📞

Chuyện ly kỳ về chiếc sừng hút nọc rắn

15:13 | 02/12/2009
Theo lương y Bình, khi có bệnh nhân bị rắn cắn, việc đầu tiên là ông sẽ dùng cưa sắt cắt sừng dinh ra một lát mỏng rồi để sát vết thương. "Kỳ lạ là khi mình đưa miếng sừng sát vết thương thì nó như nam châm hít chặt, khi hút hết độc thì nó tự rớt ra. Để giải độc cho miếng sừng đặng sử dụng lần sau thì mình đem ngâm rượu trên 45 độ. Khi miếng sừng nhả độc thì rượu trong vắt sẽ chuyển màu đục dần, đục như nước vo gạo".
Cận cảnh chiếc sừng và lương y Bình

Từ lâu, những đồn thổi về chiếc sừng con dinh có tác dụng hóa giải các loại nọc độc từ động vật, đặc biệt là nọc rắn đã thu hút sự tò mò của chúng tôi và nhiều người. Qua một số phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết ông Bùi Thanh Tùng, ngụ ấp Thới Thượng, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang hiện đang cất giữ báu vật này và đã sử dụng để cứu chữa cho nhiều người dân trong vùng bị nguy cấp do rắn độc cắn.

Đang lúc chuẩn bị hành trang đến An Giang với kỳ vọng được diện kiến "chiếc sừng hút nọc độc" kỳ lạ ấy thì chúng tôi nhận được nguồn tin, ngay giữa lòng thành phố hiện có một lương y sở hữu "vật báu" này. Cật lực lần theo nguồn tin, rồi chúng tôi cũng có được cơ hội chiêm ngưỡng chiếc sừng dinh nhuốm màu huyền hoặc ấy!

Hóa giải mọi loại nọc độc

Người sở hữu chiếc sừng dinh là lương y Nguyễn Thái Bình, 59 tuổi, trú tại 19/9D Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp. Sáng 30/11, nghe chúng tôi hỏi thăm về chiếc sừng dinh, lương y Bình tỏ ra dè dặt. Lương y Bình tâm sự: "Từng có trường hợp người ta đến thăm hỏi, nhờ chữa bệnh, xin theo học nghề và chờ lúc tôi sơ hở rinh trộm chiếc sừng. Rút kinh nghiệm thương đau nên tôi phải hỏi thật kỹ theo phương châm "cẩn tắc vô áy náy".

Dứt lời, lương y Bình vào phòng riêng lấy ra chiếc sừng dinh kỳ bí mà nhiều người khát khao được "diện kiến". Chiếc sừng dài 1 gang tay (khoảng 20cm), gồm 13 khứa, uốn con giống cán dù, màu đen tuyền. "Đây là chiếc sừng thứ 2 trong cuộc đời hoạt động ngành Y của tôi. Cái này có xuất xứ từ ở Lào. Năm 2005, do cơ duyên mà tôi mới có được nó. Lúc nguyên thủy nó dài khoảng 30cm, đem cắt chữa bệnh riết mà nó còn ngần này".

Chúng tôi hỏi về con dinh, lương y Bình thổ lộ: "Tôi chưa từng gặp con vật này bao giờ. Chỉ nghe người đời truyền miệng nó là loài động vật kiểu như con trâu nước, mọc mỗi chiếc sừng như con tê giác và đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Nghe nói loài này chuyên ăn rắn nên chiếc sừng của nó mới có tính năng kháng nọc độc của các loại mãng xà".

Chiếc sừng dinh của lương y Bình có trọng lượng khoảng 150 gam, cứng như thạch. Dù dùng hết lực nhưng chúng tôi không thể bẻ gãy... "Hồi trước tôi sống ở vùng núi của hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Sống ở rừng nên chuyện bị rắn cắn như cơm bữa. Nhờ cái sừng dinh mà tôi giúp đỡ được chính mình, người thân trong gia đình và bà con chẳng may bị rắn "đớp". Theo kinh nghiệm chữa trị cho thấy nọc rắn độc cỡ nào chiếc sừng cũng có thể hóa giải. Nọc độc của một số loài khác như bọ cạp, rết cũng bất lực trước cái sừng. Nói chung nếu ai đó chẳng may bị các loài động vật cắn truyền nọc độc một khi có chiếc sừng dinh này thì khả năng thoát khỏi bi kịch lâm nguy tính mạng cao lắm!".

Chỉ dùng để cứu người

Nhờ có chiếc sừng mà lương y Bình rất tự tin với các ca bị rắn độc cắn tìm đến. "Có người bị rắn cắn chân sưng vù như chân voi, người toàn thân tím tái, hơi thở nặng nhọc, miệng kéo đờm tính mạng như chỉ mành treo chuông nhờ chiếc sừng mà tai qua nạn khỏi". Lương y Bình, dí dỏm: "Thoát lưỡi hái tử thần, người ta cảm ơn tôi rối rít rồi đồn đại tôi cao tay nhưng kỳ thật nhờ chiếc sừng mà ra".

- Chiếc sừng hút nọc độc rắn bằng cách nào, thưa chú?

- Tôi nghe thiên hạ râm ran một số người có sừng dinh cứu chữa cho người bị rắn độc cắn bằng việc kê sừng dinh sát vết thương cho nó hút, vậy là xong. Nhưng kinh nghiệm chữa trị mà tôi học được từ cụ thân sinh và một thầy thuốc người Nùng thì bên cạnh việc đắp sừng còn phải cho bệnh nhân uống kết hợp với một số cây thuốc có tác dụng hóa giải nọc độc. Phải "ngoại công, nội kích" mới có hiệu quả!

Theo tâm tình của lương y Bình, khi có bệnh nhân bị rắn cắn, việc đầu tiên là ông sẽ dùng cưa sắt cắt sừng dinh ra một lát mỏng rồi để sát vết thương. Trong lúc chiếc sừng dinh làm nhiệm vụ hút nọc độc thì ông cấp tốc chuẩn bị một số vị thuốc cho bệnh nhân uống. "Kỳ lạ là khi mình đưa miếng sừng sát vết thương thì nó như nam châm hít chặt, khi hút hết độc thì nó tự rớt ra. Để giải độc cho miếng sừng đặng sử dụng lần sau thì mình đem ngâm rượu trên 45 độ. Khi miếng sừng nhả độc thì rượu trong vắt sẽ chuyển màu đục dần, đục như nước vo gạo".

Khi chúng tôi đề cập đến giá trị của chiếc sừng, lương y Bình đề nghị "bỏ qua chi tiết này". Ông tin tưởng, nếu chủ nhân của chiếc sừng dinh có ý định thương mại hóa vật quý thì chiếc sừng sẽ suy giảm công năng ngay.

"Sở học mênh mông, tôi chia sẻ những thông tin về chiếc sừng với những mong các lương y đồng nghiệp, nhà khoa học đưa ra kiến giải về tính năng hút nọc độc của chiếc sừng, biết đâu qua đó có thể ứng dụng, bào chế chất gì đó giúp được nhiều người hơn thì sao?".

Tâm tình đến đây, lương y Bình, lưu ý: "Hiện nay, các trung tâm y tế, bệnh viện đã điều chế huyết thanh kháng nọc rắn và nhiều loài côn trùng khác. Nếu chẳng may bị rắn cắn, bệnh nhân phải ngay lập tức vào các đơn vị này để được tiêm kháng thanh kịp thời. Chiếc sừng dinh chỉ được sử dụng lúc nguy cấp, khi bệnh nhân vì lý do nào đó không thể tiếp cận được dịch vụ y tế".Theo CAND Online