Hình ảnh chi tiết về quy hoạch Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Nguồn: QĐND) |
UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng vừa công bố “Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500)”. Theo đó, hầu hết các kiến trúc gắn với thời Nguyễn, thời Pháp thuộc và thời đại cách mạng tại Hoàng thành như Cột Cờ, cổng Đoan Môn, Hậu Lâu, nhà hầm D67, nhà con Rồng, Bắc Môn… đều được bảo tồn tối đa.
Những công trình quân đội cũ, nhà dân hoặc các kiến trúc ít giá trị được phá bỏ hoặc chuyển đổi công năng. Bên cạnh đó, hệ thống cây xanh và đèn chiếu sáng được bổ sung nhằm tạo ra một “công viên văn hóa” tại quần thể này.
Đặc biệt, một số di tích từng bị phá hủy theo thời gian sẽ được ưu tiên trùng tu trước năm 2020 như Cổng Bắc Môn (nhìn ra đường Phan Đình Phùng) được phục dựng lại đường dẫn 2 bên như nguyên mẫu thời Nguyễn, hai cổng hành cung đi từ khu vực Hậu Lâu sang phía Đoan Môn từng bị bít kín bằng gạch sẽ được mở lại.
Khu vực quanh nền điện Kính Thiên cũng được tiếp tục khảo sát, thu thập tư liệu khảo cổ, để có thể phục dựng... Riêng bức tường CT31 (có ghi dòng chữ “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”), hiện đang là phế tích, cũng sẽ được nghiên cứu để có hình thức bảo tồn và trưng bày phù hợp.
Về chức năng, các quần thể kiến trúc tại Hoàng thành được phân bổ theo 5 không gian chính: Khu đón tiếp và tổ chức hoạt động cộng đồng trải từ Cột Cờ tới cổng Đoan Môn, Khu tham quan chính của di sản kéo từ Đoan Môn tới Hậu Lâu, Khu triển lãm chuyên đề và làm việc của bộ phận nghiên cứu từ Hậu Lâu tới Bắc Môn, Khu trưng bày di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu và một số không gian kết nối với các trục phố quanh Hoàng Thành.
Bản quy hoạch về Hoàng thành Thăng Long do Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia thực hiện và được Bộ Xây dựng phê duyệt vào cuối năm 2015. Được biết, trong quyết định phê duyệt đồ án, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm triển khai quy hoạch với kinh phí bằng nguồn vốn ngân sách và huy động thêm tài trợ bên ngoài.
Ông Vũ Đình Thành, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc Quốc gia cho biết, phương án quy hoạch sẽ tập trung làm nổi bật trục không gian từ Kỳ Đài đến Bắc Môn - trục liên kết các kiến trúc quan trọng nhất hiện còn của khu di sản.
Theo ông, dù khu di sản gồm nhiều công trình kiến trúc được xây dựng ở các thời kỳ khác nhau nhưng có sự gắn kết về mặt lịch sử. Do vậy, khi nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo tồn, các chuyên gia không tách biệt xem xét riêng từng công trình hay bảo tồn tại một thời điểm mà luôn đặt trong mối quan hệ với tổng thể không gian chung.