Toàn cảnh Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”. (Ảnh: P.A) |
Sáng 15/7, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”.
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng CIEM TS. Trần Thị Hồng Minh cho hay, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã chứng kiến một loạt các động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt, mở đường cho các xu thế mới có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới.
Xung đột Nga-Ukraine kéo dài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều hàng hóa cơ bản. Mỹ đã bắt đầu giai đoạn “bình thường hóa” lãi suất nhằm ứng phó với lạm phát cao. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đi vào thực hiện, qua đó gắn kết các nền kinh tế Đông Á với đà phục hồi xuất khẩu trên diện rộng ở khu vực.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, từ đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Cùng với việc kiểm soát tốt đại dịch, tỷ lệ bao phủ vaccine được cải thiện và số ca nhiễm liên tục giảm, các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh đã dần được dỡ bỏ.
Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, và nhấn mạnh ưu tiên cho ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục đề ra và tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Hỗ trợ người lao động và các nhóm yếu thế trong xã hội cũng là một ưu tiên quan trọng nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho quá trình thích ứng với bối cảnh làm việc mới.
Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: "Các số liệu thống kê đã cho thấy đà phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022 và 7,72% trong quý II/2022, đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhờ các giải pháp, chính sách kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, và hỗ trợ người lao động, tình hình lao động-việc làm đã sớm có những chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 đạt 51,6 triệu người, tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước".
Hai kịch bản tăng trưởng
Nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể chịu ảnh hưởng của 5 yếu tố. Đó là:
Thứ nhất, khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể Covid-19 và các dịch bệnh mới.
Thứ hai, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ ba, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và “neo” kỳ vọng lạm phát.
Thứ tư, khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa Các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...
Thứ năm, khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022.
Kịch bản 1, khi tình hình dịch bệnh ở thế giới và Việt Nam nhìn chung được kiểm soát, các nước duy trì xu hướng tạo thuận lợi cho đi lại của người dân. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2022. Mức giá của Mỹ tăng tới 7,682%. Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 17,7%. Giá dầu thô thế giới tăng 42,0%.
Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD của Ngân hàng thương mại tăng 2,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,5%. Tín dụng tăng 14,0%. Giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,5%. Dân số tăng 1,07%, và số lao động có việc làm tăng 6,1% so với năm 2021. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết tăng 10,7% so với năm 2021. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 1,5%.
Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều giảm 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 8,9%. Giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 460,8 nghìn tỷ đồng.
Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7%.
Kịch bản 2, GDP của thế giới tăng 3,6%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5%; (tín dụng tăng 15%; giá nhập khẩu hàng hóa tăng 5%; tỷ giá VND/USD của Ngân hàng thương mại tăng 2,0%; tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 0,8%; giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 542,16 nghìn tỷ đồng; đẩy mạnh tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…).
Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,9%.
| Kinh tế hồi phục tích cực, liệu lạm phát có được 'ghìm cương'? Giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới đứng trước nhiều biến động và lạm phát tại nhiều quốc gia, khu vực tăng phi mã, ... |
| Chuyên gia Đức: EVFTA là trợ lực giúp Việt Nam phục hồi kinh tế Cùng với EVFTA, các FTA đang có giúp Việt Nam đa dạng hóa các đối tác thương mại, từ đó, tăng cường khả năng ứng ... |