Quang cảnh nhìn từ trên cao của Funafuti, Tuvalu. (Nguồn: Getty Images) |
Theo Tổ chức Y tế thế giới, những quốc gia không có Covid-19 trên thế giới đang được ghi nhận là Triều Tiên, Turkmenistan và một số quốc đảo tại Thái Bình Dương, trong đó có Tuvalu...
Thiết bị bảo hộ thành hàng hiếm
Nếu khẩu trang, kính chắn giọt bắn và đồ bảo hộ đã trở thành hình ảnh rất phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay, thì ở Tuvalu, chúng lại vô cùng hiếm gặp.
Những món đồ đó chủ yếu được sử dụng bởi nhân viên sân bay hay những người làm nhân viên bốc xếp hàng hóa.
Là một trong số ít người Tuvalu phải mặc các thiết bị bảo hộ cá nhân, anh Petaia Nome biết rằng Covid-19 chỉ có thể ghé thăm đất nước nhỏ bé của mình qua những chiếc máy bay cung cấp thiết bị y tế và thực phẩm, hoặc là chuyến bay hồi hương đón những người Tuvalu mắc kẹt ở nước ngoài.
Anh Petaia Nome mặc đồ bảo hộ khi làm việc tại sân bay. (Nguồn: The Guardian) |
Anh chia sẻ: “Tôi yêu công việc của mình nhưng bây giờ với sự hiện diện của Covid-19, tôi cảm thấy không an toàn và lo lắng cho gia đình. Tôi luôn rất cẩn thận khi bốc dỡ hàng hoá và luôn đảm bảo rằng mình tuân thủ theo đúng quy trình khi cởi bỏ các thiết bị bảo hộ y tế”.
Petaia Nome cũng thể hiện niềm mong muốn được trở về nhà sau những buổi làm việc: “Ngay sau khi máy bay cất cánh, tất cả chúng tôi đều phải xét nghiệm Covid-19. Khi kết quả nhận được là âm tính, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và chỉ muốn nhanh chóng về nhà để hoàn thành nốt các công việc ở nhà rồi tận hưởng nốt quãng thời gian còn lại trong ngày”.
Những thay đổi sau sự xuất hiện đại dịch
Đường băng sân bay của quốc đảo Tuvalu nằm tại đảo san hô chính và cũng là thủ đô Funafuti. Đường băng trải dài dọc theo chiều dài của hòn đảo, rất hẹp, thậm chí chỉ rộng vài mét tại một số điểm.
Những ngư dân Tuvalu trên đảo Tepuka. (Nguồn: Getty Images) |
Khi không có máy bay hoạt động, đường băng được tận dụng trở thành sân bóng đá hoặc chỗ giặt khô của người dân. Đôi khi, mọi người còn ngủ trên đường băng khi thời tiết quá nóng bức.
Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bắt đầu, một phần của đường băng đã bị giới hạn. Nhà chứa máy bay cách sân bay khoảng 300m cũng được trưng dụng để trở thành một trung tâm cách ly có cảnh sát canh gác.
Cảnh sát trưởng Hililogo Tepou cho biết: “Bất cứ khi nào được giao nhiệm vụ canh gác cách ly tại khu vực sân bay, tôi và các đồng nghiệp luôn đảm bảo rằng sẽ tuân thủ đúng quy trình thao tác chuẩn”.
Cô nói: “Ngoài những lúc thực hiện nhiệm vụ công việc, tôi thường hay đi du ngoạn quanh hòn đảo, uống rượu, tiệc tùng với bạn bè và làm những điều mà tôi yêu thích. Tôi tin rằng Tuvalu thật may mắn khi không có ca nhiễm virus nào và chúng ta nên luôn biết ơn vì điều đó”.
Những khó khăn dù không có Covid-19
Tuvalu đã đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020 và không mở cửa trở lại kể từ đó. Điều này đã giúp quốc đảo có thời gian chuẩn bị tốt cho cuộc chiến phòng, chống Covid-19.
Tuvalu tiếp nhận vaccine Covid-19 từ Australia. (Nguồn: The Guardian) |
Hiện tại, khoảng 90% dân số là người lớn tại quốc gia này đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine và 85% trẻ em từ 12 -17 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên.
Mặc dù hầu hết người dân Tuvalu hài lòng với quyết định của chính phủ về việc đóng cửa biên giới đất nước vào đầu năm 2020, nhưng điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Trước đại dịch, có ba chuyến bay đến Tuvalu mỗi tuần vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy từ Fiji. Những người phụ nữ bán hàng thủ công mỹ nghệ địa phương sẽ kê những chiếc bàn gần sân bay để trưng bày dây chuyền, kẹp tóc, vòng hoa, chiếu nhỏ và giỏ hàng để bán.
Anita Filigina - một trong số những người phụ nữ bán hàng thủ công cho biết, cô đã từng nhận được mức thu nhập khá từ công việc bán hàng.
Cô chia sẻ: “Tôi bán đồ thủ công ngay bên ngoài nhà và ở sân bay nhưng mức thu nhập hiện đã giảm đi nhiều. May mắn thay, tôi có một công việc kinh doanh khác vì chồng tôi là một ngư dân".
De’Allande Pedro rời Fiji để quay trở lại Tuvalu. (Nguồn: The Guardian) |
Dù sao cô vẫn thấy mừng vì Tuvalu không có Covid-19: “Tôi bán cá cho mọi người mà không lo lắng gì cả vì tôi biết mọi người đến mua hàng chỗ tôi đều không bị bệnh. Tôi cảm ơn chính phủ vì đã điều hành đất nước một cách đúng đắn".
Quyết định trở về quê hương
Khi Tuvalu quyết định đóng cửa biên giới, những người Tuvalu sinh sống ở nước ngoài ngay lập tức đổ về quốc đảo.
Tháng 3/2020, De’Allande Pedro - khi đó đang là học sinh lớp 11 ở Fiji đã lên chuyến bay cuối cùng từ Fiji đến Tuvalu. Cậu trở lại Tuvalu - nơi mà cậu theo học trường trung học duy nhất tại thủ đô Funafuti.
Cậu nói: “Nhìn lại, tôi cảm thấy mình đã quyết định đúng đắn khi trở về nhà. Trường học của tôi ở Fiji đã đóng cửa gần một năm. Hiện tại, tôi đang học tại Đại học Nam Thái Bình Dương Tuvalu mà không phải lo lắng bất cứ điều gì.
Tôi được tham gia các lớp học trực tuyến vì mọi thứ đều được cung cấp trên mạng và tôi luôn có thể gặp các gia sư bản địa để hỗ trợ mình".
Một cậu bé trên đường về nhà sau khi tan học ở thủ đô Funafuti của Tuvalu. (Nguồn: The Guardian) |
Khi có thời gian rảnh rỗi, De’Allande Pedro cũng thường chơi bóng bầu dục trên đường băng, câu cá và cưỡi ngựa quanh đảo vào ban đêm.
Tiến sĩ Tapugao Falefou - Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 quốc gia, cho biết biên giới sẽ vẫn đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.
| ASEAN và các quốc đảo Thái Bình Dương thúc đẩy hợp tác lao động với Australia Ngày 10/8, tại Australia, Đại sứ Nguyễn Tất Thành, Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Canberra (ACC), đã chủ trì cuộc họp giữa Trưởng Cơ ... |
| Thiên đường nơi hạ giới Maldives và 4 quốc đảo khác bị đe dọa 'xoá sổ' Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quốc gia như Maldives, Tuvalu... Những nơi này có nguy cơ bị xóa sổ ... |