📞

Cốc trà kết nối hai dân tộc

17:45 | 29/10/2015
Trà đạo Nhật Bản nổi tiếng với những quy tắc, lễ nghi cầu kỳ và bên trong mỗi cốc trà ẩn chứa sự thanh tịnh, hòa hợp và ân tình của cả nghệ nhân lẫn khách thưởng trà.
Tiên sinh Genshitsu dâng trà lên bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quốc kỳ hai nước.

Trong những ngày cuối tháng Mười, trưởng môn đời thứ 15 của phái trà đạo Urasenke – tiên sinh Sen Genshitsu đã đến Hà Nội và thực hiện nghi lễ dâng trà vì tình hữu nghị giữa Việt Nam – Nhật Bản.

Một hình thức tu hành

Từ thế kỷ thứ XIII, sau khi đem bột trà xanh từ Trung Quốc về Nhật Bản, các nhà sư thiền tông đã coi đây là thứ đồ uống giúp họ tĩnh tâm trong quá trình tu luyện. Rất nhiều năm sau đó, thiền sư Sen Rikyu (1522-1591) đã nâng tầm việc pha và thưởng trà thành một hình thức tu hành để rèn luyện bản thân theo hướng chân – thiện – mỹ. Ông là cũng là trà sư của hai vị lãnh chúa nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản là Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi.

Thiền sư Sen Rikyu tóm tắt tinh thần cơ bản của trà đạo bằng bốn chữ “Hòa, Kính, Thanh, Tịch”. Trong đó, “Hòa” là sự hòa hợp giữa con người với con người, con người với thiên nhiên; “Kính” là niềm kính trọng hướng đến tất cả mọi sự vật; “Thanh” là biểu trưng cho sự thanh khiết của cả vật chất lẫn tinh thần; “Tịch” là sự bình an trong lòng nhờ sự kết hợp của ba yếu tố trên.

Sau này, môn trà đạo của ông Rikyu đã được chia làm ba trường phái là Urasenke, Omotesenke và Mushanokojisenke. Trong đó, Urasenke là trường phái thu hút hơn một nửa tổng số trà nhân trên toàn xứ Phù Tang. Ông Sen Genshitsu là trưởng môn đời thứ 15 của môn phái này.

Tiên sinh Genshitsu đang tiến hành các nghi thức pha trà mời khách.

Nói về việc chia trà đạo Nhật Bản thành nhiều trường phái, ông Genshitsu cho biết, các trường phái trà đạo cũng giống như những con đường lên núi Phú Sĩ, tuy khác nhau về hành trình nhưng đều dẫn tới đỉnh. Không một trường phái nào có đường tắt nên tất cả mọi người đều phải khổ luyện nhằm đạt được điều mà mình mong muốn.

Bí quyết sống lâu

Nhìn vào vóc dáng cao lớn, tác phong hoạt bát, thân thiện của vị trưởng môn đời thứ 15 phái trà đạo Urasenke, chẳng ai có thể ngờ rằng ông năm nay đã 92 tuổi. Khi được hỏi về bí quyết sống thọ và khỏe mạnh như vậy, ông nói đùa: “Chỉ có thể là trà mà thôi. Tôi uống trà nhiều đến nỗi nếu các bác sĩ có giải phẫu cơ thể tôi thì họ cũng sẽ chỉ nhìn thấy màu xanh của trà”.

Trong chương trình được tổ chức tại hội trường của trường Đại học Luật Hà Nội vừa qua, tiên sinh Sen Genshitsu đã trực tiếp trình diễn nghệ thuật pha trà trước hàng trăm khán giả. Để chuẩn bị cho sự kiện này, ông Genshitsu đã phải trực tiếp đến lựa chọn và mua trà tại một gia đình trồng và chế biến trà xanh gia truyền hơn 100 năm.

Ân tình vượt lên nghi lễ

Dù các dụng cụ pha trà như lọ, muỗng múc trà, cốc, cây đánh trà... luôn được giữ gìn sạch sẽ, nhưng trước khi pha trà mời khách, các nghệ nhân bao giờ cũng lấy khăn lau các dụng cụ để thể hiện sự tinh khiết dành cho các vị khách. Trong thời gian lau, họ tĩnh tâm để chuẩn bị bước vào công đoạn pha trà. Tiếp đó, nghệ nhân hướng ra phía các vị khách để mời họ ăn bánh ngọt vì nước trà có vị đắng và ngái.

Ở công đoạn pha trà, nghệ nhân múc nước nóng từ ấm đang sôi rồi nhẹ nhàng đổ vào cốc. Sau đó, họ dùng cây đánh trà để khuấy mạnh nước trà theo vòng tròn và gửi gắm tình cảm của mình vào đó.

Trước khi uống, các vị khách nâng cốc trà lên một cách rất trân trọng để thể hiện lòng biết ơn với mọi người. Tiếp đến, họ xoay cốc trà để nhìn nhận lại nhiều mặt của bản thân. Thưởng thức xong, họ tiếp tục giữ cốc trà trên tay và chiêm ngưỡng để thể hiện sự cảm tạ đối với nghệ nhân.

Trong sự kiện vừa qua, tiên sinh Genshitsu đã pha hai cốc trà. Cốc đầu tiên được ông dâng lên bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quốc kỳ hai nước. Cốc còn lại ông dùng để mời các vị khách quý của cả hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

“Việc pha trà, dâng trà tưởng chừng đơn giản nhưng lại chứa đựng rất nhiều tình cảm của cả nghệ nhân lẫn những vị khách dành cho nhau. Trong cuộc sống, nếu ai cũng có lòng biết ơn và quan tâm đến người khác, thế giới sẽ trở nên hòa bình”, ông Genshitsu chia sẻ.

“Là người rất yêu quý văn hóa và con người Nhật Bản, tôi đã có nghiên cứu một chút về trà đạo. Hôm nay là một cơ hội hiếm có và cũng là vinh dự khi tôi được trực tiếp thưởng thức trà đạo do chính ngài Genshitsu chuẩn bị. Từ thời nhà Trần, người Việt Nam đã biết ướp trà sen và có văn hóa ẩm trà vô cùng thanh tao. Với những điểm tương đồng như vậy, buổi giao lưu này đã giúp cho nhân dân hai nước tìm hiểu thêm về văn hóa của nhau để làm phong phú thêm tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Hoàng Quân