📞

Chuyện hộ tịch ở Mỹ

09:32 | 04/09/2008
Tại nước Mỹ, không có chính khách hoặc quan chức nào dám nhận mình là người quản lý nhân dân và cũng không có công dân Mỹ nào chấp nhận ý thức đó. Muốn quản lý nhân dân, chỉ có phục vụ cử tri thì mới có cơ hội... Trích từ chuyện kể dưới đây của một người Mỹ gốc Hoa.

Ở đâu cuộc sống tốt, ở đó là nhà mình

 

Trong 10 năm tôi quen Surens (1997-2007), Surens đã dọn nhà 5 lần. Người Mỹ đều như vậy, không chỉ dọn nhà luôn mà hình như thích dọn nhà.

 

Khi mới đi làm, do thu nhập chưa cao, người Mỹ thường thuê căn hộ nhỏ. Khi thu nhập cao lên một chút, sẽ đổi thuê căn hộ lớn hơn. Khi có điều kiện mua nhà lại dọn đến nhà mới. Khi thu nhập tăng lên, bán nhà cũ để mua nhà mới rộng đẹp hơn. Giàu có hơn nữa thì sẽ mua nhà ở những khu có điều kiện sinh sống tốt hơn. Khi về già, nhà cửa không để lại cho con cái, mà bán đi rồi đến nhà dưỡng lão.

 

Người Mỹ cũng thay đổi việc làm tương đối nhiều. Đến thành phố khác, bang khác, thậm chí từ miền Tây sang miền Đông, đối với người Mỹ xem ra là việc rất đơn giản.

 

Tổ tiên đầu tiên người Mỹ, từ châu Âu đến Bắc Mỹ, có câu nói nổi tiếng: “Ở đâu có bánh mì, ở đó là Tổ quốc”. Người Mỹ hiện đại thừa kế tinh thần này: Ở đâu cuộc sống tốt, ở đó là nhà mình.

 

Lý do dọn nhà của người Mỹ còn nhiều nữa. Địa phương này có môi trường tốt, địa phương kia thu thuế ít hay có trường học tốt. Nhiều người cùng dân tộc với mình hay nhiều quán ăn ngon... đều có thể là lý do. Trung bình trong đời, người Mỹ dọn nhà mười mấy lần.

 

Người Mỹ rất yêu cuộc sống, rất yêu gia đình. Người đi tới đâu thì gia đình phải chuyển theo tới đó. Không có chuyện sinh sống ở hai nơi, quyết không thể vì sự nghiệp mà không để ý tới gia đình. Có thể đổi nhà cửa, nhưng vợ chồng không thể phân cư, trẻ con chưa đến tuổi trưởng thành không thể sống xa.

 

Vì thế, người Mỹ không thể hiểu nổi việc những nông dân Trung Quốc vào thành phố làm thuê mỗi năm chỉ về thăm gia đình một lần.

 

Chính quyền do dân quản

 

Vậy chính quyền quản lý thế nào? Tôi đã hỏi Surens vấn đề này.Anh rất phản cảm với khái niệm “chính quyền quản lý” và nói, ai quản lý ai? Chính quyền không quản lý công dân mà phải phục vụ công dân, phải là công dân quản lý chính quyền. “Mỗi lần tôi dọn nhà tới địa phương mới, quan chức chính quyền hoặc chính khách muốn đến nhà thăm tôi, một công dân mới đến sẽ quản lý họ”.

 

Tại nước Mỹ, không có chính khách hoặc quan chức nào dám nhận mình là người lãnh đạo, là cấp trên, là người quản lý nhân dân và cũng không có công dân Mỹ nào chấp nhận ý thức đó. Người muốn lãnh đạo nhân dân, quản lý nhân dân tuyệt đối không có cơ hội đặt chân được vào lĩnh vực chính trị, chỉ có cung cung kính kính, thực thực thà thà phục vụ cử tri thì mới có cơ hội.

 

Công dân Mỹ mỗi khi chuyển tới địa phương mới là tự động trở thành cư dân của nơi đó, hưởng quyền lợi của chính quyền nơi đó - quyền bầu cử và quyền tham gia chính trị khác, chế độ đãi ngộ phúc lợi xã hội. Chỉ cần bạn đến nơi đó, thuê nhà chẳng hạn, chính quyền địa phương sẽ chủ động tìm đến bạn, mời bạn thực thi quyền lợi như làm đăng ký cử tri, đăng ký tư cách làm người ứng cử đoàn bồi thẩm… Khi bầu cử, tổ tranh cử sẽ chủ động gửi cho bạn tư liệu tranh cử, tìm sự ủng hộ và “quản lý” của bạn.

 

Bằng lái xe là chứng minh thư

 

Vậy chính quyền nơi cư trú làm thế nào biết được bạn? Surens cho tôi biết, chính quyền các cấp ở Mỹ thu được tin tức của công dân từ DMV (Phòng xe cơ động). Người lái xe mỗi khi đến địa phương nào sau 15 ngày là phải đến DMV đăng ký, nếu không sẽ bị coi là lái xe không có bằng. Và như vậy, DMV sẽ có thông tin đầy đủ về người lái xe đến hoặc đi, chính quyền bản địa cũng biết được tình hình đi, ở của cư dân nơi mình.

 

Ở nước Mỹ, bằng lái xe là chứng minh thư. Đi máy bay trong nước phải có bằng lái, ở khách sạn cũng phải có bằng lái, phàm là những nơi cần chứng minh thư đều cần phải trình bằng lái. Những người không biết lái xe không có bằng lái thì phải làm chứng minh thư, cũng làm ở DMV.

 

Thẻ an sinh xã hội

 

Một kênh khác để chính quyền Mỹ nắm được thông tin về công dân của mình là những ghi chép an sinh xã hội. Mọi cư dân hợp pháp tại Mỹ đều có thẻ an sinh xã hội, số hiệu an sinh xã hội là duy nhất, theo mỗi con người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Công ăn việc làm, kê khai tiền lương, nộp bảo hiểm, thuế và có được an sinh xã hội hay không đều phải căn cứ vào số hiệu này, đối với người Mỹ, đó là mệnh sống.

 

Mỗi khi đến địa phương mới, người Mỹ đều phải tới cơ quan an sinh xã hội làm thủ tục thay đổi nơi ở nhằm bảo đảm sự liên hệ giữa bảo hiểm và mình không bị cắt đứt, có thể nhận được tài liệu cho mình, có sự việc gì tốt thì không bị bỏ sót. Vì thế, tình hình lưu động, biến động công tác, thu nhập, nộp thuế... đều được ghi chép kịp thời, rõ ràng, bất kể là đi đến đâu.

 

Bằng lái xe và phiếu an sinh xã hội làm cho tình hình lưu động nhân khẩu của Mỹ, quốc gia có số nhân khẩu lưu động lớn nhất trên thế giới luôn được nắm vững kịp thời. Vì thế xã hội không mất khống chế.

 

Phương Anh (theo Secretchina.com)