Trong những năm qua, theo Giám đốc Trung tâm, ông A.Yu. Lavrenev, con tàu vẫn đang đi trên một hành trình không có điểm dừng, nhằm nâng mối quan hệ nhân văn hai nước lên một tầng cao mới.
Bản giao hưởng yêu thương
Tôi đến Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga vào một buổi chiều muộn tháng 9. Đứng từ trong khuôn viên của Trung tâm, ngắm trời thu Hà Nội, tôi cảm thấy dường như bầu trời nơi tôi đứng có cả cái gì đó rất… Nga. Những chiếc lá vàng khẽ rơi khiến tôi liên tưởng đến những hàng cây lá phong, lá thích, lá sồi và bạch dương vàng rực hai bên đường, khắp phố phường, trong công viên. Dưới cái nắng vàng óng ánh, bầu trời trong xanh gợn chút mây trắng của Hà Nội, một “nước Nga bé nhỏ” miên man chìm trong sắc thu lãng mạn…
Những người Nga qua lại nói cười quanh tôi, họ nhẹ nhàng, trìu mến, nói thứ ngôn ngữ mà tôi không hiểu, nhưng sao tôi lại thấy gần gũi và yêu thương đến lạ. Dù chưa một lần đặt chân tới xứ bạch dương nhưng tôi có cảm giác được thấy nước Nga ngay tại quê hương mình.
Bước vào sảnh của Trung tâm, giống như bắt đầu một bản giao hưởng về quan hệ Việt - Nga. Những bức ảnh chụp Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Việt Nam được treo khắp nơi, những bức tranh Nga, những bức tranh Việt được thiết kế đan xen… Đâu đó thoang thoảng tiếng nhạc của Đôi bờ, Chiều Mátxcơva – những ca khúc đã trở thành một góc nhỏ trong tâm hồn ai đó…
Những người Việt ở đây rất thông thạo tiếng Nga, phần lớn họ đã có thời gian gắn bó với nước Nga, yêu văn hóa Nga. Và ngược lại, nhiều người Nga ở đây cũng nói tiếng Việt rất giỏi. Chẳng hạn như chị Natasha, chuyên viên giáo dục của Trung tâm mà tôi tình cờ gặp. Khi trò chuyện, sẽ không nghĩ chị là người Nga nếu không nhìn vào đôi mắt xanh của chị. Một phần bởi chị là người con của thành phố Vlapostoc, thuộc vùng Viễn Đông Nga – cái nôi đào tạo chuyên viên phiên dịch tiếng Việt và một phần vì tình yêu Việt Nam, tình yêu con người Việt và mong muốn đóng góp cho quan hệ truyền thống hai bên. Khi tôi hỏi về dự định tương lai, chị trả lời dứt khoát: “Tôi muốn ở Việt Nam càng lâu càng tốt”.
Nối kết vững chắc và tin cậy
Thật khó có thể kể hết thành tựu của Trung tâm kể từ khi thành lập năm 2003, nhưng có thể nói, Trung tâm đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, trở thành một cầu nối vững chắc và tin cậy giữa Nga và Việt Nam. Đóng góp này được Giám đốc A.Yu. Lavrenev cụ thể qua các dự án lớn mà Trung tâm đang triển khai.
Trước hết, phải kể đến Dự án Quảng bá văn học Nga tại Việt Nam thông qua việc dịch, xuất bản và phát hành những tác phẩm văn học Nga. Ông A. Yu.Lavrenev cho rằng những tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ ca của Nga hiện nay vẫn được khá nhiều người Việt Nam yêu thích. Không ít bạn trẻ đến tìm hiểu về việc học tiếng Nga, nuôi dưỡng ước mơ du học Nga một phần cũng xuất phát từ niềm đam mê văn học Nga. Trong cuốn Ngọn lửa Nga của Nikolai Rubsov, được xuất bản trong Dự án, dịch giả Vũ Thế Khôi đã viết trong lời mở đầu rằng nước Nga Xô viết từng trở thành thành trì niềm tin và ước mơ của bao thế hệ con người Việt. Vì vậy, việc xuất bản những ấn phẩm nhằm quảng bá nền văn học của quê hương nhà thơ Puskin tại Việt Nam có ý nghĩa nhân văn to lớn.
Dự án thứ hai mang tên “Việt Nam – Nga - một nền kinh tế mới” được Trung tâm thực hiện từ tháng 4/2012 hướng tới việc tăng cường, phát triển quá trình chuyển giao công nghệ giữa Nga và Việt Nam, thu hút giới doanh nghiệp, đầu tư hai nước cùng tham gia. Qua đây, Việt Nam có cơ hội học hỏi, áp dụng những phương tiện kỹ thuật của Nga vào sản xuất, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia Nga. Ông A.Yu. Lavrenev đánh giá cao tính thực tiễn của Dự án, khi các doanh nghiệp hai nước cùng hợp tác và sản xuất ra một sản phẩm mà điển hình là Công ty cơ sở thiết bị điện Đông Anh.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn đang thực hiện các kế hoạch khác như dự án “Các trường đại học Nga” nhằm thu hút sinh viên Việt Nam sang Nga du học hay dự án phát triển cơ sở đào tạo tiếng Nga tại các địa điểm du lịch như Nha Trang, Mũi Né.
Hy vọng trong tương lai, “con tàu vũ trụ” Việt - Nga sẽ vươn tới được tầm cao mới trong hành trình gắn kết hơn nữa quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai nước.
Hằng Phạm