Theo các báo cáo đầu tư, nguồn vốn nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng trưởng trở lại và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm, dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế bằng cách tạo ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, có 578 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tọa đàm Sáng kiến doanh nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Điện tử Việt Nam 2022, ngày 20/7 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi) |
Có thể thấy, khi các rào cản từ đại dịch Covid-19 dần được xóa bỏ và nhu cầu giao thương, phục hồi sản xuất ngày càng gia tăng thì cần có những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong ngành điện tử Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ các đối tác tiềm năng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc, Công ty P&Q Solutions nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng được các doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn tiến đến quá trình tự động hóa dây chuyền sản xuất trong nhà máy.
“Đại dịch Covid-19 đã phơi bày các lỗ hổng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Giờ đây, các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về tính linh hoạt và hiệu quả cao hơn ở cấp độ tổng thể của chuỗi cung ứng. Đặc biệt là các doanh nghiệp điện tử, đối mặt với những thách thức chưa từng có trước đây, chuyển đổi tinh gọn không chỉ là một lựa chọn mà đó là vấn đề mang tính quyết định sự tồn tại trong tương lai của các doanh nghiệp”, ông Thắng khẳng định.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tự động hóa Việt Nam Dương Nguyên Bình cũng đồng tình cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng được doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn tiến đến quá trình tự động hóa dây chuyền sản xuất trong nhà máy.
“Mỗi doanh nghiệp tự phải chuyển đổi số theo quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình để phù hợp với thực tế. Nếu chậm không chỉ thua ngay chính trên sân nhà, chứ nói gì đến cạnh tranh và vươn tầm thế giới”, ông Bình cho hay.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, sau đại dịch, ngành điện tử Việt Nam thay đổi nhanh chóng với nhu cầu ngày càng cao về sản xuất và vận hành tinh gọn để giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa hoạt động sản xuất.
Diễn đàn là cơ hội để hỗ trợ các doanh nghiệp cùng chia sẻ và giao lưu, học hỏi lẫn nhau để cùng hướng đến sự phát triển bền vững cũng như cập nhật những xu hướng, công nghệ tiên tiến và các giải pháp sản xuất thông minh.
Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác Dự án cộng đồng Sáng kiến doanh nghiệp (Business Innovation Zone) 2022. (Ảnh: Vân Chi) |
Xuyên suốt những ngày diễn ra Triển lãm sẽ là các hoạt động giao thương hướng đến doanh nghiệp nội địa và quốc tế như chuỗi hội thảo tư vấn chuyên đề, các bản tin cập nhật công nghệ tiên tiến nổi bật từ các thương hiệu hàng đầu trên thế giới và đặc biệt là chương trình hỗ trợ tư vấn kinh doanh hoàn toàn miễn phí trực thuộc Dự án Cộng đồng Sáng kiến Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp điện tử vực dậy trong và sau đại dịch Covid-19.
Trong khuôn khổ Diễn đàn còn diễn ra Tọa đàm Sáng kiến doanh nghiệp và Cập nhật công nghệ chủ đề Sản xuất tinh gọn 4.0 & Phát triển bền vững cùng lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác Dự án cộng đồng Sáng kiến doanh nghiệp (Business Innovation Zone) 2022.
Diễn đàn Điện tử Việt Nam 2022 nằm trong chuỗi sự kiện tiền Triển lãm Điện tử quốc tế NEPCON Việt Nam 2022, hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp điện tử tái sản xuất, mở rộng thị trường và tiếp cận cơ hội kinh doanh quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Triển lãm Điện tử quốc tế NEPCON Việt Nam có sự góp mặt của các đơn vị triển lãm đến từ hơn 10 quốc gia cùng gần 200 thương hiệu công nghệ máy móc, thiết bị trong lĩnh vực điện tử, SMT, hàn linh kiện bề mặt tại các khu trưng bày và các gian hàng quốc tế trực tuyến đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Đức, Ấn Độ …
| Triển vọng lạc quan cho doanh nghiệp ngành công nghệ Việt Nam Tại Hội nghị Data Center and Cloud Infrastructure Summit 2022 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định nền ... |
| Công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam hút nhà đầu tư Anh Đầu tư của Anh vào Việt Nam có xu hướng tăng sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Thương ... |