàm phán. Iran sẽ đồng ý đàm phán chỉ trong điều kiện cách tiếp cận hợp lý và có cân nhắc, nhưng không chịu áp lực từ Washington. Thông qua áp lực như vậy, ông Trump đang cố gắng áp đặt các điều kiện của riêng mình lên Iran để kiếm thêm điểm trên lĩnh vực chính sách đối ngoại.
Một chuyên gia khác của Iran, Ahmed Rashidi, chuyên gia về các vấn đề địa chính trị cho rằng, nếu Thủ tướng Abe đến Iran, thì chính là theo đề nghị của Washington: “Người Mỹ có xu hướng nghiêng về đàm phán hơn là giao chiến. Điều này từng xảy ra trước đây khi các quốc gia như Oman và Qatar hoặc đóng vai trò trung gian hòa giải hoặc Mỹ yêu cầu họ làm trung gian giữa Tehran và Washington".
Theo tin tức gần đây, những ngày này, Mỹ đã bán vũ khí trị giá khoảng 8 tỷ USD cho Saudi Arabia. Điều này có nghĩa là họ tuyên bố rằng, khu vực này đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ trong khu vực cho rằng chiến đấu với Iran là không dễ dàng. Chỉ huy này có kinh nghiệm về chiến tranh ở Iraq, Afghanistan và Syria và biết rằng giao chiến ở Trung Đông là việc khó khăn và đó là lý do tại sao người Mỹ muốn đàm phán với Iran, chuyên gia giải thích.