Ảnh minh họa. |
Ở một gia đình gia giáo Hà Nội, bố mẹ là công chức đi làm suốt ngày. Cô con gái 16 tuổi phải ở nhà một mình. Bà mẹ theo dõi con rất chặt, bắt cô tan học phải về nhà ngay. Thỉnh thoảng, bà lại điện về xem con có đi đâu không. Khi cô gái có tình cảm với một bạn trai cùng lớp, bà mẹ biết chuyện do tình cờ nghe con trò chuyện qua điện thoại. Bà nổi nóng la hét. Con mất tinh thần, ì ra, bỏ học. Bà mẹ lo con có thể tự tử vì đã có một số trường hợp như vậy. Bà tìm một chuyên gia tâm lý hỏi ý kiến. Ông này tiếp cả hai mẹ con cùng lúc rồi đề nghị sẽ nói chuyện riêng với con. Sau khi ông hứa sẽ giữ kín mọi việc, cô thú thực là đã quan hệ tình dục với bạn trai một lần nên rất lo về hậu quả. Cô không dám nói thật vì sợ bố đánh, mẹ xấu hổ và sẽ không thương yêu mình nữa. Cô hoang mang cực độ, thoáng cả ý định tự tử.
Một chuyện thường gặp chưa có gì là ghê gớm. Nhưng dùng giải pháp gì để giải quyết vấn đề? Bà bác sĩ tâm lý trị liệu Pháp tự hỏi. Và nhân đó, mở rộng vấn đề, nghiên cứu tìm hiểu vấn đề tự tử trong lứa tuổi thanh thiếu niên ở Việt Nam. Tôi có khuyên bà nên tham khảo hai tài liệu. Một là luận án bác sỹ y khoa thời Pháp thuộc của Vũ Công Hòe: Tự tử trong xã hội Việt Nam (Hà Nội, 1937), hai là chương nói về tự tử ở Việt Nam vào đầu những năm 30 trong cuốn tiếng Pháp Xã hội Việt Nam trước hiện đại của Nguyễn Văn Ký (Paris, 1995).
Trong năm tiêu chuẩn mà một số nhà nhân học, nhà văn hóa đã đề ra để phân biệt các nền văn hóa thì tiêu chuẩn đối lập "cá nhân - cộng đồng" là quan trọng nhất. Trong một bản luận án hậu đại học, bà Higuchi (Nhật) xếp các nền văn hóa Việt Nam, Nhật, Triều Tiên, Trung Quốc vào loại văn hóa nặng ý thức cộng đồng, ít ý thức cá thể, do ảnh hưởng của Khổng giáo. Đối với những nền văn hóa này, hiện đại hóa có nghĩa là Tây phương hóa với sự khẳng định của cá nhân ngày một mạnh.
Năm 1932, tôi vào học năm thứ nhất trường Bưởi, thầy giáo chủ nhiệm (dạy tiếng Pháp) có làm bài thơ về các tiểu thư Hà Nội nhảy xuống hồ tự tử. Tôi còn nhớ mang máng:
Kìa gió lạ những người yếm thế
Rủ nhau về hồ Kiếm để quyên sinh
Văn học lãng mạn Pháp với Lamartine, Musset, Hugo... đã gieo hạt giống tự do cá nhân trong giới tri thức và tầng lớp trung lưu thành thị: tự do đầu tiên là tự do yêu đương, chống lại cảnh "đặt đâu ngồi đấy" (Tố Tâm, 1925), rồi những báo Phong Hóa, Ngày nay những năm 30 đã có ảnh hưởng lớn, làm lung lay nền tảng xã hội. Thế nhưng, sự mới-cũ trong xã hội thời bấy giờ chưa được điều hòa. Cá nhân với ý thức mới dễ mất phương hướng. "Dịch" thiếu nữ tự tử có thể giải thích bằng một nguyên nhân: tự khẳng định "cái tôi" chống lại sự gò bó của xã hội cũ.
Theo bà Cachelin, hiện nay, con số thiếu niên tự tử tăng lên cũng có thể giải thích theo hướng ấy: Cách mạng, chiến tranh đã đảo lộn những giá trị cổ truyền. Trong hơn ba chục năm, sự cố gắng của toàn dân dồn vào mục tiêu chiến đấu để tồn tại. Bà Cachelin cho là ngày nay, đối với thế hệ ra đời sau đổi mới, tình trạng cũng y như cách đây 60 năm.
Sự toàn cầu hóa, giao lưu với cái mới quá nhanh và chủ nghĩa tiêu thụ phương Tây cũng gây hậu quả tương tự đối với thanh niên. Chủ nghĩa tiêu thụ phát triển những ước muốn cá nhân, nhiều khi đi ngược lại với giá trị truyền thống sâu đậm như sự chia sẻ và tình đoàn kết. Chưa chắc những nhu cầu ấy đã hợp với sự xây dựng tính cách, mà chủ yếu phải dựa vào chất lượng quan hệ gia đình. Vấn đề là phải có những chuyển đổi cần thiết.
Dĩ nhiên, bố mẹ ngày nay không còn muốn giữ khuôn phép giáo dục cũ. Họ muốn uyển chuyển hơn nhưng lại phải đối diện ngay với phản ứng bột phát của con cái. Thế là vô hình chung, bố mẹ muốn trở lại thói quen giáo dục áp đặt.
Trở lại câu chuyện cô gái kể lúc vào đề. Bà Cachelin đặt vấn đề: Giải quyết trường hợp ấy thế nào? Nhiều cha mẹ ngày nay muốn xây dựng tình cảm sâu đậm với con cái từ nhỏ để đảm bảo quan hệ tốt cho tương lai và cho thế là đủ. Điều đó chỉ đúng một nửa. Theo nhà phân tâm học F. Dolto, con cái cần tình cảm bố mẹ, nhưng cần hơn nữa là sự hiểu biết của bố mẹ. Bố mẹ Việt thường cho là con cái lớn lên hư, không yêu bố mẹ. Sự thực là chúng vẫn yêu bố mẹ nhưng chúng phải đối phó với những vấn đề của cuộc sống, thí dụ vấn đề của tuổi dậy thì. Việc không giải quyết được mâu thuẫn có thể dẫn đến tự tử. Thế giới bên ngoài ảnh hưởng qua tivi, internet, phim ảnh, quảng cáo... Những hình ảnh chớp nhoáng ấy mang lại cho con cái sự giải trí giây lát hơn là đào tạo chúng. Bố mẹ phải biết cách hướng dẫn con cái hòa nhập môi trường mới có lợi nhất. Biện pháp đối với cô gái nói trên là giúp đỡ cô thực hiện ý nguyện tình cảm, giúp cô trao đổi thẳng thắn với bố mẹ, có thể qua trung gian một người bạn của gia đình, khéo léo gây lại lòng tin giữa bố mẹ và con cái. Thật đáng tiếc nếu những vấn đề thời hiện đại làm mất đi mối quan hệ gia đình tốt đẹp ở Việt Nam. Người cố vấn tâm lý có vai trò chèo lái con đò gia đình qua khúc sông đang có sóng to - những con sóng của sự đổi mới.