TIN LIÊN QUAN | |
Trao giải Cuộc thi Thiết kế Logo APEC Việt Nam 2017 | |
Giới thiệu Năm APEC 2017 tới các nền kinh tế thành viên |
Nói là hai thế hệ bởi sự chênh lệch về tuổi tác và kinh nghiệm giữa hai nhà thiết kế khá cách biệt. Anh Trịnh Minh Trung đã 41 tuổi trong khi Lê Minh Trí mới 23. Sự từng trải, kinh nghiệm, hiểu biết cùng với tuổi trẻ và sức sáng tạo cùng gặp nhau ở một điểm, đó là nhiệt huyết với nghề, đã làm cho công việc của họ thăng hoa và có những thành tựu được ghi nhận.
Hành trình khó khăn
Tự nhận mình thuộc “lớp già” trong đội ngũ sáng tạo, nhà thiết kế Trịnh Minh Trung cho rằng đội của anh có sự kết hợp giữa “lớp già” và “lớp trẻ”. “Mình đã thiết kế logo và bộ nhận diện APEC 2006. Nhưng nếu mình vẫn trực tiếp làm như 2006 thì tư duy lại bị ảnh hưởng từ thời đó. Trí và các bạn trẻ khác có những ý tưởng mới. Còn mình có kinh nghiệm hơn thì định hướng cho những sáng tạo ấy”.
Tác giả của logo APEC 2017 Lê Minh Trí (thứ hai từ phải) cùng đội ngũ sáng tạo. |
Hỏi kỹ vào từng chi tiết của cuộc thi Logo APEC 2017 mới vỡ lẽ, tác phẩm logo nhận giải đã từng “bị bỏ rơi”, không lọt vào vòng cuối cuộc thi, nhưng cuối cùng lại “lội ngược dòng” trở thành logo chính thức là do có sự dung hòa, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về hình thức, nội dung, ý nghĩa… của sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của đất nước trong năm nay.
“Có thể nói, đó là cả một hành trình khó khăn cho tới tận phút cuối”, anh Trung cho biết, “tham gia cuộc thi tức là đã hạn chế đi rất nhiều sức sáng tạo. Chúng tôi phải cân đo đong đếm nhiều tiêu chí, làm sao thỏa mãn được yêu cầu của số đông. Khi đưa tác phẩm ra một Hội đồng nghệ thuật tới 10 người bao gồm nhiều thành phần đại diện như: Cục Nghệ thuật, Bộ Ngoại giao, Tiểu ban Tuyên truyền Văn hóa của UBQG APEC 2017, Ban Thư ký APEC,… chúng tôi hiểu rằng, tác phẩm phải vừa đảm bảo yếu tố nghệ thuật, vừa thể hiện được nội dung và thông điệp đặc thù về chính trị của sự kiện APEC”.
Không dễ để dung hòa giữa hai yếu tố này, cuộc thi đã tạo ra những tranh luận khá gay gắt về việc lựa chọn tác phẩm tiêu biểu trong hơn 300 hồ sơ dự thi. Đơn vị tổ chức là Ủy ban Quốc gia APEC giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) chủ trì. Hội đồng thẩm định gồm những nghệ sĩ, nhà ngoại giao, chính trị gia,… có tên tuổi. Có những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực mỹ thuật cũng như đối ngoại đều có những quan điểm khắt khe riêng trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Cái khó ở đây là thiết kế logo cho sự kiện chính trị quốc tế tổ chức ở Việt Nam nên có những yêu cầu đặc biệt hơn, vì phải để người xem thấy được yếu tố chính trị kết hợp với hình ảnh Việt Nam một cách cô đọng nhất” (NTK. Trịnh Minh Trung) |
Sở dĩ logo của Lê Minh Trí được chọn là bởi nó có bản sắc Việt Nam (cách điệu của chim lạc, trống đồng, hoa sen) thể hiện được hình ảnh gắn kết của 21 nền kinh tế (21 đường nét như những tia mặt trời hoặc những cánh sen bung nở, đan xen, tiếp nối nhau theo vòng tròn đồng tâm), đồng thời tạo ra hình dạng giống như một tuốc bin phản lực cho thấy sự năng động của khu vực, đúng theo tiêu chí của sự kiện, anh Trung tiết lộ.
Thông thường, những cuộc thi như thế này không thu hút được nhiều người, theo anh Trung. Một phần vì giải thưởng có giá trị thấp hơn so với mặt bằng chung. Thứ hai, để được chọn, tác phẩm phải trải qua rất nhiều vòng nên những ai tâm huyết và thích thú thực sự mới tham gia. Lợi thế của nhà thiết kế lần này là cùng hoạt động trong một nhóm có hiểu biết và kinh nghiệm gắn bó với APEC từ năm 2006. “Chúng tôi rất muốn tham gia cuộc thi để có sự tiếp nối”, anh Trung cho biết. Cuối cùng, Ban Thư ký APEC đã “chấm” tác phẩm này.
Trăn trở về “đứa con tinh thần”
Không chỉ trong cuộc thi thiết kế logo APEC, Lê Minh Trí, Trịnh Minh Trung và nhóm sáng tạo của họ từng tham gia nhiều sự kiện chính trị và văn hóa đối ngoại lớn như Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2010, ACMECS, CLMV (2008, 2016), IPU… Cả đội ngũ đã có kinh nghiệm hoạt động và từng ghi dấu ấn tại những Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài. Họ cũng từng phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao như: Vụ UNESCO, Tổng hợp kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh (2015) (Tuần Việt Nam Discovery), Những ngày Việt Nam ở Italy (2013). Do vậy, hiểu biết về tính chất và yêu cầu của sự kiện chính là một lợi thế vượt trội, là sức mạnh chính yếu góp phần tạo nên chiến thắng.
Theo quy trình, đối với bất kỳ một tác phẩm nào, nhóm sẽ được định hướng sáng tạo. Sau đó, sẽ có một cuộc thi nội bộ, với một giải thưởng nho nhỏ. Sau khi chọn ra tác giả, tác phẩm phù hợp, gần đúng nhất với những tiêu chí cần có, cả nhóm sẽ cùng tham gia để chỉnh sửa để hoàn thiện tác phẩm cuối cùng.
Nhìn vào quy trình định hướng sáng tạo mới thấy sự công phu và tâm huyết dành cho mỗi tác phẩm là của cả tập thể chứ không chỉ dựa vào khả năng của riêng ai. Để kết hợp cô đọng được tất cả các yếu tố vào trong một hình vẽ tưởng chừng như đơn giản là cả quá trình tìm tòi, nghiên cứu kiến thức, trao đổi và rút kinh nghiệm mất nhiều thời gian. Đâu là hình ảnh Việt Nam? (Là trống đồng, nón lá, cây tre, sóng nước, phở, nem, áo dài...); đâu là yếu tố địa lý (21 nền kinh tế thể hiện khéo léo như thế nào?); đâu là sự gắn kết của một tổ chức quốc tế đa phương, các thành tố liên tưởng đến các trụ cột của APEC; làm sao chuyển tải được chủ đề của APEC năm nay (tạo động lực mới); rồi xu hướng thiết kế logo kiểu chính trị khác với văn hóa, kinh tế, doanh nghiệp, xã hội như thế nào? Thêm nữa, Việt Nam có thể học hỏi gì từ cách thể hiện logo mà các nước đã từng tổ chức APEC sử dụng (ví dụ, logo của Nga có màu cờ Nga, hình cánh buồm hướng sang phía Đông thể hiện chính sách hướng Đông của Nga; logo APEC ở Hàn Quốc 2005 nhấn mạnh thời kỳ khai thác công nghệ của họ; logo APEC ở Hawaii, Mỹ thể hiện ánh mặt trời; logo ở Australia có hình Boomerang,…). Tất cả đều được đưa ra bàn tính và được thực hiện trên nguyên tắc linh hoạt, không khiên cưỡng.
Logo APEC 2017 cũng có giai đoạn “thai nghén” và ra đời tương tự. Phương án của Lê Minh Trí đưa ra bám vào các tiêu chí gần giống với yêu cầu nhất. Tuy nhiên, không giống như vẽ logo cho doanh nghiệp hay các sự kiện văn hóa từng tham gia, Lê Minh Trí bộc bạch mình đã phải dành nhiều thời gian hơn để đào sâu suy nghĩ, tìm hiểu tính chất của sự kiện, nắm chắc và bám sát đề tài, cũng như xâu chuỗi chúng lại khi triển khai. Tác giả xác định, sản phẩm làm ra không phải chỉ thể hiện yếu tố thẩm mỹ mà còn phải nhấn mạnh được bản sắc Việt Nam và thông điệp chính trị.
Tuy đã ghi dấu thành công, nhưng tác phẩm vẫn còn để lại nhiều trăn trở cho những người thực hiện bởi không phải “đứa con tinh thần” nào cũng làm hài lòng đấng sinh thành. “Chúng tôi chưa hẳn thực sự hài lòng vì nó vẫn có thể tốt hơn, nhất là về màu sắc để khi ứng dụng lên sẽ đẹp và hiện đại hơn. Tuy nhiên, tác phẩm đã được chọn, được phê duyệt nên không thể thay đổi nữa”, anh Trung tâm sự.
Giới thiệu Năm APEC 2017 tới các nền kinh tế thành viên Sáng 2/12, tại trụ sở Ban Thư ký, Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã diễn ra buổi gặp mặt giới thiệu về năm APEC ... |
Mẫu nào sẽ được chọn làm logo của APEC 2017? Mẫu biểu trưng đoạt giải Nhất sẽ được sử dụng làm logo chính thức của Năm APEC 2017 và trong tất cả các hoạt động ... |
Khai mạc hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2016 -vwg Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2016 quy tụ 250 gian hàng của gần 200 đơn vị, doanh nghiệp của hơn 50 tỉnh ... |