Dù đàm phán thương mại Mỹ-Trung quay trở lại đúng quỹ đạo, nhưng đại diện đàm phán của hai bên đều đối diện với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. (Nguồn: Reuters) |
Sau khi lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được đồng thuận về việc tạm ngừng cuộc chiến thương mại tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản), hai bên đã khởi động lại đàm phán thương mại.
Larry Kudlow - Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump cho biết phái đoàn đàm phán cấp cao của hai nước đã đàm phán thông qua điện thoại, hai bên cũng đang sắp xếp thời gian để đàm phán trực tiếp. Mặc dù đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang quay trở lại đúng quỹ đạo, nhưng hai bên vẫn tồn tại bất đồng nghiêm trọng về một số vấn đề mang tính nguyên tắc.
Lằn ranh đỏ trong đàm phán
Tại Diễn đàn Davos mùa Hè được tổ chức ở Đại Liên (Trung Quốc) mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ hủy bỏ hạn chế về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính trước năm 2020. Ông còn nhấn mạnh Trung Quốc cũng sẽ giảm các hạn chế trong việc tiếp cận thị trường của vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông và giao thông vận tải.
Nhận định về động thái này, nhà nghiên cứu Chương Lập Phàm cho rằng, đây đều là những lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên phàn nàn và luôn yêu cầu Trung Quốc mở cửa hơn nữa. Do đó trong vòng đàm phán tới, việc mở cửa những lĩnh vực này có thể sẽ được tăng cường thúc đẩy. Điều này một phần là do áp lực suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn, mặt khác đã có những dấu hiệu cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài đang lần lượt tháo chạy khỏi siêu cường này.
Còn theo nhà bình luận chính trị Hồ Bình, những biện pháp này rõ ràng là để dọn đường cho đàm phán thương mại. Điều kiện đàm phán thương mại có một số thay đổi liên quan đến pháp luật, kết cấu xã hội của Trung Quốc, so với hai vấn đề này, việc mua nhiều hơn hàng hóa của Mỹ là chuyện tương đối dễ làm. Đồng thời, mua hàng hóa của Mỹ cũng là nhu cầu cấp thiết của hai bên.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho hay, Mỹ phải hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh, không mua thiết bị của Huawei, nhưng cần phải bán chíp tốc độ xử lý thấp cho Huawei, bảo đảm sự vận hành của Tập đoàn này, từ đó kéo Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán.
Song song với việc thực hiện một số biện pháp nhằm “níu giữ” đầu tư nước ngoài, Trung Quốc cũng đã có một số động thái tương đối cứng rắn. Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 5/7, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói rằng nếu Washington và Bắc Kinh muốn đạt được thỏa thuận thì phải hủy bỏ hoàn toàn việc áp thuế bổ sung. Liệu đây có phải là lằn ranh đỏ trong đàm phán của Trung Quốc? Hiện nay sức ép kinh tế của Trung Quốc đang ở mức cao, nếu Mỹ tiếp tục áp thuế bổ sung, triển vọng kinh tế của nước này sẽ rất ảm đạm.
Ngoài việc hủy bỏ toàn bộ thuế quan, ngày 10/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Lưu Hạc - Trưởng phái đoàn đàm phán của Trung Quốc đã đề cập đến hai lằn ranh đỏ khác của Trung Quốc với truyền thông nước này sau khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung kết thúc.
Đó là số liệu mua bán thương mại phải phù hợp với thực tế, cũng như phương thức thể hiện của văn bản thỏa thuận phải được sự chấp nhận của người dân Trung Quốc, không thể làm tổn hại đến chủ quyền và sự tôn nghiêm của Trung Quốc. Trong vòng đàm phán mới, liệu Mỹ có nhượng bộ đối hai vấn đề này hay không?
Nhà bình luận chính trị Hồ Bình nhận định, thái độ cứng rắn về việc “hủy bỏ áp thuế bổ sung” mà Trung Quốc đề cập tới là gần như bất khả thi. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Mỹ không thể đáp ứng những yêu cầu của Trung Quốc thì không thể đạt được thỏa thuận. Trên thực tế Mỹ cũng không muốn khăng khăng áp thuế bổ sung sau khi ký kết thỏa thuận, vấn đề Mỹ quan tâm là việc áp thuế bổ sung có thể xem là biện pháp trừng phạt, giám sát việc tuân thủ thỏa thuận của Trung Quốc.
Cả 2 bên đều “mất máu”
Trang mạng VOAChinese dẫn một số phân tích cho rằng mặc dù đàm phán thương mại Mỹ-Trung quay trở lại đúng quỹ đạo, nhưng đại diện đàm phán của hai bên đều đối diện với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đó là xoa dịu phe cứng rắn không chịu nhượng bộ với các chủ trương trong nội bộ Chính phủ.
Tổng thống Donald Trump đang đối diện với áp lực tranh cử của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ngoài việc phải đối diện với chỉ trích của đảng Dân chủ, ông còn phải ứng phó với sự không hài lòng của những cử tri ủng hộ thuộc giới doanh nhân và ở các bang nông nghiệp của Mỹ bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Một số nghị sỹ của đảng Cộng hòa và Dân chủ quan ngại Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra quá nhiều nhượng bộ trong đàm phán do nhu cầu tranh cử.
Theo ông Hồ Bình, Tổng thống Donald Trump đang đối diện với sức ép của cuộc bầu cử và đây là áp lực rất thực tế. Nếu thời gian tới, cử tri ở các bang được xem là kho phiếu và bang nông nghiệp đều dao động thì Donald Trump sẽ không thể tái đắc cử. Để tái đắc cử, ông nhất định sẽ áp dụng mọi biện pháp.
Còn theo nhà nghiên cứu Chương Lập Phàm, đối với Trung Quốc việc tiếp tục kéo dài đàm phán và không đạt được thỏa thuận sẽ có lợi cho việc gây sức ép với Donald Trump, khiến ông chủ Nhà Trắng phải nhượng bộ Trung Quốc. Tuy nhiên, ngược lại, động thái vừa áp thuế bổ sung vừa tiếp tục đàm phán cũng là một biện pháp làm tiêu hao sinh lực đối thủ mà ông Trump đang áp dụng.
Các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục kéo dài tình trạng trên sẽ không có lợi cho cả hai bên. Trung Quốc gặp thách thức khi việc làm, vốn đang chảy ra bên ngoài khiến nguồn thu ngân sách giảm sút. Áp lực của Mỹ trên phương diện này ít hơn, chi phí của Chính phủ Mỹ cũng rất lớn, nhưng vẫn có thể duy trì hoạt động. Thị trường chứng khoán Mỹ quả thực có dấu hiệu suy giảm, nhưng sẽ không quá mạnh. Ngược lại, sự đi xuống của Trung Quốc đang khiến cho nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc.
Chuyên gia Hồ Bình đánh giá, khả năng hai nước đạt được thỏa thuận là không cao khi hai nước đều phát đi tiếng nói cứng rắn ra bên ngoài, vừa cho thấy mong muốn đạt được thỏa thuận, vừa sợ bị “lép vế” trong đàm phán.
“Xung đột thương mại Mỹ - Trung suy cho cùng là cuộc chiến tiêu hao sinh lực, hai bên đều đang mất máu”, ông này bình luận.