Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp. |
Ngày 25/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thảo luận mở về tình hình Trung Đông, trong đó có vấn đề Palestine, với sự tham dự của đại diện hơn 50 nước và một số tổ chức quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov điều hành phiên họp với tư cách Chủ tịch HĐBA tháng 4/2023.
Mở đầu phiên họp, Điều phối viên đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cho biết, tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine thời gian qua tiếp tục căng thẳng, đặc biệt tại khu Bờ Tây.
Ông Tor Wennesland kêu gọi các bên liên quan và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực giải quyết các thách thức chính trị, an ninh, kinh tế, chấm dứt các biện pháp đơn phương và hành vi kích động bạo lực.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực tiếp tục gia tăng, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa, duy trì hiện trạng tại các thánh địa ở Jerusalem và tránh các biện pháp đơn phương, kích động bạo lực, duy trì nguyên trạng các thánh địa tại Jerusalem.
Đại diện Việt Nam cũng phản đối việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây, cho rằng các hoạt động này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng triển vọng hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước.
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh, để đạt được một giải pháp công bằng, toàn diện và lâu dài cho xung đột Palestine-Israel thông qua các công cụ chính trị và ngoại giao, các bên có liên quan, đặc biệt là nhóm Bộ tứ về hòa bình Trung Đông, cần có các nỗ lực thực chất để thúc đẩy tiến trình này và nghiêm túc thực hiện các nghị quyết của HĐBA LHQ, đặc biệt là Nghị quyết 2334 (2016).
Đại sứ Đặng Hoàng Giang đồng thời nhắc lại lập trường của Việt Nam khẳng định giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất để đạt được một giải pháp lâu dài và toàn diện cho cuộc xung đột hiện nay, trong đó thành lập một Nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel, với Đông Jerusalem là thủ đô và các đường biên giới được quốc tế công nhận dựa trên các đường ranh giới năm 1967.