Thương mại và đầu tư tăng tốc
Thương mại của Ấn Độ với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) phát triển nhanh hơn thương mại với toàn khối ASEAN.
Hội nghị Doanh nghiệp Ấn Độ và 4 nước CLMV tổ chức vào tháng 2, ở thành phố Jaipur, bang Rajasthan, Ấn Độ. (Nguồn: VOVworld) |
Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, thương mại song phương giữa CLMV và Ấn Độ tăng từ 0,46 tỷ USD năm 2000 lên 4,97 tỷ USD năm 2010 và 11,85 tỷ USD vào năm 2014. Như vậy, tăng trưởng thương mại giữa Ấn Độ và CLMV trong giai đoạn 2010 và 2014 là 24% so với tốc độ tăng trưởng 10% với ASEAN.
Ngày nay, thương mại giữa Ấn Độ với các nước CLMV chiếm khoảng 16% thương mại của Ấn Độ với ASEAN, tăng từ 6% so với năm 2000. So với các nước trong nhóm ASEAN 6, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ ở các nước CLMV tương đối thấp và chủ yếu đầu tư vào Việt Nam.
Hiện Ấn Độ có 93 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp Ấn Độ đang mở rộng sự hiện diện tại các quốc gia CLMV trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến nông sản, hóa chất nông nghiệp, mỏ, dầu khí, năng lượng, y tế, công nghệ thông tin, phát triển kỹ năng và dệt may.
Từ ngày 24-25/3, tại thành phố Guwahati (bang Assam) diễn ra Hội nghị kinh doanh vùng Đông Bắc Ấn Độ và các nước CLMV. Hội nghị có sự tham dự của các quan chức Chính phủ Ấn Độ và chính quyền bang Assam và các Đại sứ các nước CLMV tại Ấn Độ. Mục đích của Hội thảo là nhằm khai phá tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực giáo dục chất lượng cao và chăm sóc sức khỏe. |
Theo các chuyên gia Ấn Độ, trong thời gian tới, các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo của Ấn Độ có thể đóng vai trò chính trong việc đào tạo lực lượng lao động trẻ cho các nước CLMV. Bên cạnh đó, chuyên gia Ấn Độ trong lĩnh vực nông nghiệp và trồng trọt sẽ có cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia CLMV, nơi ngành nông nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP. Các khoản đầu tư của Ấn Độ vào lĩnh vực năng lượng ở các nền kinh tế CLMV cũng đang tăng mạnh.
Nhiều cơ hội kết nối dịch vụ giáo dục và y tế
Vùng Đông Bắc Ấn Độ có nhiều cơ sở giáo dục chất lượng cao và có tiềm năng trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu của Ấn Độ. Khu vực này có 40 trường đại học, 11 trường cao đẳng y tế, hơn 40 trường kỹ thuật, 31 trường đào tạo kỹ thuật đa ngành...
Các quốc gia CLMV có nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục có chất lượng. Quan chức các chính quyền bang vùng Đông Bắc Ấn Độ kỳ vọng khu vực này sẽ trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao, thu hút ngày càng nhiều sinh viên của các nước CLMV.
Các trường đại học vùng Đông Bắc Ấn Độ đang thu hút sinh viên nước ngoài trong các lĩnh vực giáo dục đại học truyền thống, giáo dục từ xa, công nghệ thông tin, đào tạo tiếng Anh, hợp tác nghiên cứu… Phần lớn các trường đại học ở vùng Đông Bắc đều giảng dạy bằng tiếng Anh, trở thành lợi thế đối với các nước láng giềng CLMV.
Bên cạnh giáo dục, y tế đang nổi lên như một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực y học cổ truyền.
Ấn Độ là một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất trên thế giới, được xem là nơi giàu có nhất về nguồn gen thực vật và cây thuốc. Khoảng 8000 loài thực vật được sử dụng trong y học truyền thống với các ứng dụng liên quan đến con người, thú y và nông nghiệp.
Đông Nam Á từ lâu cũng nổi tiếng với nền y học truyền thống với các loại thuốc bản địa có lịch sử lâu đời. Do sự gần gũi về địa lý với sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, nhiều phương thuốc cổ truyền của vùng Đông Nam Á và Đông Bắc Ấn Độ có sự tương đồng.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với Chính sách Hành động hướng Đông và các chính sách tăng cường kết nối giữa vùng Đông Bắc Ấn Độ và các nước CLMV của Chính phủ Ấn Độ, tình hình thương mại, đầu tư và dịch vụ giữa Ấn Độ và CLMV sẽ có những bước gia tăng đáng kể.