📞

Chuyến hành quân đặc biệt

20:29 | 07/05/2015
Một cuộc gặp gỡ thú vị đã diễn ra giữa Đại tá Phạm Phú Bằng và hai anh lính Pháp trong một chuyến hành quân đi bộ từ Hòa Bình lên Điện Biên Phủ....

Mùa hè năm 1998, nhận được tin nhắn của Hội cựu chiến binh lên sân bay đón hai người lính Pháp muốn hành quân lên Điện Biên Phủ với tư cách là khách du lịch, Đại tá Phạm Phú Bằng vui vẻ nhận lời. Từng là phóng viên trong chiến dịch Điện Biên Phủ lại biết tiếng Pháp, ông là người dẫn đường mà phía bạn mong đợi nhất.

Họ là các thượng sĩ của Trung đoàn Dù số 6 trực thuộc đơn vị lính thủy đánh bộ Hải quân Pháp (6eRPIMA). Là “Lính truyền thống Bigeard”, họ được giao trách nhiệm hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ để tưởng niệm vào dịp 50 năm ngày thành lập Trung đoàn. Trên chiến trường Điện Điên Phủ, tiểu đoàn Dù số 6 BPC do ông Bigeard chỉ huy đã tham gia những trận chiến ở đồi Him Lam và đồi Độc Lập, ở đường băng sân bay, ở cao điểm đồi A1.

Khi đó, Bruno Mercier và Michel Gars mới xấp xỉ tuổi 30, còn Đại tá Phạm Phú Bằng gần 70. Ông có gợi ý hai anh lính đi máy bay lên Điện Biên. Tuy nhiên, hai anh lính chấp nhận đi bộ, leo đèo, ăn thiếu, nhịn khát để xích lại gần cảnh ngộ của cha anh họ…

Sáu ngày đêm cực nhọc

Vậy là bộ ba "Việt - Pháp" xuất phát từ thị xã Hòa Bình lúc 4h45 sáng ngày 7/5/1998. Theo kế hoạch, họ sẽ phải đi bộ xen leo dốc dọc đường số 6 trong sáu ngày. Ngày đầu tiên là Dốc Cun, đèo Thung Khe, họ phải đi ròng rã dưới nắng rát 12 tiếng. Mặt trời lặn, nghỉ chân tại quán nhỏ ven đường, Bruno đề nghị với ông Bằng thu xếp để mỗi chặng cứ đến 9h sáng là đi được 25km và mỗi ngày phải lên đường lúc trời còn mát.

Đến chân đèo Pha Đin, khi gặp cô gái Thái đang chăm sóc rau đậu ven đường, Bruno Mercier tới chào, xin phép hôn tay cô gái và nói vui là “tìm thêm chút năng lượng để vượt qua con đèo 32 km dài nhất Tây Bắc”...

Chặng cuối cùng là trên cột cây số đã thấy ghi chữ "Điện Biên Phủ", nhưng để bước chân vào đất chiến trường thì cảm giác với họ vẫn còn nguyên 50km. Nhớ lại sớm hôm ấy, gà gáy 3h, Đại tá Bằng đã lặng lẽ ra giếng múc một gầu nước tạt vào thành giường của anh lính: "Phải dậy ngay, dù có mệt, phải đến "chiến trường" trước 12 giờ đêm, hoàn thành cả chỉ tiêu thời gian và chỉ tiêu cây số đường đấy!".

Đại tá Phạm Phú Bằng rót chai rượu Bordeaux xuống chân tượng đài A1.

Ông cũng biết qua nhật ký hai anh ghi về chặng cuối: "Những ngày vừa qua thực sự khó khăn cực nhọc. Chúng tôi vẫn quyết không buông xuôi tay. Có thể nhắc thêm, chúng tôi nâng lòng tự trọng khi Đại tá Phạm Phú Bằng cùng đi trên đường đèo dốc".

Và rồi Điện Biên Phủ đã hiện ra... Hai người lính Pháp nhờ ông Bằng đưa vào các rừng cây còn vết tích trận địa xưa và im lặng bày hoa, thầm đọc lời tưởng niệm đồng đội đã hy sinh. Tại đồi A1, trước đó một ngày có cơn mưa rào rất lớn làm lộ ra các vết tích chiến trận, hai anh lính vọc tay xuống bùn sỏi, nhặt những mảnh đạn, những khóa thắt lưng và xương trắng gói thành một bọc. Đó là những mảnh xương lẫn lộn của quân nhân Pháp và chiến sĩ Việt Nam. Họ nói sẽ mang tất cả kỷ vật này tặng cho Bảo tàng Trung đoàn Dù số 6, tặng cho các cựu binh Điện Biên Phủ và thân nhân của họ bên Pháp.

Bốn mươi phút khó quên

Đại tá Phạm Phú Bằng cho biết, trong kế hoạch, người Pháp còn ghi ước mong được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù chỉ một vài phút ngắn ngủi. Điều này đã trở thành hiện thực khi Đại tướng hẹn gặp hai anh thượng sĩ vào 14h ngày 18/5/1998 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, Hà Nội.

Ông Bằng kể lại, cuộc chuyện trò giữa lão tướng bách chiến của Việt Nam và hai lính trẻ thời bình của quân đội Pháp đã kéo dài tới 40 phút. Đại tướng nói chuyện bằng tiếng Pháp về khát khao tự do, về sức mạnh của nhân dân đứng dậy chống áp bức, vượt qua mọi quân đội nhà nghề.

Ở những phút cuối, Đại tướng cầm một bức thư tay tự viết bằng tiếng Pháp trao cho hai anh lính nhờ chuyển về nước Pháp, trong đó có câu: "Tôi đánh giá cao cử chỉ hòa giải của Tổng thống Mitterand khi ông đã đến thăm Điện Biên Phủ và đánh giá cao cuộc hành trình tưởng niệm vừa được thực hiện theo sáng kiến của Hội cựu chiến binh Pháp".

Xúc động nhận bức thư, hai anh lính xin phép được kính biếu Đại tướng một chai rượu vang đỏ Bordeaux. Đây là mẻ rượu sản xuất dành riêng làm quà tặng các cựu binh ở Điện Biên Phủ.

Sau chuyến đi này, Đại tá Phạm Phú Bằng cũng được họ biếu tặng một chai rượu quý ấy. Nhớ lại hôm trước trên đồi A1, ông đã thu xếp một chuyến đi tức tốc lên Điện Biên Phủ, rót hết chai rượu vang đỏ xuống chân tượng đài A1 để ghi ơn các liệt sĩ Việt Nam.

BÌNH VŨ (ghi)