📞

Con đường hòa bình gập ghềnh ở Colombia

Đức Trí 06:00 | 07/07/2024
Chính phủ Colombia đang nỗ lực nối lại đàm phán với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) và các nhóm tách ra từ tổ chức này nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài sáu thập kỷ qua.
Từ trái: Trưởng đoàn đàm phán của Nhóm vũ trang Segunda Marquetalia (SM) Walter Mendoza, Chỉ huy SM Ivan Marquez và Ngoại trưởng Venezuala Yvan Gil Pinto tại cuộc họp báo trước đàm phán ở Caracas, Venezuela ngày 24/6/2024. (Nguồn: Reuters)

Theo báo cáo của Ủy ban sự thật Colombia được trang statista.com dẫn lại ngày 28/6/2022, xung đột vũ trang ở quốc gia Nam Mỹ kể từ năm 1964 đã cướp đi sinh mạng của hơn 450.000 người. Con số này có thể còn cao hơn bởi rất nhiều trường hợp được cho là mất tích hoặc không được báo cáo.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, với ưu tiên chấm dứt xung đột, Tổng thống Gustavo Petro đã nỗ lực nối lại đàm phán với các nhóm vũ trang ở Colombia, trong đó có Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), nhóm vũ trang EMC và Segunda Marquetalia (SM).

Theo cam kết đạt được giữa chính phủ Colombia và nhóm SM - lực lượng mạnh nhất tách ra từ FARC, hai bên bắt đầu nối lại các vòng đàm phán, với cuộc gặp đầu tiên vào tháng Hai, vòng tiếp theo diễn ra đầu tháng Năm và vòng thứ ba từ ngày 24-29/6 tại Caracas, Venezuela. Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ tư diễn ra tại Bogota vào ngày 4/7.

Hiện chi tiết về chương trình nghị sự của vòng đàm phán tiếp theo vẫn chưa được công bố, nhưng trên cơ sở các thỏa thuận đạt được, giới quan sát cho rằng, các bên sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy các cải cách vì hòa bình để có thể tiến tới một thoả thuận lâu dài, chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột ở Colombia.

SM hiện có khoảng 1.600 thành viên, do ông Ivan Marquez đứng đầu. Ivan Marquez chính là lãnh đạo thứ hai của FARC, nhà đàm phán đã giúp lực lượng này có được thỏa thuận hòa bình lịch sử với chính phủ Colombia vào năm 2016. Sau đó, ông Marquez chuyển sang hoạt động dân sự và được bầu làm Thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, đến năm 2019, ông bắt đầu hoạt động vũ trang trở lại với lý do Bogota đã không thực hiện đầy đủ những gì cam kết trong thoả thuận hòa bình 2016 và trở thành người đứng đầu SM.

Tuy nhiên, mới đây, ông Marquez đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Petro và nhất trí nối lại đàm phán. Trong vòng đàm phán tại Caracas vừa qua, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận. Tư lệnh quân đội Colombia, Tướng Helder Giraldo, cho biết đã có "sự xích lại gần nhau" trong việc đạt được lệnh ngừng bắn song phương.

Trong khi đó, Văn phòng Ủy viên phụ trách hòa bình Colombia cho biết, thỏa thuận đạt được gồm chín điểm, tập trung thúc đẩy “những thay đổi sâu sắc và cải cách dân chủ”. Theo đó, việc thực hiện giảm leo thang xung đột sẽ bắt đầu khi sắc lệnh của Tổng thống Colombia đình chỉ các hoạt động tấn công quân sự có hiệu lực và khi lực lượng nhà nước đảm bảo các điều kiện an ninh.

Hai bên cũng đồng ý thành lập một tiểu ban kỹ thuật, trong đó các nước đồng hành và bảo lãnh là Cuba, Na Uy và Venezuela sẽ được mời tham gia cùng các đại diện của Hội đồng Giám mục và Liên hợp quốc.

Cuba và Venezuela là những nước ủng hộ mạnh mẽ cho tiến trình hoà bình ở nước láng giềng Colombia. Ngày 1/7, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez tuyên bố “hoan nghênh các biện pháp đã được thống nhất giữa chính phủ Colombia và nhóm vũ trang SM”. Cuba, vốn đóng vai trò điều phối nhiều cuộc đàm phán giữa chính phủ Colombia và các nhóm vũ trang, duy trì cam kết vì hòa bình ở Colombia. Trước đó, ngày 2/8/2023, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2694 về mở rộng nhiệm vụ của Phái bộ Giám sát của Liên hợp quốc tại Colombia.

Có thể thấy, một nền hòa bình, ổn định lâu dài là niềm mong mỏi chung của không chỉ người dân Colombia mà cả cộng đồng quốc tế. Tuy vậy, hành trình tìm kiếm hòa bình ở quốc gia Nam Mỹ vẫn còn nhiều chông gai. Các nhà phân tích cho rằng, tiến trình hòa bình do Tổng thống Petro khởi xướng đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó có tình trạng các nhóm vũ trang lợi dụng lệnh ngừng bắn để mở rộng ảnh hưởng, chiếm thêm địa bàn và tuyển mộ thành viên mới.

Ngoài ra, dù các nhóm vũ trang đã nhất trí về thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ, song việc các bên có thực thi một cách nghiêm túc và có trách nhiệm hay không cũng là một vấn đề.

Gặp nhiều trở ngại nhưng chính phủ Colombia vẫn nỗ lực tìm kiếm đối thoại với các nhóm vũ trang và triển khai chính sách phát triển kinh tế, đẩy lùi bạo lực. Sự giúp đỡ, đồng hành của cộng đồng quốc tế chính là động lực giúp các nhà lãnh đạo Colombia tiếp tục bền bỉ bước đi trên hành trình gian nan, cho nền hòa bình lâu dài ở quốc gia Nam Mỹ này.