Theo Đại sứ, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Bỉ lần này có ý nghĩa rất quan trọng, vì là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam tới Bỉ kể từ 2015.
Những người bạn tốt
Đây là cơ hội tốt để lãnh đạo hai nước chia sẻ những ý tưởng về phát triển quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế. Qua chuyến thăm, chúng tôi mong quan hệ song phương ngày càng được đẩy mạnh. Việt Nam và Bỉ luôn luôn là những người bạn tốt, các nhà đầu tư của Bỉ cũng rất chú trọng đến thị trường Việt Nam. Hiện tại, tổng đầu tư của Bỉ vào Việt Nam là 900 triệu USD. Chúng tôi cũng muốn giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn nữa trong lĩnh vực hợp tác phát triển. Việt Nam đang là quốc gia có mức thu nhập trung bình, do đó, chúng ta đang dần trở thành những đối tác ngang hàng của nhau, cùng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh và giáo dục. Có khoảng 2.000 cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Bỉ và đã trở lại Việt Nam để tiếp tục làm việc và cống hiến, nổi bật trong đó là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Đại sứ Bỉ Paul Jansen sau Lễ trình Thư ủy nhiệm, ngày 16/10/2018. |
Năm 2019, khi Bỉ chính thức trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), chúng tôi sẽ ủng hộ hết mình để Việt Nam được bầu chọn làm thành viên không thường trực của HĐBA LHQ giai đoạn 2020-2021. Từ đó, hai nước sẽ có nhiều cơ hội để kết thân và hoạt động cùng nhau nhiều hơn trong các hoạt động của LHQ, giúp đẩy mạnh quan hệ song phương của hai nước lên một tầm cao mới.
Thị trường tiềm năng
Bỉ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp Việt Nam thúc đẩy một nền nông nghiệp sạch với quy trình về an toàn thực phẩm.
Tôi cho rằng, Việt Nam đang có một nền nông nghiệp phát triển đúng hướng. Bản thân tôi cũng mong muốn thấy được các loại hoa quả Việt Nam xuất hiện tại thị trường châu Âu, bởi chúng tôi không thể tự trồng được các loại hoa quả nhiệt đới, ví dụ như thanh long. Tôi chưa từng biết loại trái cây này cho đến khi tới Việt Nam và tôi cho rằng Việt Nam nên chú ý đến loại quả này và xuất khẩu chúng sang thị trường châu Âu. Bỉ là quốc gia nổi tiếng với những thanh chocolate, vậy nên chúng tôi cũng rất muốn đẩy mạnh nhập khẩu hạt cacao Việt Nam.
Không những vậy, các tổ chức phi chính phủ tại Bỉ cũng đang làm việc rất sát sao với các nông dân Việt Nam nhằm giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu và các chất hóa học để hướng đến một nền nông nghiệp Việt “xanh” hơn. Nói chung, tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Bỉ là rất lớn.
Không chỉ thị trường Việt Nam, với Bỉ, ASEAN cũng là một thị trường lớn với nhiều tiềm năng. Nhận ra được điều đó, không chỉ riêng Bỉ mà cả khối EU đều muốn được hợp tác với thị trường này. Đó là lý do vì sao EU đang thúc đẩy và hoàn thành việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các thành viên ASEAN, trong đó Việt Nam và Singapore là những quốc gia đầu tiên.
Bản thân việc là nước thành viên châu Á duy nhất được đề cử vào HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và sẽ nắm chức Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cho thấy được vai trò và năng lực của mình trên trường quốc tế, nhận được nhiều sự ủng hộ và tín nhiệm cao từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Bỉ cũng mong muốn được đẩy mạnh quan hệ song phương với Việt Nam, và hơn hết là thông qua đó thúc đẩy quan hệ giữa EU và ASEAN.