Công bằng tài chính - chìa khóa cho thành công của COP27. (Nguồn: BBC) |
Mặc dù vậy, các cuộc họp COP27 phải đạt được tiến bộ có ý nghĩa liên quan đến vấn đề hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực biến đổi khí hậu cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn đang phải chịu sự đối xử "không công bằng" trước những nguy cơ đến từ biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Saskia van Wees đã khai thác khía cạnh "công bằng thực sự" và tính "bất đối xứng" trong trách nhiệm toàn cầu giữa các nước, đặc biệt là các nước giàu và nước nghèo, trong bài phân tích trên trang mạng internationalaffairs.org ngày 21/10, nội dung chính như sau:
Tình trạng mất công bằng toàn cầu sẽ là trọng tâm của các cuộc đàm phán về khí hậu sắp tới ở Sharm El-Sheikh (Ai Cập) vào tháng 11/2022. Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu năm 2022 diễn ra vào thời điểm thế giới đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức. COP27 diễn ra trong bối cảnh các chính phủ phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Đại dịch đang diễn ra, tỷ lệ lạm phát tăng vọt và cuộc chiến của Nga với Ukraine đã gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu và gây ra các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng trên khắp thế giới. Trong khi đó, tác động của biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng môi trường, buộc các quốc gia phải đối phó với lũ lụt chưa từng có, cháy rừng, hạn hán, nước biển dâng và các thảm họa thiên nhiên gây chết người và thiệt hại vật chất.
Khi nhân loại rơi vào tình trạng ngày càng bấp bênh, các cuộc đàm phán COP27 phải tập trung vào những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu: những quốc gia kém phát triển thiếu phương tiện di chuyển đến các địa điểm an toàn hơn và xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo vệ trước những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Do đó, tiến bộ trong lĩnh vực tài chính khí hậu công bằng là cần thiết cho thành công của COP27.
Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có giữa các quốc gia. Các quốc gia có thu nhập cao ngày nay tích lũy sự giàu có thông qua công nghiệp hóa với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch giá rẻ, dẫn đến lượng khí thải lớn gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Trong khi các quốc gia có thu nhập cao có thể đủ khả năng đầu tư tốt hơn vào việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, các quốc gia có thu nhập thấp gây tác động ít đến biến đổi khí hậu lại đang phải chịu “gánh nặng”.
Nguyên tắc về các trách nhiệm chung nhưng có phân biệt
Các quốc gia có thu nhập thấp hơn từ lâu đã thúc đẩy sự công bằng hơn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Một trong những nguyên tắc cơ bản của cơ chế LHQ liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu là "Các trách nhiệm chung nhưng có phân biệt" (CBDR). Được thành lập thông qua Tuyên bố Rio năm 1992 vốn làm cơ sở cho cơ chế về khí hậu, CBDR thừa nhận rằng trong khi tất cả các quốc gia đều chia sẻ trách nhiệm chung trong việc đảm bảo môi trường toàn cầu lành mạnh, các nước công nghiệp phát triển chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải nhà kính đã tích tụ trong khí quyển gây ra biến đổi khí hậu.
Do đó, các quốc gia này phải có trách nhiệm lớn hơn không chỉ trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà còn giúp các quốc gia có thu nhập thấp hơn thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nhìn chung các quốc gia phát triển không đáp ứng được các cam kết của họ. Năm 2009, các quốc gia có thu nhập cao đã đồng ý cung cấp 100 tỷ USD/năm cho các quốc gia kém phát triển hơn để giúp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu vào năm 2020 - một mục tiêu được tái khẳng định tại cuộc đàm phán về khí hậu ở Paris năm 2015. Mặc dù khoản kinh phí này không đủ để giải quyết các chi phí thích ứng và giảm thiểu tác động mà các quốc gia có thu nhập thấp phải đối mặt, nhưng đây là một bước đi đúng hướng trong việc duy trì CBDR.
Tuy nhiên, gần 3/4 số tiền đến từ các khoản vay ưu đãi và không ưu đãi với lãi suất theo thị trường chứ không phải là các khoản viện trợ không hoàn lại. Khi các quốc gia có thu nhập thấp phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nợ sắp xảy ra, các khoản vay như vậy có thể khiến các chính phủ kém phát triển ít có khả năng giải quyết tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trong tương lai.
Tài chính khí hậu và công bằng
Trong hội nghị khí hậu toàn cầu năm ngoái tại Glasgow (COP26), các nước phát triển có một lần nữa cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm cho các nước có thu nhập thấp hơn nhằm giúp hạn chế phát thải khí nhà kính và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Điều này rất quan trọng khi chi phí của biến đổi khí hậu tăng lên, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp nhất.
Nếu chúng ta tìm kiếm sự công bằng và duy trì nguyên tắc CBDR trong ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu, những nước ít chịu trách nhiệm trong vấn đề biến đổi khí hậu cần nhận được hỗ trợ tài chính dựa trên tài trợ từ những nước chịu trách nhiệm về khủng hoảng khí hậu, thay vì phải chịu các khoản vay tốn kém. Điều này đặc biệt quan trọng vào năm 2022, vì nhiều quốc gia thu nhập thấp đã phải đối mặt với khủng hoảng lương thực và nợ công đang gia tăng.
Ngoài việc đảm bảo rằng tài chính cho vấn đề biến đổi khí hậu được phân phối cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, một phần lớn hơn của viện trợ khí hậu cần được dành cho việc thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong khi COP26 đưa ra một thỏa thuận tăng gấp đôi tài trợ để thích ứng với biến đổi khí hậu lên 40 tỷ USD vào năm 2025, Phó tổng thư ký LHQ Amina Mohammed ước tính rằng sẽ cần 300 tỷ USD hằng năm cho hoạt động thích ứng vào năm 2030. Do đó, Nhóm Bộ trưởng Tài chính V20 đại diện cho 55 trong số các các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu đang kêu gọi 50% viện trợ tài chính về khí hậu cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn được phân bổ cho các dự án thích ứng, thay vì chủ yếu tập trung vào giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Theo V20, chi phí liên quan đến biến đổi khí hậu trên 55 quốc gia dễ bị tổn thương lên tới 525 tỷ USD trong 20 năm qua, tương đương 1/5 tài sản của các quốc gia này. Thật bất công khi nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần để giải quyết vấn đề mà không phải là lỗi của họ.
COP27 và con đường phía trước
Đảm bảo tài chính khí hậu công bằng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của COP27. Ngay cả Mỹ, vốn từ lâu tránh thừa nhận trách nhiệm "không tương xứng" với biến đổi khí hậu cũng đang kêu gọi công bằng khí hậu trên phạm vi quốc tế.
Năm ngoái, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cho rằng Mỹ cần phải có trách nhiệm về mặt "đạo đức" trong việc cung cấp các giải pháp cho vấn đề chống biến đổi khí hậu, vì Mỹ là nước phát thải lớn thứ hai trên thế giới.
Trong những tuần gần đây, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi chấp nhận các khoản tài trợ thay vì cho vay để hỗ trợ các dự án giảm nhẹ và thích ứng ở các nước có thu nhập thấp đang phải đối mặt với mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Mặc dù vẫn chưa rõ cuộc chiến giữa Nga với Ukraine và các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng sẽ tác động như thế nào đến các cuộc đàm phán về khí hậu sắp tới, nhưng những cú sốc này đối với nền kinh tế toàn cầu có thể tạo cơ hội để tái cơ cấu tài chính đối với vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu trong nỗ lực từ bỏ sử dụng dầu khí.
COP27 sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia hợp tác xây dựng các chương trình tài chính khí hậu phù hợp hơn dưới hình thức tài trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn đang chịu gánh nặng mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu.