Sáng tạo là một khái niệm được nhắc đi nhắc lại, một từ không thể thiếu đối với người trẻ: Bởi vì nó có thể là làm mới cái cũ, thể hiện cá tính bản thân, tạo ra thứ khác biệt, các ý tưởng nguyên bản, cái nhìn khác về một vấn đề,... Chúng ta đang trong dòng chảy tiến bộ của rất nhiều lĩnh vực trong xã hội, và nó diễn ra không chỉ nội tại một đất nước mà còn trên toàn cầu. Công nghệ, khoa học, giáo dục, nghệ thuật, và cả văn hóa cũng vận động không ngừng nghỉ. Là thế hệ nhạy cảm nhất với mọi xu hướng đổi mới, Gen Z (những người sinh từ 1995 - 2010) liên tục tiếp thu, hội nhập, tiến tới một thế hệ với tư duy bứt phá, sáng tạo mạnh mẽ, khao khát bước khỏi vùng an toàn để chứng minh cá tính. |
Sáng tạo là một loại khả năng của con người, khi ta cố vượt ra một cách nghĩ truyền thống/một hành động lặp đi lặp lại thường ngày. Sáng tạo gắn liền với quá trình phát triển - ví dụ như phát triển ý tưởng, kế hoạch, chiến lược, chung quy là để sản sinh ra thứ mới. Thế hệ Millenials thường biết tới việc phân chia cách hoạt động của não như sau: Não trái là người giỏi khoa học, logic, còn não phải là người thiên về trực giác, giàu trí tưởng tượng. Tuy nhiên, khi đánh giá về sáng tạo, Gen Z coi nó là sự hòa hợp của mạng lưới các vùng tư duy khác nhau, và ai cũng có thể sáng tạo. Sự sáng tạo giúp bạn hiểu rõ về những thứ xung quanh mình, kết nối các quan sát, trí tưởng tượng, ứng dụng nó bằng kiến thức vốn có của mình |
‘Divergent Thinking’ được biết tới như khả năng liên kết các idea tưởng chừng như không liên quan đến nhau, và trẻ em thường làm rất tốt điều này. Nhưng, những người trẻ hiếu kì như bộ ba Hải Dương - Như Liên - Phương Thảo cũng theo đuổi một điều tương tư khi sáng tạo. |
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một bộ ảnh được đánh giá là thú vị mà cũng đầy ý nghĩa, khi nội dung của nó đã mang tới một góc độ nhìn nhận rất mới mẻ về các địa điểm du lịch văn hóa của Thủ đô. Chỉ cần nhìn lướt qua, ai cũng cảm thấy hào hứng khi các tựa game kinh điển lại trở nên gần gũi và ‘Hà Nội’ đến như vậy. Cột Cờ Hà Nội xuất hiện như trò chơi Xếp Gạch bao người mê mẩn một thời, hay Audition diễn ra ngay trên Phố Đi Bộ. Các hoạt động và bối cảnh vốn đã quen thuộc, thậm chí từ lâu không có nhiều sự đổi mới, trở lại đầy sáng tạo đã khiến cộng đồng mạng không ngớt lời khen ngợi như: “Idea quá tốt”, “Xịn quá”,... . |
Đặc biệt, trang Fanpage của Di tích Nhà Tù Hỏa Lò - đơn vị được coi là “kỳ lân” của làng Content với các nội dung thú vị giúp mang lịch sử gần hơn với giới trẻ, cũng đã chia sẻ và bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình đối với bộ ảnh này. Nhà tù Hỏa Lò xuất hiện trong bộ ảnh với trò chơi Đào Vàng, tuy nhiên, với phiên bản mới này, có vẻ thay vì phải thu gom vàng bạc, người chơi có thể thu gom các vật phẩm chứa đầy những câu chuyện của các tù binh yêu nước một thời đấu tranh oanh liệt. |
Như Liên - thành viên đảm nhận việc khai thác nội dung cho bộ ảnh chia sẻ rằng: “GenZ là một thế hệ khát khao những chất liệu sáng tạo. Trước sự vận động nhanh chóng của xã hội, áp lực đồng trang lứa, khao khát thể hiện cá tính qua từng hành động, thế hệ này luôn bị thu hút bởi thứ cảm xúc liều lĩnh đầy thú vị của tuổi trẻ. Từ bối cảnh đó, có thể thấy mỗi người - với thế giới quan đặc sắc và riêng biệt - đều đang cố gắng chọn lấy một cuộc chơi, để thách thức chính mình bước ra khỏi vòng an toàn”. Từ một hiện thực về việc mỗi người trẻ đều cố gắng chọn một cuộc chơi để bứt phá và trưởng thành, nhóm bạn trẻ là tác giả của bộ ảnh mới quyết định đưa các địa điểm Du lịch văn hóa vào lăng kính của những trò chơi quen thuộc. Sự liên kết tưởng chừng không liên quan này thực ra lại ‘liên quan không tưởng’, vì nó đến tự một sự thật trong lòng giới trẻ, chỉ là không nhiều người chú ý nhận ra. |
Bộ ảnh “Hà Nội ơi, game on!” này là một hoạt động nằm trong chuỗi dự án mang tên Vision of Hà Nội. Với dự án này, Như Liên - Hải Dương - Phương Thảo đặt ra môt vai trò lớn lao: Bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa bằng cách thúc đẩy người trẻ “Xê dịch để tìm ý tưởng khởi nghiệp”. Câu chuyện xê dịch được xác định trong phạm vi các địa điểm du lịch văn hóa ngay trong lòng Thủ đô: Bảo tàng, di tích, làng nghề truyền thống,... Đây không chỉ là các giá trị văn hóa quý giá mà còn là một thị trường đầy thú vị để các bạn trẻ khai thác ý tưởng khởi nghiệp. |
Để làm được điều này có lẽ phải giải quyết 2 câu hỏi chính: “Xê dịch' giúp người trẻ "tìm văn hóa" như thế nào?” và “Du lịch văn hóa có vai trò gì trong hành trình tìm ý tưởng khởi nghiệp”. Ngày nay, trong giai đoạn "quá nhập" văn hóa - người trẻ tiếp cận với quá nhiều nền văn hóa khác nhau do làn sóng văn hóa nước ngoài xâm nhập, ta nhận ra sự quan trọng hơn bao giờ hết của công cuộc "đi tìm văn hóa", hay cụ thể hơn là "Đi tìm du lịch văn hóa để sáng tạo". Từ việc nhấn mạnh vai trò của "văn hóa", cần cho người trẻ thấy rằng "du lịch" chính là hình thức giúp ta thu nạp các kiến thức văn hóa một cách tự nhiên và trọn vẹn nhất. Chúng ta không thể cứ mãi truyền thông, quản bá về các giá trị du lịch văn hóa giống như một thứ cần phải ‘phục hưng’, ‘bảo tồn’, khiến cho cái nhìn của đại chúng vừa tiếc thương, vừa thiếu động lực cải tiến. Do đó, cần phải đặt để các giá trị đó trong một tinh thần trẻ hơn, hữu dụng hơn, và Vision of Hà Nội đã chọn ‘Khởi nghiệp”. Khởi nghiệp đang là xu thế hiện nay, tuy nhiên không phải bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp cũng có thể tìm ra một lối đi phù hợp, một giải pháp vừa đủ sáng tạo lại vừa gần gũi để bắt đầu dự án của mình. Vì vậy, tầm nhìn của Vision of Hà Nội chính là kết nối một chuỗi giá trị bao gồm du lịch văn hóa - người trẻ khởi nghiệp và các nhà đầu tư. Chỉ có như vậy, các ý tưởng mới tiếp tục được nuôi dưỡng, cải thiện, và có khả năng trở thành hiện thực. Khi du lịch văn hóa đi vào các mô hình khởi nghiệp, nó sẽ là động lực phát triển bền vững, giá trị văn hóa trở thành công nghiệp văn hóa, mang lại giá trị kinh tế và đóng vai trò thiết yếu trong đời sống. |
Nhiều người nói rằng, giới trẻ đã dần quên đi các giá trị văn hóa truyền thống. Thật ra, làm sao có thể quên đi khi họ chưa từng nhớ tới, hoặc ít nhận ra sự hiện diện của nó trong đời sống hàng ngày? Cần phải nhận thức rằng, có một mối đứt gãy giữa người trẻ bản địa và các giá trị du lịch văn hóa Thủ đô, và trách nhiệm của Vision of Hà Nội chính là hàn gắn mối đứt gãy đó. |
Để nói một cách dễ hiểu, ‘ngón chân út’ là một ví dụ điển hình cho việc vì sao tính hữu dụng lại là yếu tố “sống còn” trong việc duy trì một giá trị. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, ngón chân út của con người đang có xu hướng ngày càng nhỏ đi, và thậm chí là móng chân út của nhiều người đã sớm tiêu biến dần hoặc không có ngay từ nhỏ. Văn hóa truyền thống nói chung và các địa điểm du lịch văn hóa Hà Nội nói riêng cũng đối mặt với một nguy cơ tương tư: Nếu không đóng một vai trò hữu dụng nào đó, thì nó cũng sẽ mất dần độ hiện diện, đặc biệt là với thế hệ “giải trí ăn liền” như Gen Z. Để nói về Vision of Hà Nội, nhóm bạn trẻ hiện là sinh viên trường Báo thể hiện một lòng quyết tâm lớn lao về việc quảng bá Hà Nội sáng tạo dưới góc độ một “Kinh đô khởi nghiệp”, là miền đất hứa của những ước mơ, là cái nôi của các ý tưởng vận dụng sáng tạo, và là trung tâm văn hóa của đất nước. |
Khi triển khai một ý tưởng khởi nghiệp, hay bất kì một dự án thú vị nào đó trong thời buổi kinh tế thị trường, chúng ta luôn sợ “cạnh tranh”. Quan trọng nhất chính là phải tìm được những lợi thế cạnh tranh khác biệt với đối thủ, các sản phẩm và thương hiệu cần có chỗ đứng với các thế mạnh riêng. Giữa một đại dương xanh đó, “giá trị văn hóa bản địa” chính là một kim chỉ nam để ta có các thành quả sáng tạo nguyên bản được đánh giá cao. Có lẽ ví dụ điển hình chính là cách mà hãng giày Biti’s Hunter đã trở lại và cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường nội địa, không kém cạnh gì Adidas hay Nike - các gã khổng lồ từ nước ngoài. Biti’s cũng kể câu chuyện người trẻ và những chuyến đi, hay sáng tạo chiến dịch quảng bá từ các giá trị văn hóa đường phố thành thị Hà Nội. |
Vision of Hà Nội phát triển một bài Test tính cách để giúp kết nối người trẻ thủ đô với việc du lịch văn hóa nội địa |
Và từ kết quả bài Test , Vision of Hà Nội sẽ gợi ý cho bạn về một dự án/ý tưởng khởi nghiệp liên quan tới du lịch văn hóa hợp với tính cách của bạn nhằm truyền cảm hứng |
Những người có tính cách nghệ sĩ sẽ được truyền cảm hứng từ việc Vụn Art đã giúp người yếu thế có công việc dựa trên các chất liệu vải vụn của Làng lụa Vạn Phúc |
Những ai có chút hoài niệm, chắc chắn sẽ hào hứng với cách mà đội ngữ Content trẻ đã thay đổi bộ mặt cho Di tích Nhà tù Hỏa Lò |
Vision of Hà Nội mong muốn quảng bá Hà Nội sáng tạo dưới góc độ một “Kinh đô khởi nghiệp”, là miền đất hứa của những ước mơ, là cái nôi của các ý tưởng vận dụng sáng tạo, và là trung tâm văn hóa của đất nước. Không chỉ là quảng bá cho một danh hiệu cao quý mà Thủ đô được UNESCO trao tặng, nhóm dự án cũng muốn lồng ghép và truyền thông song song cho những đề án của Chính phủ, về tầm nhìn đưa Hà Nội thành “Thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” vào năm 2025, với những mô hình mới, kết hợp công nghệ, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, là giáo dục sáng tạo, truyền cảm hứng cho giới trẻ lập nghiệp, sáng tạo trên các giá trị du lịch văn hóa Hà Nội. Thử nghĩ, nếu trong những cái tên tiến ra toàn cầu, có một doanh nghiệp lấy chất liệu từ du lịch văn hóa Thủ đô, sẽ là nguồn cảm hứng lớn cho nhiều thế hệ trẻ về sau. |
Trong chuỗi chương trình Workshop ‘Đi tìm sáng tạo - Khởi nghiệp bứt phá” được Vision of Hà Nội tổ chức, ông Quân Idea - diễn giả chương trình - đã chia sẻ rằng “Văn hóa bản địa luôn là giá trị dễ tiếp cận đại chúng nhất, vì văn hóa là tài sản chung, thân thuộc với mọi người. Những sản phẩm đi từ văn hóa, là những thứ có thị trường đại chúng đầy tiềm năng”. |
Không chỉ chia sẻ về khởi nghiệp, chương trình còn tạo cơ hội 2 nhóm dự án nhỏ có ý tưởng kinh doanh từ du lịch văn hóa Hà Nội được pitching giả định với nhà đầu tư. |
Chuỗi Workshop 2 buổi thu hút hơn 200 người tham gia, đến từ 20 CLB Khởi nghiệp trên toàn địa bàn Hà Nội. Các bạn cũng được lắng nghe từ các diễn giả kì cựu như chị Trang Trịnh - Sáng lập dự án “Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống” và câu chuyện khai thác chất liệu văn hóa của các thương hiệu lớn trên thế giới. Hay như MyHanoi là một tổ chức phi lợi nhuận duy trì và phát triển các giá trị văn hóa Hà Nội - đã khai thác và tạo ra các trải nghiệm văn hóa như thế nào, để dự án vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế duy trì tổ chức (không phải lợi nhuận). |
Dù được tổ chức với hình thức online, chương trình vẫn diễn ra tốt đẹp và truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ xê dịch, đi khám phá các giá trị Du lịch văn hóa Hà Nội, từ đó sáng tạo nhiều ý tưởng bứt phá |
Hà Nội là một mảnh đất có bề dày văn hóa, đặc biệt là từng địa điểm du lịch văn hóa có một vai trò đặc biệt làm nên danh xưng “Thành phố sáng tạo về Thiết kế” được UNESCO trao tặng năm 2019. Mỗi một đơn vị lại là một viên ngọc đóng góp vào tấm bản đồ văn hóa đồ sộ của Thủ đô. Nhưng sau cùng, hãy cùng hy vọng rằng tấm bản đồ này sẽ dẫn ta tới nhiều kho báu có giá trị bền vững, tạo ra kinh tế, nuôi dưỡng những con người sáng tạo trong một Thành phố sáng tạo. Du lịch văn hóa Hà Nội là một cuộc chơi đầy thú vị, chắc chắn đang chờ người trẻ khám phá và để lại bước chân bứt phá! |
Bài dự thi Cuộc thi Nhà Truyền Thông Tài Ba - IC Master Tác giả: Nhóm Bún Bò |