📞

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Góc nhìn thể chế

16:00 | 15/10/2016
Phát triển theo định hướng hiện đại, hội nhập, có đầu tư trọng điểm, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang dần mang lại hiệu quả thực tế và đóng góp cho xã hội.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/9. Sự ra đời của Chiến lược là kết quả nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách khi đánh giá khách quan thực trạng, tiềm năng và thách thức của các ngành công nghiệp văn hóa. Vậy tác động của đổi mới thể chế đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam những năm gần đây là gì?  

Đổi mới mang tính đột phá

Sự đổi mới này đã bắt đầu từ việc công nhận thị trường, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị văn hóa do Nhà nước quản lý, tiến hành xã hội hóa hoạt động sản xuất và dịch vụ văn hóa, luật hóa các quy định pháp quy liên quan đến công nghiệp văn hóa, triển khai các chính sách kinh tế trong văn hóa,... Chiến lược trên, khi vừa được phê duyệt, đã xác lập khái niệm, cấu trúc ngành nghề, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm phát triển các tiềm năng, lợi thế.

Các bước đi này giúp Việt Nam dần thay đổi quan niệm nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng của công nghiệp văn hóa, tạo môi trường có khả năng giải phóng sức sản xuất văn hóa, khuyến khích các phương thức kinh doanh, kênh lưu thông khác nhau trên thị trường văn hóa.

Một cảnh trong "Ionah" show tại Hà Nội. (Nguồn: Ionah.vn)

Hàng năm, Nhà nước đã chi vào hoạt động văn hóa 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong năm 2015, vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực văn hóa là 26,7 triệu USD và cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là 12,7 triệu USD. Nhà nước cũng cho phép khối tư nhân tham gia thành lập các hãng phim, chiếu phim, tổ chức các hoạt động biểu diễn, hợp tác với hàng chục cơ sở in ấn.

Từ đó, Việt Nam đã hình thành được thị trường văn hóa và các cơ sở hạ tầng có khả năng thúc đẩy 12 ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Đến cuối năm 2015, hệ thống các thiết chế văn hóa cả nước bao gồm các rạp chiếu phim, rạp hát, bảo tàng, trung tâm văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng... đã có thành phần sở hữu đa dạng. Đây chính là thay đổi mang tính đột phá tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và dịch vụ văn hóa, hướng tới một cấu trúc sở hữu đa dạng, hình thành các ngành nghề công nghiệp văn hóa mới, mở rộng thị trường và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.

Dấu mốc 2015

Đối với ngành điện ảnh, sau nhiều lần điều chỉnh chính sách và chiến lược phát triển, Việt Nam dường như đã tìm ra những giải pháp thể chế phù hợp.

Năm 2015 đánh dấu bước chuyển biến tích cực và có tính đột phá trong định hướng của ngành. Đó là mô hình nhà nước đầu tư, tư nhân sản xuất. Nhiều phim, nổi bật là phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đã thu hút được sự quan tâm của khán giả và giới truyền thông, tạo nên “cơn sốt” phim Việt những tháng cuối năm 2015.

Năm 2015 được coi là năm thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhất. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, năm 2015, phim Việt Nam có doanh thu trung bình 780,4 nghìn USD/phim so với phim nước ngoài là 391,6 nghìn USD/phim. Số lượng phim Việt được sản xuất và phát hành chiếm 18% tổng số phim được phát hành trên toàn bộ thị trường và doanh thu chiếu phim Việt chiếm 30%.

Sự thay đổi này đã chứng minh hiệu quả kinh tế-xã hội của phim do nhà nước đặt hàng, khẳng định được tài năng, sự sáng tạo và vững vàng của thế hệ các nhà làm phim trẻ, phát huy được xu hướng sáng tác vừa thể hiện bản sắc dân tộc vừa thể hiện được tính nhân văn và hội nhập.

Vở xiếc "Làng tôi" đã tạo được thương hiệu quốc tế. (Nguồn: Thể thao văn hóa).

Về nghệ thuật biểu diễn, Việt Nam có nhiều loại hình đa dạng, phong phú và có bề dày lịch sử. Một số chương trình nghệ thuật mới ra đời đã cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa ở thể loại giải trí.

Một số sản phẩm, dịch vụ nổi bật đã hình thành, tạo được thương hiệu quốc tế như vở xiếc “Làng tôi”, múa đương đại “Múa Hạn hán và cơn mưa”... Gần đây là"Ionah" show với sự kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: múa, kịch, xiếc mới, hip hop, nghệ thuật thị giác, âm nhạc, kỹ xảo, ánh sáng… và các công nghệ hiện đại khác đã tạo ra sự đặc sắc, mới lạ thu hút đông đảo người xem.

Thêm nữa, hoạt động sản xuất, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu cũng đã hình thành. Về các chương trình băng, đĩa ca múa nhạc, sân khấu, trung bình mỗi năm sản xuất và cấp mới khoảng 300 chương trình, và 2-4 triệu nhãn kiểm soát. Thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho thấy doanh thu năm 2015 của ngành ước đạt 5,2 triệu USD. Tăng trưởng doanh thu ước đạt khoảng 5% mỗi năm. Tổng số buổi biểu diễn trong năm 2015 của các đơn vị nghệ thuật Trung ương là 2.688 buổi, phục vụ khoảng 131.970.950 lượt người xem.

Bên cạnh đó, hoạt động của các ban, nhóm tư nhân, câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật đã góp phần bảo tồn một số di sản nghệ thuật truyền thống và phát huy các nguồn lực xã hội tự nguyện tham gia vào lĩnh vực này.

Có thể thấy, các chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư nguồn vốn trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, mang lại những đóng góp nhất định vào tăng trưởng GDP của cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ năm 2015, con số đóng góp ước đạt gần 2,68% GDP cả nước.

Thách thức còn ở phía trước

Dù có nhiều đổi mới, nhưng đến nay, ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa có những bước tiến đáng kể xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình. Số lượng các dự án liên quan đến công nghiệp văn hóa còn ít, chưa đủ sức thâm nhập và tác động sâu rộng tới nhận thức của những người tham gia vào hoạt động quản lý, sản xuất và dịch vụ văn hóa, cũng như với toàn xã hội.

Đến cuối năm 2015, hệ thống các thiết chế văn hóa cả nước bao gồm các rạp chiếu phim, rạp hát, bảo tàng, trung tâm văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng... đã có thành phần sở hữu đa dạng. Đây chính là thay đổi mang tính đột phá...

Đáng buồn là nhiều người vẫn mơ hồ về khái niệm công nghiệp văn hóa, thậm chí coi công nghiệp văn hóa là hiện tượng thương mại hóa văn hóa hoặc lo ngại sẽ làm mất đi bản sắc, giá trị văn hóa Việt Nam.

Mặt khác, các ngành sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Việt Nam mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa xuất hiện các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. So với các nền công nghiệp văn hóa phát triển, các hoạt động đang diễn ra ở Việt Nam còn khoảng cách khá xa.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, thị trường âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, các trò chơi trực tuyến ... đang rất manh mún, tự phát, không chuyên nghiệp. Có những lĩnh vực thiếu vắng vai trò quản lý nhà nước.

Có hai lý do dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa chỉ chú trọng tới đầu tư của chính phủ mà xem nhẹ vấn đề thu hút vốn. Việt Nam cần “tăng lượng” thu hút vốn đầu tư từ nhiều thành phần sở hữu khác nhau; có biện pháp kích hoạt nguồn vốn tồn đọng của Nhà nước, giải quyết vấn đề mối quan hệ hữu cơ giữa nguồn vốn và nhân lực để phát triển.

Thứ hai, hệ thống luật bảo hộ bản quyền thiếu các bảo đảm cần thiết để kích thích khả năng sáng tạo và hội nhập quốc tế. Thị trường đang tồn tại tình trạng vi phạm bản quyền ở hầu hết các lĩnh vực thuộc các ngành công nghiệp văn hóa. Chính sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về các quy định pháp lý của các doanh nghiệp khiến họ thiếu tự tin trong phát triển các mô hình doanh nghiệp. Sự yếu kém trong hệ thống luật bảo hộ này khiến các sản phẩm văn hóa Việt Nam không được bảo đảm các quyền cơ bản để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, cản trở việc phát huy khả năng sáng tạo văn hóa và không kiểm soát được các thiệt hại khi bị tước đoạt bản quyền, thương hiệu, các bí mật thương mại khi hội nhập quốc tế.

Nếu không thực sự tạo nên những bước đột phá có chiều sâu trong lĩnh vực này, chắc chắn Việt Nam sẽ khó có các thương hiệu mạnh, các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc trong những sản phẩm văn hóa có sự thăng hoa giữa công nghệ hiện đại và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân.

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam