📞

Chuyên gia y tế Phạm Đức Phúc: Không phải học sinh đến trường mới có nguy cơ lây nhiễm bệnh

Nguyệt Anh 13:45 | 08/12/2021
Chia sẻ với báo TG&VN, TS. Bác sĩ Phạm Đức Phúc, chuyên gia y tế công cộng, Điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe các Trường Đại học Việt Nam (VOHUN) nêu quan điểm, đây là thời điểm cần nhìn nhận lại để lập kế hoạch, cố gắng sớm nhất có thể cho học sinh đến trường.
Chuyên gia y tế Phạm Đức Phúc cho rằng, nên sớm cho học sinh đến trường.

Giữa lúc Hà Nội đang tăng số ca nhiễm cao nhất so với các đợt dịch thì lãnh đạo thành phố lại quyết định cho học sinh trở lại trường khiến phụ huynh “đứng ngồi không yên” và ngay cả các trường cũng lúng túng. Quan điểm của ông như thế nào về câu chuyện này?

Thực ra, lãnh đạo Thành phố đã cân nhắc về việc đưa học sinh quay trở lại trường. Tuy nhiên, sau khi có quyết định thì nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng.

Theo tôi, một trong những vấn đề cần quan tâm lúc này là làm sao để tránh sự kỳ thị giữa các trẻ không tiêm và đã tiêm vaccine Covid-19 khi đến trường.

Các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để có thông tin minh bạch và có những bằng chứng rõ ràng hơn về mức độ an toàn, biến chủng mới. Hơn nữa, hiện nay trên thế giới và trong khu vực cũng đã xuất hiện biến chủng mới Omicron.

Cũng có những thông tin khẳng định, biến chủng này tuy lây lan nhanh nhưng không có nguy cơ gây chuyển biến nặng hay gây tử vong cao. Bên cạnh đó, hiện nay có một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, có vẻ như biến chủng này đang có xu hướng giảm.

Tất nhiên, vì mới xảy ra nên cần thời gian để có những số liệu chính xác, cần ghi chép ra các nhóm bị nhiễm biến chủng mới nằm trong nhóm đối tượng nào (người già hay trẻ), thuộc nhóm đã tiêm hay chưa tiêm vaccine, có hay không những người đã nhiễm rồi và bây giờ nhiễm lại...

Các thông tin đó cần rõ ràng, minh bạch, cần có sự trao đổi giữa ngành y tế và ngành giáo dục ở các cấp để rà soát và chuẩn bị kỹ cho việc mở cửa trường học.

Theo tôi, cần cho học sinh đến trường sớm nhất có thể vì việc học của các em đã bị đình trệ quá lâu, nhiều vấn đề nảy sinh ảnh hưởng đến kết quả học tập. Đặc biệt, việc trẻ phải ở nhà quá lâu ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.

Việc cho học sinh trở lại trường thời điểm này có nguy cơ cao thế nào, theo ông?

Nếu chúng ta cứ ngồi đợi mãi thì không biết đến bao giờ học sinh mới được quay trở lại trường. Nguy cơ thì vẫn có, muốn biết được mức độ thì chúng ta cần có giải pháp.

Chúng ta phải chấp nhận thực tế việc trẻ đi học trực tiếp sẽ có nguy cơ vì có đi lại, có tiếp xúc. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, không chỉ tới trường học mà có thể các em vẫn đi đến các nơi vui chơi, giải trí hoặc cộng đồng khác.

Hiện nay, dù chưa đến trường nhưng nhiều bạn trẻ đã đến các khu vui chơi công cộng, cũng có tiếp xúc rồi, chứ không phải đến trường thì mới có nguy cơ lây nhiễm.

Trước đây, tôi cũng đã nói, khi mở cửa trường học, cần phân chia khoảng thời gian, khoảng cách lớp học và tính thời gian sao cho phù hợp nhất. Cần rà soát xem trường đã đủ nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với những tình huống giãn cách hay chưa cũng như khi xảy ra sự cố thì cần liên kết giữa y tế phường với y tế trường thế nào?

Cần có đội y tế cộng đồng, kết nối chặt chẽ, xây dựng kịch bản và kế hoạch, làm rõ trách nhiệm của các bên để cùng giám sát lẫn nhau, sẵn sàng ứng phó với những sự cố xảy ra.

Đặc biệt, nên trao đổi với phụ huynh học sinh, cũng như cần có sự phối hợp với các bên liên quan. Các đơn vị, các quận, các phường cần có sự liên kết chặt chẽ.

Khi có sự chuẩn bị tốt cũng như liên kết chặt chẽ, tôi nghĩ không có gì phải hoang mang khi mở cửa trường học.

Như vậy, cần có những hướng dẫn cụ thể thế nào để tránh việc các trường lúng túng? Đặc biệt, nếu trong trường hợp trường phát hiện có F1, F0 thì phải làm gì?

Các trường hiện nay đã có các quy định rất rõ ràng của Bộ Y tế, quan trọng là tất cả thông tin phải thông suốt, thường xuyên.

Các bên cần ngồi lại với nhau để đưa ra kế hoạch, phân loại lớp học ra sao cho hợp lý, tất nhiên cần dựa trên những tiêu chí ngành y tế đã đặt ra.

Đối với những em F0 không triệu chứng thì có thể điều trị tại nhà. Để các gia đình chủ động hơn, biết cách đối phó, bố trí giãn cách cho con em khi đi học mà thuộc diện F1, F0.

Khi đó, phụ huynh và bản thân các em cũng nắm rõ và từng bước một thực hiện.

Khi đến trường, giáo viên và học sinh cùng tuân thủ lịch học, phân chia ra theo khối lớp, phân luồng một chiều từ cổng, đo nhiệt độ, khử khuẩn… kể cả khi ra chơi cũng cần phân khu, phân ranh giới rõ ràng chứ không thể “bung” như trước khi có dịch.

Đồng thời, phải tính toán việc chia nhỏ lớp, tính không gian ngồi học và khoảng vui chơi của học sinh sao cho hợp lý. Nhà trường sẽ dựa vào cơ sở vật chất của mình để phân chia ra các khung giờ học khác nhau.

Y tế của trường cũng cần huy động sự hỗ trợ của y tế phường/xã, quận đó, kể cả tình nguyện viên cho công tác phòng chống dịch trong trường.

Bởi các cán bộ y tế sẽ có những yêu cầu chính thức, rõ ràng, họ là những người có kinh nghiệm để sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp hoặc qua online trong những tình huống cấp bách. Tôi theo dõi một số trường tư nhân, họ đã chuẩn bị khá tốt, có chiến lược rõ ràng, cụ thể.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, vấn đề quan trọng là nên thay đổi thói quen, thích ứng với tình hình mới, có sổ ghi chép theo dõi sức khỏe, ghi lại những dấu hiệu bất thường. Từ đó, rèn cho mỗi chúng ta những kỷ luật, tuân thủ tốt nhất, đặc biệt là vẫn đảm bảo nguyên tắc 5K.

Theo chuyên gia Phạm Đức Phúc, cần cho học sinh đến trường sớm nhất có thể vì việc học của các em đã bị đình trệ quá lâu. (Ảnh: Yến Nguyệt).

Khó có thể kéo dài việc ngừng cho học sinh đến trường mà cần chuyển sang trạng thái linh hoạt, thích ứng tốt hơn. Mấu chốt của vấn đề mở cửa trường học lúc này nằm ở cách thức chúng ta xử lý tình huống khi phát hiện F0, F1 thế nào? Ông có khuyến nghị gì trong việc này?

Chúng ta đã có những bài học từ các khu công nghiệp trước đây. Theo tôi, nên mời các chuyên gia, những “bằng chứng sống” đã tham gia, đối mặt và chiến đấu với dịch bệnh để chia sẻ và lắng nghe xem người ta đã vượt qua thế nào?

Tôi nghĩ đó là những bài học rất hay, rất cần thiết, cụ thể. Các trường, Sở GD&ĐT nên mời các chuyên gia đã tham gia vào việc vận hành lại nhà máy, xí nghiệp, phân loại công nhân như thế nào?

Tất nhiên, không phải áp đặt bởi sự so sánh giữa công nhân và trẻ em là khập khiễng nhưng ít nhất cũng có những nguyên tắc tương đối để nhà trường rút ra kinh nghiệm trong việc bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học.

Chúng ta cũng đừng nghĩ trẻ em không biết gì. Đối với lứa tuổi lớp 10, 11, 12, cũng nhân cơ hội này chúng ta có thể nâng cao nhận thức cho các em, đó là những bài học tốt, thực tế nhất trong giáo dục.

Tất nhiên, dù sao cũng cần trao đổi và có sự ủng hộ của chính quyền, của ngành y tế và ngành giáo dục về chính sách cho thống nhất từ trên xuống dưới, tránh lúng túng khi trong trường xuất hiện F1, F0.

Đặt cương vị là một phụ huynh, ông có cho con đi học trở lại khi trường mở cửa hay không?

Khi trường có kế hoạch và thông tin chính xác, chắc chắn tôi vẫn khuyến khích cho con đi học lại. Vấn đề là mình biết được nguy cơ, mức độ và sẵn sàng với những tình huống, chẳng may bị nhiễm hoặc nghi nhiễm thì có cơ sở, có cách xử lý tốt nhất như cần điều trị tại nhà, hỗ trợ thể lực, ăn uống để vượt qua.

Tất nhiên, mình phải có thông tin trao đổi với trường, với y tế, kể cả với phụ huynh khác để mọi người cùng hiểu, rằng mình đang xử lý rất tốt tại nhà, rất nhẹ nhàng. Từ đó, tránh hoang mang, để mọi người có niềm tin và lan tỏa niềm tin ấy.

Chúng ta đã có rất nhiều “kinh nghiệm sống” từ những gia đình có người nhiễm rồi. Bản thân tôi đi nhiều tỉnh trong miền Nam, có những gia đình 5 người, tới 4 người nhiễm nhưng họ hoàn toàn theo dõi và điều trị tại nhà.

Tất nhiên, với những người mắc bệnh nền, thể trạng yếu thì cần theo dõi sát sao, cần ghi chép lại và nếu gặp vấn đề gì bất thường thì thông tin ngay cho y tế, những bộ phận có chuyên môn để người ta hỗ trợ, có thể là qua online hay trực tiếp.

Tôi từng nói, 100% chúng ta sẽ không bao giờ loại bỏ được virus, hết nguy cơ này lại đến nguy cơ khác và chúng ta cứ trốn tránh nó thì chẳng bao giờ trốn được.

Việc Sở GD&ĐT Hà Nội thay đổi quyết định ở phút cuối, chỉ cho học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm giáo dục - Trung tâm giáo dục nghề nghiệp đi học trực tiếp, còn học sinh lớp 10 và 11 tiếp tục học trực tuyến cũng khiến nhiều người bất ngờ. Dưới góc độ của một chuyên gia y tế, theo ông, đây có phải là một quyết định hợp lý?

Cho đến thời điểm này, có lẽ đây cũng là một quyết định hợp lý vì xuất phát từ phản ứng của xã hội, nhìn nhận câu chuyện mở cửa trường học chưa thật sẵn sàng. Chứng tỏ sự chuẩn bị và thống nhất giữa các bên chưa thông suốt, vẫn còn bị vướng mắc ở khâu nào đó.

Thực tế, các trường chưa thống nhất được với phụ huynh, với giáo viên. Ngay cả cán bộ y tế ở địa bàn có trường học cũng chưa rõ được vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào.

Theo tôi, cần phải giải thích rõ ràng, phân công trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan cùng trên địa bàn như thế nào, nhiệm vụ của các thành viên trong gia đình ra sao.

Ví dụ, địa bàn phường có trường học thì trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào, kết nối ra sao giữa trường học và y tế. Từ đó, mọi người sẽ có niềm tin, đồng lòng với nhau.

Tôi nghĩ, mọi người cần có thêm thời gian chuẩn bị tốt hơn, kể cả về mặt y tế lẫn tâm lý, để khẳng định được việc lây nhiễm hiện nay không gây gánh nặng quá mức.

Chúng ta cũng cần có thêm đánh giá, xác định rõ, có bằng chứng cụ thể. Để tạo niềm tin, cũng cần làm từng bước chứ không thể nhất thời, không có sự tham khảo. Bởi vội vã sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, gây ra những hoang mang không đáng có trong dư luận.

Tôi nghĩ, đây cũng là thời điểm cần nhìn nhận lại để lập kế hoạch, cố gắng sớm nhất có thể cho các cháu đến trường.

Xin cảm ơn ông!