Ông lão ngồi trầm ngâm trong căn phòng nhỏ xíu. Lão có một cái tên và cả dáng người… khá “tính nữ”: Trần Văn Xuyến nhỏ thó trong bộ đồng phục đã phai màu. Sau 30 năm đứng gác cho sự bình yên của tâm hồn người bệnh, tóc lão bạc trắng và thưa thớt dần mà cái cười mỗi lúc một tươi thêm. Chẳng phải to tát gì, nhưng nhiều khi, lão cũng thấy tự hào về sự bền bỉ đáng kinh ngạc của chính mình khi đã giành hẳn ra non nửa cuộc đời trong căn phòng 8m2 bảo vệ. Đã từ rất lâu rồi, lão cảm giác, mình cũng đã hóa thành một phần không thể thiếu của cái bệnh viện Tâm thần Hà Nội này.
“Làm nghề này, điều cần nhất là chữ Nhẫn, nhẫn với bệnh nhân cũng như nhẫn với chính bản thân mình. Hầu như ai phải vào đây đều ít nhiều không kiểm soát được bản thân mình. Cảm xúc của họ lắm khi như bệnh cúm, lây lan trong không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến những người xung quanh”, lão ngẫm. Lão hiểu cũng bởi một phần, em vợ lão cũng mắc chứng bệnh này. Cả gia đình đã vất vả cho tới khi cậu đó sang bên kia thế giới.
Thì cứ như chuyện lão gặp khi mới bước vào nghề thì rõ. Ngày ấy, lão còn trẻ, mới được phục viên về viện làm. Ngồi trong căn phòng cấp bốn nhìn đời qua 3 ô cửa sổ thông thống gió một trưa cuối đông, anh thanh niên Trần Văn Xuyến bỗng thấy có 3 dáng người liêu xiêu tiến lại gần. Hai người phụ nữ đã đứng tuổi, tóc lốm đốm hoa râm đi cùng một cậu thanh niên chừng 18 tuổi, mắt kính dày cộm. Co ro trong tấm áo khoác đã bạc phếch, người đàn bà già hơn, dáng chừng là mẹ gõ cửa, bảo lão: “Cho 3 chúng tôi trú nhờ, chờ đến chiều làm thủ tục vào viện”.
Nhìn gương mặt đã tím tái đi của họ, anh thanh niên Xuyến không nỡ chối từ. Căn phòng nhỏ bỗng chốc chật kín hơi người và khẽ xôn xao lên bởi những tiếng hít hà, xuýt xoa không dứt. Vui miệng, Xuyến hỏi chuyện bệnh tật của nhóm người. Người đàn bà đứng tuổi ban nãy nhấm nháy chỉ vào cậu thanh niên đang ngơ ngẩn nhìn trời. Bỗng xoảng. Chén nước trên tay cậu bay thẳng vào tường. Mắt cậu dại dần đi và cười hềnh hệch. Đoạn, gã quay sang, lao vào hai người đàn bà cấu véo dữ dội, miệng lảm nhảm: “Cho mày chết, cho mày chết”. Xuyến không đành lòng trước cảnh ấy, máu nóng cũng bốc lên đầu. Mặc dù 2 người đàn bà vẫn đứng yên chịu trận, người đã bẩm tím, nhưng Xuyến không chịu được. Anh lao thẳng vào cái con người đã mất hết trí khôn trước mặt mình mà ghì chặt lấy. Cào cấu, cắn xẻ, đôm đốp tát, huỳnh huỵch đạp một hồi, gã nọ đã chỏng chơ ra vì mệt. Còn anh bảo vệ viện cũng xơ xác cả.
Nhưng. Người đàn bà lớn tuổi bỗng dưng bật khóc. Tiếng khóc rỉ rỉ như nỗi cô đơn đến rợn người, không dễ gì thấu hiểu được. Bà quay ra trách Xuyến: “Nó có biết gì đâu mà đánh nó”. Đoạn, bà giằng ra khỏi tay người đàn bà còn lại, lao vào Xuyến mà mắng nhiếc. Xuyến chợt hối hận vô cùng vì mình đã quá nóng giận.
Cũng từ đó, Xuyến nhận ra: Bệnh tâm thần đôi lúc làm chính những người xung quanh bị “nhiễm từ” chút ít. Bởi vậy, mới cần đặt chữ Nhẫn lên hàng đầu.
“Thường là nhìn từ xa, tôi có thể biết được, trong số những người đến, ai là bệnh nhân. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân rất đặc biệt. Họ không khác gì những người bình tình, tỉnh táo, khỏe mạnh, nhanh nhẹn” - Lão chẹp miệng.
Vừa châm lửa vào điếu cày, lão hít hà một cái cho tỉnh táo. Kinh nghiệm nhiều năm của lão chứng minh rằng, hơi thuốc chống lại cơn buồn ngủ trưa. Nói xong lão cười sang sảng, bà nhà tôi mà nghe thấy lại mắng cho té tát. Sau điếu thuốc mồi, giọng lão bỗng trở nên nhanh và sinh động hơn. Câu chuyện về một cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn đã ám ảnh lão từ rất lâu rồi. Lão cũng không nhớ tên cô ta là gì, người ở đâu. Chỉ nhớ, đó là một buổi chiều, có ba người vào viện, một người đàn ông tầm tuổi 30, phụ nữ ngoài 50 và cô gái trên 20 tuổi. Không ai có thể nghĩ rằng, cô gái trẻ bị mắc bệnh. Mọi người tưởng là hai vợ chồng cô đưa người mẹ hơi ngơ ngác đến chữa bệnh. Lão nhớ lại: “Sau khi tôi mở cửa cho mấy người họ vào bệnh viện, cô ấy còn tươi cười xin phép vào trong phòng ngồi chơi. Khi người đàn ông vào gặp bác sĩ ra, bảo đi vào khám thì cô gái bắt đầu thay đổi nét mặt. Từ một cô gái nhẹ nhàng, xinh xắn cô ta bỗng trở nên hung hãn. Vừa ra khỏi cửa, cô cầm ngay viên gạch ở bên lề đường đập vỡ hết mấy chiếc cửa kính ở phòng này”. Lão vừa chỉ những chiếc cửa vừa nói. Sau đó người nhà phải túm lấy cô ấy, bắt vào trong viện. Nghe đâu, gia đình cô ta rất khá giả, lại mới lấy chồng được hơn 1 năm. Vừa rồi, cô ta thầy chồng đi với một người phụ nữ thì đâm ghen tuông. Cũng bởi lẽ từ bé, bố đã bỏ hai mẹ con cô đi với người phụ nữ khác. Nỗi ám ảnh đó đã khiến cô ta không tự chủ được bản thân nữa.
Tình người sâu giữa vía đời nhập nhoạng
Ngồi ở nơi này mới biết, có bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười. Làm công việc ở bệnh viện đặc thù này, ngoài cẩn trọng còn phải quan sát rất kỹ, lơ là đi một chút là có thể hỏng việc. Thế rồi, lão lại châm điếu thuốc nữa, tiếng rít sòng sọc nhưng nghe êm tai. “Đã có vài trường hợp bệnh nhân trốn viện rồi đấy nhé” - Lão tiếp tục câu chuyện của mình. “Các cô chú nghĩ mà xem, bức tường cao tới trên 2m như vậy, người thường làm sao có thể trèo qua được. Bệnh nhân ở đây tài năng lắm cơ, không khác gì những vận động viên thể thao nhé, trèo nhanh và giỏi lắm”. Lão và nhiều người cũng không thể lí giải nổi, tại sao họ có sức mạnh lớn như thế. Lão kể: “Có một buổi chiều tối, tôi vừa đi xem xung quanh bệnh viện xong thì vào phòng ngồi nghỉ. Bỗng dưng anh điều dưỡng viên chạy ra báo có thanh niên đã nhảy khỏi bệnh viện. Lúc đó, chúng tôi đổ xô đi tìm. Cuối cùng, anh điều dưỡng cũng tìm và đưa được anh thanh niên đó trở về”. Thấy bảo anh ta đang lang thang bên ngoài tường thì bị bắt lại.
Ông Bá ngồi cạnh thêm vào: “Làm bảo vệ cũng phải thận trọng lắm, phải biết cương biết nhu đúng lúc”. Sở dĩ ông nói vậy bởi vì các bệnh nhân ở đây là những người mắc bệnh về tinh thần. Nếu không cẩn thận, họ có thể bị kích động và làm liều. Cách đây không lâu, một cậu thanh niên được đưa vào nhập viện trong trạng thái hoang tưởng vì học hành quá nhiều. Không hiểu lí do gì, bỗng dưng cậu ta cầm hai vỏ chai bia dọa đập vào đầu mình.
Trong trường hợp này, chúng tôi biết mình phải làm gì. Không được quát tháo, dọa nạt mà phải nhẹ nhàng khuyên bảo. Cuối cùng, sau khi đập một chiếc chai vỡ ra, cậu ta mới ngoan ngoãn theo bố vào trong viện để chữa bệnh.
Những câu chuyện như thế đến với lão đã quá nhiều. Đến nỗi, giờ nhắc lại, lão chỉ cười nhẹ không. Sau mấy chục năm canh giấc ngủ cho bệnh viện tâm thần này, lão bỗng thấy mình mềm tính hẳn. “Có lẽ bởi, giờ với tôi, ai đã vào viện cũng là bạn, là người thân cả”.
Cũng bởi thái độ ấy, nên tự lúc nào, bất kể mưa hay nắng, đêm hay ngày, căn phòng 2 gian 8m2 dành cho lão trông coi việc ra vào bệnh viện đã trở thành “nhà nghỉ chân tạm thời” cho thân nhân người bệnh. Và hầu như người nào đã từng ngồi ở đây, lão đều nhớ.
Lần thứ hai, anh T - một cán bộ quản lý lại vào ngồi nhờ phòng bảo vệ, để chờ chiều làm thủ tục nhập viện cho cậu em trai. “Lại nhờ bác một lúc rồi” - giọng anh ngại ngùng. Mười mấy năm sống cùng một người mắc bệnh này, anh hiểu rõ phải cư xử như thế nào, hiểu rõ nỗi vất vả của các cán bộ quản lý, y bác sĩ trong bệnh viện Cách đây 3 năm, anh cũng đã có mặt ở bệnh viện này khi biểu hiện của em trai nặng lên. “Chú ấy nhiều lần bỏ đi khỏi nhà rồi. Nhưng nhà có người mắc bệnh thì phải chạy chữa thôi” - Anh nói. Lần nhập viện trước, cậu em của anh T còn làm cho mọi người buồn cười vì kiểu trẻ trong người hơn 40 tuổi. Anh ta nằng nặc đòi được đưa về nhà. Cứ bám lấy anh trai như trẻ con bám mẹ đi chợ.
Lão rót chén nước cho vị khách. Ngoài trời, mưa vẫn như trút nước. Trong kí ức đã dần nhòe mờ của lão, vẫn còn hằn rất rõ những cuộc chia tay “không thể ngờ” đằng sau cổng viện.
P là một bệnh nhân khá đặc biệt với lão. Cô đã phải ra vào viện tới gần chục năm. Quen tới mức, lão Xuyến canh cổng biết rõ mặt từng thành viên trong gia đình cô. Một lần nọ, lão thấy P cùng người nhà dắt díu nhau từ khu chữa bệnh ra căn phòng của lão để chào ra về. Nhìn đôi mắt đã sáng hơn của P, lão cũng mừng thầm. P bảo: “Con chào ông con về, lần này là con về thật. Bệnh con đã khỏi hẳn rồi, không phải phiền ông nữa. Lúc nào có dịp con sẽ lại lên thăm ông”.
Được mấy tháng, đến dịp giáp Tết, bỗng lão thấy người nhà P. Gọi điện lên báo cô đã mất. Do bệnh đã thuyên giảm, nên P được ở nhà làm những việc vặt. Không ngờ, một lần bệnh tái phát, P chạy thẳng ra đường và gặp tai nạn. Lão bàng hoàng, vì không tin lần gặp kia lại là lần cuối.
Nhưng, lão bảo đó vẫn chưa phải là thứ làm lão day dứt nhất. Ám ảnh nhiều hơn là cái nhịp điệu: Vào – ra – vào – ra – vào… của rất nhiều bệnh nhân mãn tính. Do phải chữa trị lâu dài, nên trong giai đoạn đầu tiên, người nhà rất hay lên chăm sóc, thă, nom. Nhưng được 5 năm, 10 năm, 15 năm… sự xuất hiện ấy cứ thưa thớt dần. Có anh thanh niên nọ, đã thèm một chiếc bánh mỳ Scotty từ cả tháng, nhưng người nhà cũng lâu rồi không có ai thăm. Trưa nay, mặc trời mưa, anh đầu trần chạy vội ra cổng, ngóng xem có ai đi qua thì gửi mua chiếc bánh mỳ.
Lão lại hớt hải chạy ra, vì khu vực trước cổng bệnh nhân không được phép ra khi chưa có người nhà. Nhưng, khi trở về, lão chạy thẳng ra quán trước cửa viện, mang về cho chàng trai “không bình thường” và thiếu người thân ấy dăm chiếc bánh. Lão bảo: “Đau nhất là những cuộc chia ly “mãn tính” cứ thưa dần theo thời gian như thế”.
Ngồi lặng phắc trong căn phòng quen thuộc, lão Xuyến bỗng nhẩm tính đến ngày về hưu. Sẽ lại có một cuộc chia tay “không thể ngờ” dành cho anh lính già 30 năm gác viện?Theo Pháp luật & Cuộc sống