Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết, cách đây 35 năm, ông vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký quyết định giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. Vinh dự hơn nữa, ông còn được chỉ định làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO 24.
Những ngày “làm quyết liệt”
Khi các lãnh đạo nhà nước có quyết định trình lên UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam đã làm ngày, làm đêm. Khi đó, trong điều kiện khó khăn, mọi người đều quyết tâm, nỗ lực hết sức để chuẩn bị cho được một đề án tốt nhất.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đeo chiếc thẻ đại biểu tham gia kỳ họp thứ 24 Đại hội đồng UNESCO năm 1987 tại Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh với nhân loại”, ngày 6/9. (Ảnh: Quang Hòa) |
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kể: “Năm 1987, Việt Nam trong giai đoạn khó khăn, kinh tế lạm phát ba con số, bị bao vây cấm vận, quan hệ ngoại giao chưa được mở rộng. Đứng trước khó khăn như vậy, làm thế nào để chúng ta có thể tranh thủ được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số các nước để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi hết sức lo lắng về việc này.
Khi nhận nhiệm vụ trước các đồng chí lãnh đạo cấp cao, chúng tôi đã khẳng định quyết tâm để Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh với đại đa số tuyệt đối. Quyết tâm được nêu lên như vậy, nhưng quả thực, trong lòng rất lo lắng. Tôi lo không biết mình có thể làm được không”.
Đặt chân tới Paris dự Hội nghị, ông Nguyễn Dy Niên tiếp xúc với những lực lượng tiến bộ của Pháp, trí thức, kiều bào của Việt Nam và đặc biệt là Ban thư ký UNESCO tại đây. Theo ông, tiếp xúc nhằm tìm cách đóng góp ý kiến, vạch ra những kế hoạch vận động thật tốt, thật hiệu quả.
Ông nhớ lại: “Cùng thời gian đó, tôi còn nhận thêm một nhiệm vụ khác, đó là Trưởng đoàn Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ thay cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Khi đang tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, tôi nhận điện rất khẩn cấp của đồng chí Phan Thị Phúc, lúc đó là Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam điện từ Paris sang nói rằng, tôi phải sang Paris gấp, vì tình hình đang rất cần, phải vận động hết sức quyết liệt. Tôi tạm gác lại công việc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc bay sang Paris. Việc làm đầu tiên của tôi ngay lúc đó là gặp Tổng giám đốc UNESCO”.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kể, Tổng giám đốc UNESCO lúc đó nguyên là Thủ tướng Senegal, một người rất có cảm tình với Việt Nam.
Ông Nguyễn Dy Niên nhớ lại: "Khi thấy vẻ tư lự, lo nghĩ của tôi, Tổng giám đốc UNESCO điềm đạm nói: 'Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là Lãnh tụ của Việt Nam mà còn là Lãnh tụ của nhân dân các nước đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do.
Cho nên ông đừng lo, các nước châu Á, Phi, các nước Mỹ La tinh đều có sự ủng hộ với Việt Nam. Những nước này chiếm đại đa số phiếu ở UNESCO nên chúng ta cần tiếp cận sớm để có sự ủng hộ tích cực'.
Khi nhận được những lời động viên của Tổng giám đốc UNESCO, tôi rất phấn chấn, tôi bàn với anh chị em trong đoàn, phải trải ra đi vận động các nước. Đúng như lời ông Tổng giám đốc UNESCO nói, các nước đều có cảm tình với Việt Nam và đặc biệt là rất quý trọng, tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Vị nguyên Bộ trưởng Ngoại giao cũng chia sẻ thêm: “Có một đại biểu châu Phi nói với tôi rằng: Chúng tôi phải cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vì các bạn không chiến đấu thắng lợi thì chúng tôi hôm nay không thể ngồi cùng với các nước tại diễn đàn này. Câu nói đó khiến chúng tôi hết sức cảm động, hết sức tin tưởng sự ủng hộ mạnh mẽ tại hội nghị lần này".
Thành quả “ngọt ngào”
Tại Hội nghị đó, Đại hội đồng UNESCO đã ra Nghị quyết số 24C/18.65 về tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và được tuyệt đại đa số ủng hộ, không phiếu trắng, không phiếu trống.
Đúng như lời tiên đoán của báo Đoàn kết (Italy), cách thời gian bỏ phiếu 18 năm: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất trên thế giới không có ai chống đối. Đây là thắng lợi vô cùng lớn với chúng tôi. Chúng tôi xúc động, cảm ơn tất cả các đại biểu đã tham dự Hội nghị”.
Theo quyết định của UNESCO, đến năm 1990 sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế lớn, trong đó 74 khách quốc tế đến từ 34 nước và có nhiều nhân chứng lịch sử là những người bạn của Bác Hồ đến dự. Hội thảo đã diễn ra thành công. Tại Paris, cũng diễn ra Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều hoạt động ở các nước khác.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh: "Phải nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản lớn vô cùng to lớn và sự mến mộ đặc biệt với nhân dân trên thế giới".
Ông khẳng định, di sản Hồ Chí Minh là kho báu để chúng ta thể hiện sự giàu có, là trí tuệ của dân tộc Việt Nam và cả nhân loại.
| Lan tỏa giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè thế giới Cuốn sách đã tập hợp một khối lượng tư liệu ảnh phong phú, sinh động cùng với những luận giải làm sáng rõ chân dung ... |
| Bộ Ngoại giao tổ chức hoạt động kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh Chuỗi sự kiện kỷ niệm đã góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách ... |
| Việt Nam đề nghị UNESCO hỗ trợ hoàn thành SDG4 về giáo dục chất lượng, biến đổi khí hậu và phát triển văn hóa Sáng 6/9, tại Ninh Bình, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã có buổi làm ... |
| Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của UNESCO Tiếp Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển văn hóa, coi văn ... |
| 8 di sản Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới Chính thức phê chuẩn tham gia Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) từ ngày 19/10/1987, ... |