Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLT Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định ngày 27/1/1973. |
Cuộc đấu tranh của nhân dân ta để giành độc lập và thống nhất đất nước là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài và ác liệt nhất trong lịch sử. Và cuộc đàm phán giữa các bên để chấm dứt cuộc chiến tranh đó cũng là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao - 4 năm 8 tháng với 174 cuộc họp công khai. Trong thời gian đó, cứ vào mỗi thứ Năm, ở đại lộ Kléber - Paris, thủ đô nước Pháp lại diễn ra cuộc họp giữa các phái đoàn và ngoài ra còn có gần 50 cuộc gặp riêng cấp cao giữa đồng chí Lê Đức Thọ - Cố vấn đặc biệt và đồng chí Xuân Thủy - Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH với Cố vấn và Trưởng đoàn Mỹ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm cho Mỹ thấy rằng họ không thể khuất phục nhân dân ta bằng vũ lực mà phải chấp nhận đàm phán. Nhưng họ lại muốn đàm phán trên "thế mạnh", dùng ngoại giao ép chúng ta. Về phía ta, trên cơ sở những thắng lợi về quân sự, chính trị đạt được trên chiến trường, ta chủ trương "vừa đánh vừa đàm", mở mặt trận ngoại giao để tạo thêm sức mạnh cho cuộc chiến đấu của chúng ta ở trong nước. Đấu tranh buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc và ngồi lại đàm phán, có đại diện của MTDTGPMNVN là thắng lợi bước đầu, có ý nghĩa chiến lược. Mỹ muốn cuộc đàm phán hai bên: Mỹ và VNDCCH. Phía ta yêu cầu phải có đại diện của Mặt trận - tổ chức đang lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh. Câu chuyện cái bàn vuông hay chữ nhật là từ đó. Sau cùng, hai bên thỏa thuận một cái bàn tròn với 4 đoàn đàm phán (VNDCCH, MTDTGPMNVN, Mỹ và Chính quyền Sài Gòn). Việc trên bàn hội nghị, chúng ta có 2 đoàn "tuy hai mà một" ở vị trí khác nhau nhưng cùng một mục tiêu, tạo cho chúng ta nhiều ưu thế để phối hợp đấu tranh.
Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật là Nguyễn Châu Sa, sinh năm 1927 tại tỉnh Sa Đéc, hiện sống tại Hà Nội. Năm 1969-1976, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN, kiêm Trưởng phái đoàn đàm phán Chính phủ CMLTCHMNVN. Năm 1976-1987, Bộ trưởng Giáo dục. Năm 1987-1992, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc Hội. Năm 1992-2002, Phó Chủ tịch nước CHXHCNVN. Từ 2002 đến nay, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển VN, Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em VN, Chủ tịch danh dự của Hội nạn nhân chất độc màu da cam, Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Quốc tế Kovalevskaia. Bà là cháu ngoại của chí sĩ yêu nước nổi tiếng Phan Châu Trinh (bút hiệu Phan Tây Hồ). "Nam Quốc riêng gì trai dũng lược-Tây Hồ còn đó gái Anh Thư" là đôi câu đối Giáo sư Vũ Khiêu viết tặng bà nhân sinh nhật lần thứ 80. Nhà văn Nguyên Ngọc trong Lời giới thiệu cuốn Hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" của bà (Nxb Tri Thức-2012) viết: "có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất thế giới". |
Mọi người đều nhớ, sau khi thỏa thuận về cơ bản với chúng ta về một dự thảo Hiệp định, Mỹ còn muốn dùng sức mạnh quân sự, ép chúng ta sửa đổi một số điều "không có lợi cho Mỹ". Và cuộc không kích B52 của Mỹ năm 1972 vào Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố ở miền Bắc đã diễn ra rất ác liệt, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972. Cả thế giới lo lắng cho nhân dân ta. Nhưng một lần nữa, khí phách anh hùng của nhân dân ta, trí tuệ Việt Nam đã chiến thắng, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm tháng 12/1972. Cuối cùng, Mỹ buộc phải ký vào Hiệp định về Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973, cam kết cùng với các nước khác tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam: Độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Thắng lợi của Hội nghị Paris về Việt Nam là một minh chứng tập trung nhất về sự đúng đắn, tài tình cũng như nghệ thuật ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phong trào đoàn kết quốc tế với Việt Nam là một yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi to lớn của nhân dân ta, và nó là một hậu thuẫn quan trọng và trực tiếp đối với cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris về Việt Nam. Tình hình cuộc chiến đấu của nhân dân ta trong nước, đặc biệt là các tuyên bố về giải pháp tại bàn đàm phán, qua các báo chí, vô tuyến truyền hình quốc tế lan tỏa ra khắp nơi. Đặc biệt, các tổ chức đoàn kết với Việt Nam ở các nước từ châu Âu, châu Á, Phi, Mỹ Latinh, và đông đảo nhân dân xuống đường mít tinh bày tỏ sự đồng tình ủng hộ ta, lên án chiến tranh của Mỹ. Tất cả họ, thuộc mọi tầng lớp, không chỉ những người cộng sản tiến bộ, lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý, trí thức, tôn giáo mà cả những người "sợ Cộng sản", "không thích Cộng sản" - trở thành một lực lượng chính trị hùng hậu, tác động ngày càng sâu sắc đối với chính sách của chính quyền Mỹ, có ảnh hưởng đến nhiều chính phủ trên thế giới đối với chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Ở Mỹ, phong trào phản chiến ngày càng mạnh. Nhân dân Mỹ, nhiều người trong Quốc hội đòi hỏi phải sớm chấm dứt chiến tranh, đưa con em về nước. Những đề nghị, giải pháp đúng đắn, hợp tình hợp lý của chúng ta đưa ra từ cuộc đàm phán ở Paris càng thúc đẩy cuộc đấu tranh của họ.
Điều may mắn, ở Pháp - nơi diễn ra cuộc đàm phán - phong trào ủng hộ Việt Nam rất mạnh…, bao gồm Đảng Cộng sản và nhiều đảng phái chính trị khác (tuy trên nhiều vấn đề họ có mâu thuẫn với nhau, nhưng lại thống nhất về vấn đề Việt Nam), những nhà trí thức lớn, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công đoàn, các tổ chức hòa bình, hữu nghị, đoàn kết v.v… đã tích cực tham gia hoạt động đoàn kết và ủng hộ Việt Nam. Khi Hội nghị Paris mới khai mạc, sự đón tiếp rầm rộ, trân trọng của đông đảo bạn bè Pháp ở Paris, kiều bào của ta, đã nói lên Paris là địa điểm hội nghị có nhiều thuận lợi cho ta. Quả nhiên, trong gần 5 năm, hai đoàn đàm phán của chúng ta đã được giúp đỡ rất nhiều về tinh thần và cả vật chất của các bạn. Chính phủ Pháp - nước chủ nhà - cũng đã có thái độ đúng đắn, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạt động của hội nghị, và trong một số trường hợp, cũng đã tỏ ra không tán thành cuộc chiến của Mỹ.
Ngày 27/1/1973, trước Trung tâm Hội nghị Quốc tế, nơi các bên ký kết Hiệp định Paris, một rừng người, trong đó có đông đảo bạn bè Pháp đến chúc mừng Việt Nam và hô vang "Thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của chúng ta".
Nói đến phong trào đoàn kết quốc tế, chúng ta không thể không nói đến sự đoàn kết với nhân dân Việt Nam của chính phủ và nhân dân các nước XHCN, đặc biệt của Liên Xô và Trung Quốc - chỗ dựa quan trọng của cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Không thể không nói đến các tổ chức dân chủ quốc tế như Hội đồng Hòa bình thế giới, Thanh niên Dân chủ thế giới, Sinh viên Dân chủ thế giới, Phụ nữ Dân chủ thế giới, Hội Luật gia Dân chủ, Tổ chức đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh… những tổ chức chịu ảnh hưởng của các nước XHCN, và phong trào Không liên kết, Tòa án Bertrand Russell. Đó chính là nòng cốt của phong trào đoàn kết quốc tế đã ủng hộ chúng ta về tinh thần và vật chất suốt bao nhiêu năm, đến thắng lợi của Hội nghị Paris, và đến thắng lợi cuối cùng của nhân dân ta: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Và cũng phải nói đến vai trò của báo chí quốc tế. Hàng trăm nhà báo, đại diện các Đài vô tuyến túc trực ở Paris để đưa tin về hội nghị, về cuộc chiến đấu của chúng ta, là tâm điểm chính trị thế giới lúc bấy giờ. Họ đã làm nhiệm vụ của họ và ngày càng hiểu về cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta. Họ thông cảm với nỗi đau khổ cũng như thấu hiểu nguyện vọng thiết tha của nhân dân ta. Thực tế, họ đã góp phần làm cho dư luận thế giới hiểu và ủng hộ chúng ta.
Cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris có rất nhiều bài học. Nhưng theo tôi bài học lớn nhất - như Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng từng dạy: "Đoàn kết dân tộc gắn liền với đoàn kết quốc tế", hay nói "Phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại". Chân lý đó mãi mãi đúng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và trong tương lai xa hơn. Dân tộc ta lúc nào và trong hoàn cảnh nào, cũng cần sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế. Nhưng cũng cần phải hiểu rằng: Có đoàn kết dân tộc vững chắc thì mới có sự đoàn kết quốc tế lớn mạnh.
Nguyễn Thị Bình