“Búi tóc buộc cao thế này, anh thấy cô nhà báo này có giống cô gái Lào ko?” - họa sỹ Phạm Lực nói với người bạn đồng niên - họa sỹ Bằng Lâm, ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với chúng tôi. Anh Bằng Lâm gật đầu: “Ừ giống! Lại sắp kỷ niệm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào, bạn làm mình càng nhớ các bạn Lào rồi đấy! Thấm thoắt đã 42 năm trôi qua...”. Và cứ thế, tôi đã may mắn được nghe những câu chuyện của hai họa sỹ nổi tiếng kể về một thời hoa lửa của các anh, cầm bút vẽ giữa cuộc chiến khốc liệt.
“Ăn cơm Bắc - đánh giặc Nam - ở đất Lào”
Khi nhắc đến Chiến dịch Đường 9, những câu chuyện còn in đậm trong trái tim hai họa sỹ về một thời “Đông Dương là một chiến trường”, “chung chiến hào đánh Mỹ” sánh vai với các bạn Lào, thấm đẫm tình hữu nghị.
Họa sỹ Phạm Lực bên một tác phẩm của mình. (Ảnh :MH) |
Họa sỹ Phạm Lực nhớ lại: “Bộ đội Việt Nam đi đến đâu người Lào chiều lắm. Cơm nếp nương người Lào lúc nào cũng có. Chiều đi vẽ về bà con thường để sẵn thức ăn cho rồi. Nhớ lại cái thời đó, càng thấm câu: “Ăn cơm Bắc - đánh giặc Nam - ở đất Lào. Tình nghĩa Việt - Lào nhờ đó mà càng trở nên bền chặt”.
“Khi ấy, trên chiến trường Lào, quân đội Việt Nam đã cùng với lực lượng vũ trang Lào đẩy mạnh hoạt động tác chiến, thực hành tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; giải phóng được một số vùng thuộc phía Đông Cao nguyên Bolaven, Bắc Luang Prabang và ở Cánh Đồng Chum. Đáng nhớ là quân đội hai nước đã đánh bại hoàn toàn cuộc “Hành quân Lam Sơn 719” sang khu vực Đường 9 - Nam Lào. Các lực lượng cách mạng trên ba chiến trường Nam Việt Nam, Lào và Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong mọi hoạt động, tạo điều kiện cho nhau và cùng nhau giành thắng lợi to lớn” - họa sỹ, đại tá Bằng Lâm kể lại với giọng hân hoan.
“Đặc biệt Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào cho thấy sự phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị bộ đội Việt Nam với các đơn vị bộ đội Pathet Lào thuộc Quân khu Nam Lào. Ta và bạn đã sát cánh chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch hòng chiếm Sê Pôn - mục tiêu then chốt của cuộc “Hành quân Lam Sơn 719”. Thắng lợi trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào là chiến công chung, thấm đẫm tình đoàn kết chiến đấu keo sơn của quân và dân hai nước Việt Nam – Lào”. Khi đó chúng tôi đi đến đâu là phác họa sự kiện và chân dung đến đó, như là cách chúng tôi viết nhật ký cho riêng mình, họa sỹ Phạm Lực kể.
Tất cả còn nhớ cái ngày ở Đường 9 - Nam Lào, tháng 2/1971, bằng trận tiến công hiệp đồng binh chủng, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ và toàn bộ Ban tham mưu lữ đoàn của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cả chiến dịch vui như Tết! Sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào, hai họa sỹ Phạm Lực và Bằng Lâm được cử xuống quân khu dạy vẽ cho các chiến sỹ yêu hội họa ở quân khu IV và tình bạn thân thiết giữa hai anh bền chặt từ đó đến giờ.
Sắc màu của Lào qua nét cọ họa sỹ Việt
Họa sỹ Bằng Lâm sinh năm 1944, tại Thái Lan, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từng được vinh dự đón Bác Hồ đến ở và làm việc. Ngay sau khi Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào năm 1965, Bằng Lâm đã nhập ngũ. Anh tham gia chiến đấu ở Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 102 thuộc Sư đoàn 308 nổi tiếng trong chiến trường Đường 9 - Khe Sanh. Tiếp đó ông là họa sỹ Tổng cục Chính trị, Đoàn 559, rồi Trợ lý Tuyên huấn Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân. Mang quân hàm Đại tá, họa sỹ Bằng Lâm còn là nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện ông là Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào.
Trong bộ quân phục hải quân trắng, nếu họa sỹ Phạm Lực không nói, tôi hẳn không thể hình dung họa sỹ Bằng Lâm không chỉ một chiến sỹ kiên cường trên chiến trường miền Nam thân yêu mà còn là một nghệ sỹ tài hoa trên chiến trường nước bạn Lào hoa lửa.
Họa sỹ - Đại tá Bằng Lâm (trái) và họa sỹ Phạm Lực chia sẻ kỉ niệm về bức phác họa về người dân quân Lào . (Ảnh: MH) |
"Anh Bằng Lâm là tay vẽ cừ. Chỉ vài nét chì hay bút sắt giản lược và chắc khỏe, anh ấy đã phác họa được hơi thở của cuộc chiến, những cảnh hành quân giữa thiên nhiên rộng lớn... Anh múa cọ chút là đã khái quát được toàn cảnh, dựng cảnh, dựng người đâu ra đấy. Những bức tranh thuốc nước, bột màu của anh đẹp và gợi cảm. Từ miền Nam, anh gửi ra Bắc nhiều tác phẩm ký họa, thuốc nước, được trưng bày trong các triển lãm và giới thiệu trên các báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội như Tù binh ngụy trên đồi không tên, Dũng sỹ diệt Mỹ Bình - Trị Thiên..." - họa sỹ Phạm Lực cho biết. Đặc biệt, số những tác phẩm của họa sỹ Bằng Lâm, anh mê nhất bức Xe tăng 555 của Quân đội giải phóng nhân dân Lào chuẩn bị xuất kích.
Dường như nghe người bạn thân lâu năm nói quá nhiều về mình, họa sỹ Bằng Lâm quay sang bảo: “Cậu có phải là tay vừa đâu!?”. Rồi ông kể: “Không phải bỗng dưng người ta mệnh danh họa sỹ Phạm Lực là "Van Gogh của Việt Nam". Cậu ấy vẽ tranh từ khi lên 5 tuổi, vẽ khỏe và hăng say lao động nghệ thuật”.
Sinh cùng năm với họa sỹ Bằng Lâm, họa sỹ Phạm Lực học trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1960 - 1965). Sau khi ra trường, ông nhập ngũ và vào chiến trường miền Nam. Phạm Lực trở lại học tập và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1977. Ông gia nhập quân ngũ suốt 35 năm, chiến đấu ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), rồi đi khắp các chiến trường Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Nam Lào...
Là một trong nhưng họa sỹ nổi tiếng của Việt Nam, những triển lãm của của họa sỹ Phạm Lực nhiều không đếm xuể. Ông cũng từng mở triển lãm cá nhân ở nhiều nước trên thế giới. Nói về Phạm Lực, họa sỹ Bằng Lâm chia sẻ: “Ở cậu ấy, người ta dường như thấy có một sức hút và sự lan tỏa cảm xúc về cái đẹp một cách mãnh liệt. Chơi và vẽ với nhau, nên nhiều đôi khi với những phá cách của cậu ấy, chủ yếu để phục vụ "nghệ thuật ý niệm", “lây” sang mình. Cậu ấy cũng là người truyền cảm hứng cho một nhà sư Bua-ngân Phi-ma-chắc của Lào, sau này trở thành họa sỹ và hiện đang giữ cương vị là Cục phó Cục Mỹ thuật (Bộ Thông tin Văn hóa Lào).
Thấy tôi chăm chú ngắm nghía bức phác thảo về anh dân quân Lào ở Savannakhet đang ngồi tựa bên khẩu AK, họa sỹ Bằng Lâm giải thích: “Những bức phác họa sống động này ai mà biết được lại được vẽ bằng bút tự chế mà đẹp hơn cả bút dạ bây giờ. Hồi đó chúng tôi toàn lấy ống tiêm thú y, cắt đầu đi, mua thuốc nhuộm đen rót vào để vẽ ký họa!”
Đặc biệt, những tác phẩm 'đóng đinh' thương hiệu Phạm Lực trong làng hội hoạ Việt Nam là những bức ký hoạ chân thực trong cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chất liệu bao tải đựng lương thực được làm bằng sợi đay hoặc sợi dù. Đó là những tác phẩm về những tán rừng Trường Sơn, trận chiến Hàm Rồng hay những vẻ đẹp thuần khiết, mạnh mẽ của các chiến sỹ qua bản Lào đến những tâm trạng, số phận mất mát sau cuộc chiến… Những tác phẩm này hiện được các bảo tàng và nhiều nhà sưu tập lưu giữ. Bên cạnh đó, ít người biết có những tác phẩm của họa sỹ Phạm Lực, tuy không còn được lưu giữ nhưng đã trở thành dấu son trong lòng những họa sỹ, và những bạn bè Việt – Lào.
Bên tách trà sen tại xưởng vẽ Nghi Tàm (Hà Nội) của họa sỹ Phạm Lực, nhìn cái cách các họa sỹ khiêm tốn, trân trọng nhau và tấm lòng luôn rộng mở với tình hữu nghị sâu sắc dành cho nước bạn Lào anh em, tôi thầm cảm ơn các anh - những tấm gương sáng cho thế hệ chúng tôi noi theo. Trong làn gió Hồ Tây mát lành giữa mùa Hạ, hương trà sen đang tỏa bay...
| Giao lưu tăng cường tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào tại Hoa Kỳ TGVN. Ngày 22/6, nhận lời mời của Đại sứ Lào tại Hoa Kỳ Khamphan Anlavan, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc ... |
| Mãi mãi giữ gìn, vun đắp phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào Tối 24/2, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng Bí ... |
| Những dấu chân của tình cảm đặc biệt Việt - Lào Đến Việt Nam vào những ngày cuối năm, Đoàn cán bộ Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam và cán bộ Bảo tàng ... |