📞

Chuyện về một nhóm kiến trúc sư trẻ có tâm

07:00 | 26/02/2017
Chuyện xảy ra khá lâu. Cách đây hơn chục năm, Quỹ Đan Mạch phát triển, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch của chúng tôi rất hồ hởi được đóng góp vào hoạt động của một nhóm kiến trúc sư trẻ đầy nhiệt tình, muốn tham gia vào việc xây dựng xã hội qua kiến trúc. Đây là điều khá hiếm, nhất là đối với thanh niên trong hoàn cảnh xã hội tiêu thụ, chạy theo đồng tiền. 

Tục ngữ có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (cùng một thứ tiếng thì đáp lại nhau, có ý chí giống nhau thì tìm nhau). Một nhóm kiến trúc sư trẻ cả Bắc lẫn Nam tập hợp thành nhóm vì họ giống nhau nhiều mặt: tuổi đời của họ đều trên dưới 30, tiền không nhiều nhưng nhiệt huyết có thừa. Họ đặt tên nhóm là “1 + 1 > 1” vì họ tin là muốn làm được việc, một người không đủ sức hoạt động riêng lẻ: một người cộng với một người thì có hiệu quả hơn là đứng một mình.

Họ có 8 người: Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Trịnh Toàn Thắng, Nguyễn Hoàng Hưng, Nguyễn Trí Thành, Phạm Trung Hiếu, Nguyễn Trần Liêm và Đoàn Ký Thành.

Hậu sinh khả úy! Tuy mới vào nghề, họ đã chiếm được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế: giải thưởng của Hội kiến trúc sư quốc tế UIA; giải thưởng đặc biệt tại Bienale kiến trúc quốc tế, Hội kiến trúc sư Bungari và UIA; giải của Hội kiến trúc sư Việt Nam cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc; giải của hãng Rotting, của Công ty ADC…

Một công trình kiến trúc của nhóm.

Mặc dù, sự công nhận quốc gia và quốc tế là quí báu, nhóm “1 + 1 > 1” không cho thế là đủ. Bị hạn chế bởi những điều kiện khách quan ngặt nghèo trong việc thực hiện các ý đồ của mình, họ khao khát được công bố rộng rãi những đồ án… trong giới kiến trúc và trong công chúng toàn quốc. Những cuộc triển lãm lưu động sẽ phần nào nói lên những trăn trở, suy nghĩ của lớp kiến trúc sư trẻ về tương lai kiến trúc dân tộc, trong đó có những sáng tạo độc đáo, mạnh dạn, bất ngờ. Họ muốn mở một cuộc đối thoại thẳng thắn với đồng nghiệp và cả với nhân dân là đối tác hưởng thụ công trình xây dựng. Họ muốn được phê phán, đánh giá một cách vô tư để có thể vững lòng tiến lên.

Sau 80 năm Pháp đô hộ, chỉ có một nhóm kiến trúc sư ít ỏi được đào tạo ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nước Việt Nam độc lập sau Cách mạng 1945. Ba mươi năm chiến tranh không thuận lợi cho công trình xây dựng. Trong những thành thị miền Bắc cũng như miền Nam, vào những năm 1950 -1970, các kiến trúc sư Việt Nam đã xây dựng được một số công trình. Nhưng chỉ từ sau 1975, tái thiết và xây dựng mới thực sự đặt ra những vấn đề cấp bách và toàn diện cho đất nước thống nhất.

Những băn khoăn của kiến trúc cũng là nỗi day dứt chung của văn hóa Việt Nam vào thời đại toàn cầu hóa: hiện đại hóa mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc, phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa xã hội.

Những đề tài mà nhóm “1 + 1 > 1” lựa chọn mang đậm tính xã hội và rất thời sự: nhà ở vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long; giải pháp bảo tồn và đổi mới khu phố cổ Hà Nội để dân nghèo khỏi bị loại đi nơi khác mà lại làm ăn tốt hơn; đổi mới làng nghề cho môi trường truyền thống và thiên nhiên được bảo vệ; tiếp biến văn hóa cổ truyền và phương Tây; cải tạo Hỏa Lò - Hà Nội thành quảng trường của hòa bình, khoan dung và hữu nghị…

Nguyện vọng thiết tha của nhóm là được sửa chữa, sưu tập và giới thiệu một cách có hệ thống những đồ án trên bằng cách in một vựng tập và mở cuộc triển lãm Xã hội qua lăng kính kiến trúc sư trẻ. Nguyện vọng này được giới kiến trúc ủng hộ, trong đó có Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Thực Luyện và quyền Hiệu trưởng trường ĐHKT Trịnh Hồng Đoàn.