TIN LIÊN QUAN | |
Sừng sững một tượng đài | |
Đại hội Câu Lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2015-2018 |
Khi tôi viết những dòng này, Hà Nội vẫn mưa tầm tã. Đoàn du lịch Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao đang đi thăm vườn Quốc gia Cát Bà. Tháng trước cũng vậy, Đoàn đang ở Quan Lạn thuộc huyện đảo Vân Đồn. “Chàng phây” vừa nhắc: ngày này năm trước, đoàn đang ở đảo Mát, Cửa Lò, còn trước đó một năm nữa thì đang ở đảo Lý Sơn…
Các thành viên Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao trong một chuyến đi. |
Và, theo kế hoạch, tháng 8 này Đoàn lại lên đường thăm Phú Thọ. Cũng không còn nhớ rõ, đây là lần thứ bao nhiêu chúng tôi thăm và đi qua đất Tổ. Trừ vài chuyến đi xuyên Việt bằng ô tô kéo dài cả tháng, bình quân cứ mỗi tháng một lần “các cụ” lại xách ba-lô và đi. Một số trong chúng tôi tham gia CLB chưa đầy 10 năm mà tính ra đã đi gần hết 63 tỉnh thành, có nơi qua lại nhiều lần. Thôi thì nói kiểu gì cũng được: đi cho biết đó biết đây, hoặc đi “dối già”. Còn chân phương như nhà thơ Văn Thọ thì nôm na:
Nguyên là quan chức Ngoại giao
Đã từng bay bổng biết bao phương trời
Ngày nay về nghỉ hưu rồi
Thời gian tỷ phú đi chơi khắp miền…
Cũng mạch văn như vậy, ở nơi khác ông lại viết:
Mỗi lần có dịp gặp nhau
Hàm răng thêm khuyết, mái đầu trắng thêm
Nụ cười tuy đã kém duyên
Nhưng tình đồng nghiệp y nguyên thuở nào
Nhớ thời công tác ngoại giao
Nhân dân chắp cánh bay cao khắp trời
Bay nhiều đôi cánh mỏi rồi
Về hưu nghỉ dưỡng thảnh thơi tuổi già...
Thực ra cũng không hẳn thảnh thơi cho lắm, đi nhiều cũng mệt lắm chứ! Trong đoàn có vị mới 60 song nhiều cụ đã qua cái ngưỡng cổ lai hi đến hơn chục năm. Trước mỗi chuyến đi, phụ trách câu lạc bộ lại nhắc nhớ mang theo máy đo huyết áp và thuốc men chuyên dụng. Điển hình phải nói đến và tôn vinh anh Nguyễn Văn Phán, người tổ chức, ở tuổi trên 80, đã điều hành cả trăm chuyến đi thành công tốt đẹp. Ông còn là hướng dẫn viên và tay hòm chìa khóa của Đoàn.
Còn Chủ tịch CLB Trần Tam Giáp cũng là một “phượt thủ” nổi danh, những khi bận việc hoặc sức khỏe kém ông phải ở nhà nhưng vẫn dõi theo từng hoạt động của Đoàn, hỏi thăm sức khỏe các cụ cao niên. Ông cũng là người gương mẫu sáng tác thơ, vè để khuyến khích tinh thần đồng đội. Kể cũng lạ, có vị cả đời công tác không viết câu thơ, câu vè nào thế mà về hưu lại thành “lều thơ nổi tiếng”. Đến mức Bút Trúc phải thốt lên khi đi trên vùng núi đèo hiểm trở Hà Giang:
“Các cụ lên Mã Pí Lèng
Đèo cao các cụ chập cheng cả rồi.”
Lại nhớ hôm sau khi thăm bộ đội biên phòng và tặng quà cho các cháu trường mẫu giáo, các cụ còn leo lên tận cột cờ Lũng Cú selfie, khi xuống núi ai cũng mệt nhưng hào hứng, trong đó có cụ Đặng Đức Lân, mới mất, lúc đó cũng đã yếu lắm rồi. CLB cũng nhiều lần thăm vùng biên ải Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn…, đặc biệt là hang Cốc Bó và thác Bản Giốc. Trong vòng 10 năm trở lại đây, đoàn các cụ đã 3 lần đến Điện Biên Phủ và dọc đường đi bao giờ cũng thăm Mộc Châu, Sơn La. Cùng với thời gian, cảnh quan đã nhiều thay đổi, điều kiện sống và giao thông đi lại tốt lên từng ngày. Tuy nhiên các du khách quan tâm nhiều hơn đến các di tích lịch sử. Văng vẳng bên tai còn nghe tiếng suối reo như tiếng hát xa, hoặc giọng thuyết minh trầm bổng của các cháu hướng dẫn viên tình nguyện giới thiệu về đại bản doanh của Tướng Giáp ở Mường Phăng. Điểm đến của các chuyến đi thường là các danh thắng trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên, các di sản được UNESCO công nhận, các địa chỉ đỏ, chùa chiền và thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ. Các cuộc giao lưu, đốt lửa trại là một điểm nhấn của các chuyến đi tại Lý Sơn, Sơn La hoặc miệt vườn Nam Bộ…
Tuy làm công tác đối ngoại, nhưng từ lâu các thành viên trong đoàn đều gắn bó với các địa phương và các vùng miền của Tổ quốc. Nhiều người đã trực tiếp trong quân ngũ, có người chiến đấu đủ 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị và nhiều trận chiến ác liệt cho đến khi giải phóng hoàn toàn đất nước. Nhiều người đã trực tiếp tham gia đàm phán về biên giới và biển đảo, hoặc hướng dẫn các nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại thực địa trong các cuộc chiến tranh biên giới phía Tây và phía Bắc. Hàng chục cựu cán bộ từng tham gia thu hút viện trợ thời kháng chiến và hỗ trợ phát triển kinh tế đối ngoại với các địa phương. Đi không chỉ để thăm mà còn để nghĩ và để nhớ, nhiều kỷ niệm ngọt bùi và cũng lắm đắng cay của một thời trai trẻ. Không nén nổi lòng mình, nhà thơ, cựu chiến binh, Đại sứ Đỗ Bạch khi qua Quảng Nam đã viết:
Nhớ một thời ác liệt, chiến tranh,
Sông Thu hào phóng giúp dân lành,
Chở che bộ đội và du kích,
Giữa rừng dừa nước, lá tươi xanh.
Ta nhớ về đêm ấy vượt sông,
Trăng sao vắng bóng, tối mênh mông,
Mái chèo khua nhẹ, thuyền cưỡi sóng,
Đêm sông Thu, súng nổ đùng đoàng...
Chúng tôi đã thăm Đà Nẵng nhiều lần, từng vỡ òa trước niềm vui về một nơi đáng sống bậc nhất ở Việt Nam nên bạn tôi đã chuyển nhà vào đó, nhưng có lúc lại vô cùng thất vọng:
Lúc đầu ai cũng hiểu lầm,
Tưởng rằng họ đã vì dân Đà thành,
Nay ta mới hiểu ngọn ngành…
Những người có kỷ niệm sâu đậm còn nhiều lắm nhưng không phải ai cũng viết thành thơ. Những suy tư còn lớn lắm nhưng không phải ở đâu cũng có thể nói nên lời. Đứng trước biển, bạn tôi đã viết:
Cho ta xin hỏi dã tràng
Biển xanh, cát trắng, nắng vàng còn không?...
Có một điều may mắn nhờ thời IT nên ai cũng có thể chụp ảnh bằng smartphone, còn trong Đoàn mỗi chuyến đi đều có một vài tay máy có nghề, cho nên nếu bình chọn chắc chắn được hàng ngàn bức ảnh đẹp và độc đáo. Nếu đã có hội “Vui đủ chơi đủ”, CLB thơ, bóng đá, tennis thì biết đâu sẽ có câu lạc bộ “nhiếp ảnh gia” hưu trí!..
Trong hàng trăm chuyến đi nói trên cũng xảy ra một vài sự cố. Đó là ngày 7/4/2012, đoàn rời Đà Nẵng lên đường tới Tây Nguyên, mới đến gần đỉnh đèo Lò Xo thì xe hỏng máy. Lái xe phải nhờ xe quay trở lại 30 km để đón thợ lên sửa. Mất cả buổi xe mới sửa xong, bỏ cả bữa trưa đã đặt tại Ngọc Hồi. Cũng may xe bị hỏng lại gần một nhà dân duy nhất bên tuyến đường heo hút này. Chủ nhà là người miền xuôi lên lập nghiệp tốt bụng, cho cả đoàn ăn mì tôm và phở không người lái bởi ở đoạn đường xoắn như lò xo này không có bất cứ hàng quán nào, một bên là núi Ngọc Linh cao vút, một bên là vực sâu hun hút. Một bữa ngon, nghĩa tình và có món “mầm đá”. Đoàn về Ngọc Hồi lúc chập tối gặp chủ quán cơm định đền bù vì bỏ bữa trưa nhưng bà chủ dứt khoát không nhận. Đành phải bỏ chương trình thăm Ngã 3 biên giới về Nhà khách phố Bà Triệu lúc gần 9 giờ tối. Lại không may, đêm hè đó khách sạn mất điện. Thế mà sáng sớm hôm sau đoàn đã vào thăm Nhà tưởng niệm KonTum, Nhà thờ gỗ, Nhà rông…, và các ngày tiếp đó lần lượt thăm Gia Lai, Đắc Lắc, Đà Lạt, Tây Ninh, Củ Chi… để đến 17/4 rời TP. Hồ Chí Minh bay ra Côn Đảo. Sau 5 ngày ở đảo thiêng này, đoàn lại về đất liền, xe đã sửa hoàn chỉnh, lại bon bon lần lượt thăm các tỉnh duyên hải và trở về Hà Nội. Một số chuyến xuyên Việt khác kéo dài hơn, tới 30 ngày vì còn thăm Phú Quốc và Cà Mau.
Cứ mỗi chuyến đi du lịch, ngoài việc vãn cảnh, đền ơn đáp nghĩa, còn là một dịp để bạn bè đồng nghiệp gặp gỡ giao lưu nhớ lại một thời đáng nhớ và có lúc cũng trao đổi xem liệu có giúp gì cho Ngành và cho xã hội và chủ yếu để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Thời gian ngồi gò bó trên xe tưởng là buồn tẻ nhưng các cụ đã biến xe thành sân khấu di động. Hàng loạt ca sĩ bất đắc dĩ đã xuất hiện với đủ các làn điệu và ngôn ngữ, các cây tiếu lâm và các nhà thơ trào phúng được dịp trổ tài. Dĩ nhiên những dịp đi này là nguồn hứng khởi để ra đời những bài thơ, những khúc ca và phóng sự giá trị mà không thể kể hết trong khuôn khổ bài viết này.
“Nhà báo trẻ” của báo TG&VN khi về hưu từng viết:
Về hưu mà vẫn thông minh
Về hưu mà vẫn nặng tình với em
Về hưu đâu đã cũ mèm
Vẫn mơ du lịch, vẫn thèm cầy tơ
Về hưu làm bạn với thơ
Thủy chung với bạn, hẹn giờ với bia
Khi vui tranh thủ chầu rìa
Chuyện buồn lập tức sẻ chia đôi lời
Về hưu vui lắm ai ơi
Ai ai rồi cũng đến thời về hưu!
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có lần dùng hình tượng, đại ý: hiện nay ta có 2 Bộ Ngoại giao, một Bộ đang làm việc, một Bộ đã nghỉ hưu. Số người nghỉ hưu còn đông hơn số người đương chức, dù đang làm việc hoặc đã nghỉ ngơi mọi người đều có trách nhiệm với Ngành. Đó cũng chính là tâm huyết của Cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - Người quyết định thành lập Câu lạc bộ Hưu trí của Ngành.
TSKT Nguyễn Xuân Nho
Đại hội XI Câu Lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2012 - 2015 Sáng 26/10/2012, Câu Lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao đã tiến hành Đại hội lần thứ XI nhằm tổng kết nhiệm kỳ đã qua, ... |
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Câu Lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao Chiều 27/8/2012, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao đến thăm và tặng quà các cán bộ ... |
CLB Hưu trí Bộ Ngoại giao: Tuổi tác về hưu, trí chẳng mòn Tháng 8 /1991, Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao được thành lập do sáng kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao ... |