Đoàn đại biểu Liên bang Nga tại Hội nghị bàn tròn. (Ảnh: H.A) |
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam (từ ngày 28 – 31/5) của đoàn đại biểu Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga cùng đại diện các trường Đại học, các đơn vị khoa học. Hội nghị có sự hiện diện của Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vasilevich Vnukov, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Nga Alexey Medvedev, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phạm Công Tạc...
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng khẳng định Hội nghị bàn tròn Việt – Nga về hợp tác khoa học và kỹ thuật này có ý nghĩa to lớn hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (30/1/1950 – 30/1/2020). Hợp tác khoa học và công nghệ được xem là một trong những trụ cột của mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga, thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc mãi mãi bền chặt và phát triển, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân và hòa bình, ổn định trên toàn thế giới.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phạm Công Tạc cũng cho rằng cùng với việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Ông Phạm Công Tạc cho biết, tháng 11/2014, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, đặt dấu mốc quan trọng trong hợp tác về khoa học và công nghệ giữa hai nước. Để triển khai Hiệp định, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cùng với Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga tổ chức 02 Khóa họp Ủy ban hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ, trong đó, Khóa họp lần thứ II vừa được tổ chức thành công trong sáng ngày 29/5.
Tại Khóa họp của Ủy ban, hai bên đã trao đổi về tình hình, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục của mỗi bên; kiểm điểm về các hoạt động hợp tác; thống nhất kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác cho giai đoạn tới. Theo đó, hai bên mong muốn tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nói chung.
Toàn cảnh Hội nghị bàn tròn tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga. (Ảnh: T.P) |
Hội nghị bàn tròn được bắt đầu bằng báo cáo của Viện trưởng Viện Vật lý Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga) V.A. Nadtochenko với đề tài “Vật lý hóa học trong toàn bộ những vấn đề của Trung tâm Nhiệt đới”. Về phía Việt Nam, báo cáo đầu tiên “Các hướng hợp tác khoa học với Viện nghiên cứu khoa học thuộc Chi nhánh Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga” được giới thiệu bởi Giám đốc Viện Hóa học các hợp chất tự nhiên - VAST Phạm Quốc Long.
Tổng cộng 12 báo cáo đã được trình bày trong khuôn khổ Hội nghị về các đề tài nghiên cứu khoa học cấp thiết được hai nước quan tâm. Đặc biệt, các đại biểu đóng góp tham luận giá trị như “Những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực chất xúc tác và nghiên cứu vật liệu mới”, “Nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học động vật tại Viện Động vật học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và vai trò của sự hợp tác Nga - Việt”, “Triển vọng hợp tác Việt – Nga trong lĩnh vực Tài nguyên Khoáng sản và bảo vệ môi trường”...
Tổng kết Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Chính sách Khoa học và Khoa học - Kỹ thuật - Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga M.Yu.Romanovsky bày tỏ cảm ơn các diễn giả vì các tài liệu hấp dẫn và thú vị. Ông Romanovsky tin tưởng rằng, hoạt động này sẽ tạo điều kiện thiết lâp các mối liên hệ và thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và đổi mới giữa Nga và Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phạm Công Tạc cũng đánh giá cao những kết quả hợp tác và đóng góp quý báu của các nhà khoa học hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. “Đây là cơ hội quý báu để các chúng ta trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực chuyên ngành, đồng thời, tăng cường giao lưu, kết nối, hướng tới các hoạt động hợp tác trong tương lai”, ông Phạm Công Tạc nói.