Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam tiếp vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân tại Hà Nội, ngày 20/1. |
Đó là Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc - cặp đôi từng được ví là “hai đôi mắt mê say cùng nhìn về một hướng”. Tôi may mắn có dịp trò chuyện cùng Giáo sư Lê Kim Ngọc trong chuyến trở về Việt Nam của ông bà vừa qua, nhằm chuẩn bị cho những hoạt động mà ông bà và Hội Gặp gỡ Việt Nam dự định thực hiện tại quê nhà.
Ở tuổi tám mươi, mái tóc trắng cước, bà Lê Kim Ngọc – trong dáng dấp mảnh mai thường thấy của một người phụ nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long, cười: “Vì nhìn về một hướng nên không còn thời gian nhìn nhau mà cãi lộn nữa”. Cách nói khiêm tốn, nhẹ nhàng nhưng đủ để người nghe cảm nhận được rằng, những hoài bão lớn lao, đẹp đẽ đã khiến cho ở giữa hai con người này có một điều gì đó còn vượt lên trên cả tình yêu và tình nghĩa vợ chồng. Họ giống như hai người bạn lớn của nhau.
Với giọng nói đặc chất Nam Bộ, bà Kim Ngọc nhẹ nhàng chia sẻ về cuộc sống và công việc của ông bà. Sáng dậy sớm như nông dân Việt Nam, nhưng làm việc đến khuya và đi ngủ muộn như trí thức phương Tây. Ít ai tin rằng, ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân vẫn tất bật làm việc đến quên thời gian, vẫn đưa cháu đến trường, vẫn đứng ngoài phố lạnh -17 đến -18 độ để bán thiệp Giáng sinh…
Bà Kim Ngọc chia sẻ: “Từ hồi năm 70, khi con cô mới một tuổi cô đã đi bán thiệp rồi mà. Hồi đó, cô rủ bạn bè làm chung, rồi khi bán thì mình giải thích cho người ta hiểu là mình bán thiệp để lấy tiền giúp các em nhỏ ở Việt Nam đó. Họ mua rồi họ lại quay lại mua tiếp”.
Cứ thế, ngót nửa thế kỷ nay, hoạt động bán thiệp Giáng sinh gây quỹ từ thiện vẫn được vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân duy trì đều đặn. Mỗi dịp Giáng sinh, tầng trệt căn nhà nhỏ của vợ chồng Giáo sư trở thành kho chứa các tấm thiệp được in ấn để bán trên phố trong suốt mấy tháng cuối năm.
Ngày nay, sự bùng nổ của Internet và những tiện ích của nó khiến cho việc bán thiệp gây quỹ của ông bà không có được nguồn thu như trước nữa, nhưng lý do hoạt động này vẫn được duy trì lại giản dị như chính những người sáng lập ra nó: “Bán giờ không có thu được nhiều tiền đâu. Nhưng mà mình vẫn ra đó đứng bán, để tất cả những người từng giúp đỡ mình biết là hoạt động này vẫn đang tiếp diễn”.
Chị Minh Hòa, người luôn ở bên cạnh hỗ trợ mỗi khi vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân về Việt Nam, cho biết: “Với hai bác, mỗi lần về quê hương là để tranh thủ làm việc. Nếu có ai đến căn nhà của hai bác ở Paris thì sẽ không hiểu vì sao Giáo sư nổi tiếng lại sống đơn sơ đến thế. Nhưng hai ông bà là vậy, tằn tiện từng chút một để có bao nhiêu tiền lại mang đi giúp trẻ mồ côi”.
Giáo sư Kim Ngọc nhớ lại: “Năm 1970, chúng tui nghĩ giặc dã thì đất nước mình sẽ có trẻ mồ côi. Vậy là đi bán thiệp, gom tiền, kêu bạn bè giúp làm cái làng SOS ở Đà Lạt đó”. Với suy nghĩ thực tế, cách làm giản dị ấy đã dẫn đến sự ra đời của lần lượt các làng trẻ SOS ở Đồng Hới, Huế… sau đó.
Thật khó có thể tin được sức làm việc của hai vị giáo sư tuổi đã cao lại có thể dẻo dai, bền bỉ đến vậy. Ở nhà ông bà, các con thương bố mẹ, các cháu thương ông bà nhưng không làm sao cản được ông bà làm việc miệt mài, ngày đêm. Nhiều lần giận quá, con gái ông bà la lên: “Mấy đứa mồ côi ngày xưa chúng lớn hết rồi, sao ba mẹ xây thêm làng SOS nữa chi?”. Ông bà lại cười hiền: “Xã hội nào mà hết trẻ mồ côi. Đâu chỉ có chiến tranh mới khiến chúng mồ côi?”.
Đứa cháu ngoại năm tuổi thì có lần đã mang máy tính của ông đi giấu với lời giải thích ngây ngô: “Con giấu máy tính đi để ông không làm việc nữa”.
Vợ chồng Giáo sư có tất cả sáu đứa cháu ngoại thì năm nào các cháu cũng được bố mẹ cho về Việt Nam nghỉ hè, học tiếng Việt, đi học võ, học thư pháp, đánh trống Tây Sơn... Cả sáu đứa đều được cha mẹ đặt tên Việt Nam với tên đệm là Thanh và Kim, như tên đệm của ông bà. Có lần, đứa cháu kể với ông bà: “Ở trường, các bạn phàn nàn tên con khó gọi, nhưng các bạn sẽ phải tập để gọi được tên con chứ con không đổi tên để các bạn dễ gọi được”.
Nhắc đến Tết, bà Kim Ngọc bảo: “Cô chưa khi nào ăn Tết ở Việt Nam. Ngày Tết ở Tây nghỉ thì cô lên máy bay về Việt Nam. Ngày Tết ở Việt Nam thì cô lại về Pháp vì cô muốn những cộng sự của mình dành ngày Tết cho gia đình họ. Tết ở Pháp cô cũng kêu mấy em sinh viên tới nhà gói bánh chưng hay thứ Bảy, Chủ nhật nào đó con gái cô gom cả gia đình lại để liên hoan chứ không tổ chức đúng ngày Tết của Việt Nam được. Làm riết rồi cô quên cả Giáng sinh, quên cả Tết là thứ mấy trong tuần”.
Ngày 20/1, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã tiếp Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân của ông - Giáo sư Lê Kim Ngọc tại trụ sở Bộ Ngoại giao. Giáo sư Trần Thanh Vân đã thông tin về các sự kiện mà ông và Hội Gặp gỡ Việt Nam dự định thực hiện tại Việt Nam năm 2015 liên quan đến các dự án Tổ hợp “Không gian khoa học”, “Đô thị Khoa học” tại tỉnh Bình Định. |
Liên Châu