Tuy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 vẫn chưa xác định chính thức kết quả ai là người chiến thắng, nhưng dường như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái nhượng bộ, trong bối cảnh cuộc chiến pháp lý của ông vẫn chưa đi đâu về đâu.
Ngày 23/11 (giờ Mỹ), người đứng đầu GSA Emily Murphy đã có những động thái về quá trình chuyển giao quyền lực cho đội ngũ của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Trong một lá thư, bà Murphy cho biết ông Biden sẽ được tiếp cận các nguồn lực giúp đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên lá thư không khẳng định "ông Biden đã chính thức thắng", "ông Biden đã trở thành Tổng thống đắc cử" hay "ông Trump đã thua".
Tòa nhà của Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp Mỹ (GSA) tại thủ đô Washington D.C. (Nguồn: AP) |
Lá thư quyền lực
Cụ thể, lá thư gửi tới ông Biden với nội dung: "...Là người đứng đầu GSA, theo Đạo luật chuyển giao quyền lực tổng thống năm 1963, tôi có khả năng đảm bảo các nguồn lực và dịch vụ hậu bầu cử nhất định trong trạng thái sẵn sàng để hỗ trợ trong trường hợp chuyển giao quyền lực tổng thống…”.
Đáp lại hành động này của GSA, đương kim Tổng thống Donald Trump đã đăng tải một số dòng trạng thái trên trang Twitter cá nhân với hai ý chính. Một mặt, ông khuyên bà Murphy và GSA "làm những gì cần làm" vì lợi ích của quốc gia, khẳng định đội ngũ của ông cũng đang làm như vậy. Theo trang The Hill, dòng trạng thái của ông Trump đánh dấu "sự thay đổi" của nhà lãnh đạo Mỹ.
Mặt khác, trên thực tế, ông Trump vẫn không thừa nhận chiến thắng của ông Biden. Ông tuyên bố sẽ tiếp tục những vụ kiện và khẳng định "chúng tôi sẽ chiến thắng".
Thêm vào đó, trưa 24/11 (giờ Việt Nam), ông Trump tiếp tục viết: “Việc GSA làm việc sơ bộ với đảng Dân chủ không liên quan đến việc chúng tôi tiếp tục theo đuổi các vụ kiện khác nhau về cuộc bầu cử gian lận nhất trong lịch sử chính trị Mỹ? Chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để tiến về phía trước. Sẽ không bao giờ nhượng bộ trước những lá phiếu giả".
Cuộc đua kết thúc?
Tại Mỹ, chuyển giao tổng thống là quá trình tổng thống đắc cử chuẩn bị tiếp quản quyền điều hành chính phủ liên bang từ tổng thống đương nhiệm, và quá trình này chỉ được tiến hành sau khi có sự xác nhận của GSA.
Đạo luật Chuyển giao Tổng thống trước Bầu cử năm 2010 đã yêu cầu GSA cung cấp không gian văn phòng, cơ sở vật chất, dịch vụ chính phủ cho tổng thống đắc cử và nhóm nhân viên chuyển giao.
Để có thể thực hiện quá trình giải ngân, người đứng đầu GSA sẽ đưa ra một lá thư "xác nhận" và tuyên bố ứng cử viên đắc cử là "người chiến thắng chính thức" trong cuộc bầu cử. Tuyên bố này sẽ đánh dấu sự bắt đầu của quá trình chuyển giao. Nếu không có sự kiện này, nhóm chuyển giao của ứng cử viên chiến thắng sẽ không được nhận ngân sách của chính phủ, cơ sở vật chất, và quyền truy cập vào các cơ quan.
Các chuyên gia nhận định, động thái mới nhất của GSA đã giúp thay đổi tình trạng hỗn loạn của Mỹ hậu bầu cử Tổng thống. Trước đó, giám đốc GSA Emily Murphy đã từ chối ký lá thư cho phép quá trình chuyển giao quyền lực, sau khi ông Joe Biden được các phương tiện truyền thông xướng tên là Tổng thống đắc cử của Mỹ và đánh bại Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, theo trang Washington Post.
Hành động từ chối của bà Murphy xuất phát từ việc ông Trump không thừa nhận chiến thắng của ông Biden. Đồng thời bà cũng khẳng định GSA đã tuân theo quy định của Đạo luật chuyển giao quyền lực Tổng thống.
Trên thực tế, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, tất cả vẫn phải chờ đến khi đại cử tri đoàn họp, bỏ phiếu vào ngày 14/12 và công bố kết quả chính thức vào ngày 6/1/2021. Khi đó, Mỹ mới chính thức xác định được ai sẽ là người lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20/1.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang ngày một "rộng bước" vào Nhà Trắng? (Nguồn: Getty) |
Tuy nhiên, với động thái của GSA, đội ngũ của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã có thể tiếp cận các cuộc họp mật và gặp gỡ các quan chức chính phủ. Đồng thời, nhóm của ông Biden cũng có thể chuyển sang email chính phủ và nhận trợ giúp từ Bộ An ninh Nội địa để bảo vệ quyền riêng tư của các quan chức mới trong quá trình họ lập các kế hoạch, ví dụ như các chiến lược an ninh quốc gia.
Đồng thời, đội ngũ của ông Biden cũng không còn gặp những trở ngại từ chính quyền hiện tại. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News ngày 24/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: "Hôm nay, chúng tôi đã khởi động tiến trình để xem xét quyết định của GSA và sẽ làm mọi việc mà pháp luật yêu cầu. Chúng tôi sẽ thực hiện tiến trình chuyển giao cho đội ngũ của ông Biden".
Cùng ngày, một nguồn tin từ giới chức Mỹ tiết lộ, Nhà Trắng đã chính thức chấp thuận cho ông Biden được nhận bản tin tình báo hằng ngày gửi Tổng thống. Quyết định này có nghĩa là ông Biden sẽ có quyền tiếp cận với những thông tin tình báo mới nhất về các mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia trên toàn cầu.
GSA trong nền chính trị Mỹ
Với những giá trị cốt lõi là “Dịch vụ - Trách nhiệm - Đổi mới”, GSA được Tổng thống Harry Truman thành lập ngày 1/7/1949 với tư cách một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ nhằm giúp quản lý và hỗ trợ hoạt động cơ bản của chính phủ liên bang. Có thể nói, GSA là cơ quan giúp chính phủ liên bang có thể hoạt động trơn tru hằng ngày.
Nhiệm vụ của GSA là cung cấp các sản phẩm và thông tin liên lạc cho các văn phòng của chính phủ, cung cấp cơ sở vật chất và phương tiện đi lại cho nhân viên liên bang, đồng thời phát triển các chính sách giảm thiểu chi phí và các nhiệm vụ quản lý khác.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của GSA là xây dựng, quản lý và bảo quản các tòa nhà chính phủ cũng như cho thuê và quản lý bất động sản sử dụng cho mục đích thương mại. Trong số các bất động sản do GSA quản lý có Tòa nhà Ronald Reagan, Trung tâm Thương mại Quốc tế ở Washington, DC - tòa nhà liên bang lớn nhất của Mỹ sau Lầu Năm Góc - và Trung tâm Liên bang Hart-Dole-Inouye.
Hiện tại, GSA có khoảng 12.000 nhân viên, được cấp ngân sách hoạt động hằng năm khoảng 20,9 tỷ USD. Số tiền này được dùng vào việc quản lý tài sản liên bang của Mỹ, chủ yếu phân bổ cho 8.700 tòa nhà và 215.000 chiếc ô tô.
| Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Chốt kết quả tại các bang chiến địa, ông Biden tuyên bố 'drama' bầu cử sắp đến hồi kết, lộ diện nhân sự Nội các TGVN. Ngày 24/11, có thêm 2 bang là Pennsylvania và Nevada công bố kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. |
| Kết quả Bầu cử Mỹ 2020: Đọc giữa dòng TGVN. Hậu Bầu cử Mỹ - Cơ quan dịch vụ công (GSA) thông báo cho ông Biden có thể vận hành quy trình thành lập ... |
| Hậu bầu cử Mỹ 2020: Với ông Biden, Mỹ sẽ trở lại làm bá chủ 'thân thiện’? TGVN. Nếu trở thành Tổng thống Mỹ, chính quyền ông Biden có thể sẽ tiếp nối truyền thống bá quyền vì lợi ích chung, nhưng ... |